Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nhiều nghiên cứu cho thấy rối loạn sàn chậu không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của bệnh nhân, gây ra những rối loạn trên nhiều hệ cơ quan: tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, bế tắc đường tiết niệu dưới, táo bón, gây khó chịu vùng chậu, nhiễm khuẩn niệu tái phát và rối loạn chức năng tình dục như đau khi giao hợp
1. Sàn chậu là gì?
Sàn chậu được ví như một cái võng hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau. Khối cân và cơ sàn chậu này bám chắc vào phía trước là thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt.
Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống: hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo) và hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh.
Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy.
Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này hỗ trợ hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.
2. Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?
Trải qua quá trình mang thai hoặc do yếu tố tuổi tác, hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu của người phụ nữ bị lão hóa, giãn ra nên không còn khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí ban đầu nên gọi là rối loạn chức năng sàn chậu.
Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng mang thai và sinh đẻ thì có một người bị són tiểu sau sinh. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu, trong đó cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng).
3. Biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu
Ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ thấy xuất hiện khối phồng ở vùng âm hộ mỗi khi ngồi xổm, ho hoặc rặn đi cầu. Ngoài biểu hiện ở giai đoạn sớm, rối loạn chức năng sàn chậu còn có những biểu hiện sau:
- Đường tiểu:
- Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật có trọng lượng nặng;
- Không nhịn tiểu được theo ý muốn của mình khi mắc tiểu;
- Đi tiểu đêm nhiều hơn 1 lần;
- Tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt trên 8 lần/ngày;
- Tiểu khó hoặc phải rặn;
- Có cảm giác đi tiểu không hết.
- Đi tiêu:
- Có cảm giác són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hoặc chạy nhảy;
- Không giữ được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu;
- Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống để tiêu.
- Đường sinh dục:
- Sa tử cung;
- Sa bàng quang;
- Sa trực tràng, ruột.
- Rối loạn đời sống tình dục:
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Giảm cảm giác ham muốn;
- Cảm giác cửa mình rộng.
- Đau ở vùng chậu mãn tính:
- Đau vùng thắt lưng chậu;
- Đau vùng bụng dưới hoặc vùng cửa mình.
4. Ai dễ bị rối loạn chức năng sàn chậu?
- Cơ sàn chậu sẽ suy yếu dần theo tuổi, theo số lần mang thai và sinh đẻ cũng như những sang chấn trong quá trình sinh sản;
- Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh;
- Các yếu tố làm áp lực ổ bụng tăng mãn tính như: béo phì, ho mãn tính, táo bón mãn tính, nâng vật nặng lặp đi lặp lại.
5. Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu
Việc điều trị rối loạn chức năng sàn chậu tùy thuộc vào mức độ rối loạn chức năng sàn chậu và hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân. Bao gồm các phương thức cơ bản sau:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước/ngày, kiểm soát cân nặng và có phương pháp giảm cân;
- Tập luyện bài tập sàn chậu: Giúp ngăn ngừa và điều trị hiệu quả 80% bệnh són tiểu, són hơi, són phân, mắc tiêu, tiểu không cầm được, tiểu đêm; ngăn ngừa sa các tạng trong vùng chậu, gồm: sa tử cung, bàng quang, trực tràng; ngăn ngừa và điều trị són tiểu, són hơi, són phân cho phụ nữ mang thai và sau sinh; hỗ trợ chuyển dạ sinh dễ dàng hơn; cải thiện, tăng cảm giác tình dục ở cả nữ và nam;
- Tập luyện cơ sàn chậu với máy: Gồm máy siêu âm, máy hướng dẫn tập hoặc kích thích điện cơ để nhận biết nhóm cơ cần tập.
- Tập luyện vật lý trị liệu ruột, bàng quang: Nhằm giúp kiểm soát tiêu, tiểu;
- Điều trị thuốc: Trong trường hợp có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo;
- Sử dụng vòng nâng Pessary: Sử dụng theo tư vấn của bác sĩ để điều trị sa cơ quan vùng chậu, són tiểu;
- Phẫu thuật: Do bác sĩ chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.
Tuy không đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân nhưng rối loạn chức năng sàn chậu ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, không tự tin.
Do tâm lý ngại ngùng vì mang "bệnh khó nói" và thấy không nguy hiểm tính mạng nên nhiều chị em không đi điều trị, để tình trạng bệnh ngày càng nặng dẫn đến các biến chứng. Vì vậy, khi bản thân chị em hay người thân có vấn đề nghi ngờ về rối loạn chức năng sàn chậu, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.