Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Sa tạng vùng chậu không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người phụ nữ, khiến phụ nữ mất đi sự thoải mái tự tin.
1. Những vấn đề về sàn chậu là gì?
Những cơ quan của vùng chậu gồm bộ phận âm đạo, tử cung và cổ tử cung, niệu đạo, bàng quang, trực tràng và ruột non. Những cơ quan trên được các cơ và các dây chằng của bộ phận sàn chậu nâng đỡ.
Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy. Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sanh dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này nhường nhịn hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.
Sự lão hoá theo tuổi tác, thời gian có thể khiến chức năng của các cơ và dây chằng suy yếu đi, trượt ra khỏi vị trí ban đầu và dẫn đến các hiện tượng như sa tử cung, sa bàng quang hoặc sa trực tràng; nặng hơn có thể sẽ bị giãn, rách ảnh hưởng đến chức năng của sàn chậu. Những vấn đề sức khoẻ có thể gặp ở sàn chậu có liên quan với việc cơ sàn chậu yếu đi, sa nội tạng vùng chậu. Tình trạng này sẽ diễn biến xấu hơn theo thời gian và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng thường gặp ở các bệnh sàn chậu
Có nhiều phụ nữ không nhận thấy hay không gặp các triệu chứng cụ thể, bởi họ không thấy sự khó khăn trở ngại với việc sa nội tạng vùng chậu. Còn hầu hết phụ nữ đều thấy sự thay đổi này từ nhẹ sau đó chuyển nặng. Cụ thể các triệu chứng lâm sàng có thể gặp như sau:
- Đường tiểu dưới: Tiểu không kiểm soát, tăng tần suất đi tiểu, dòng tiểu yếu hoặc tiểu kéo dài, tiểu ngập ngừng, cảm giác thoát tiểu không hoàn toàn, cần phải tác động đưa những cơ quan nội tạng trở lại trong âm đạo mới có thể tiểu tiện hay đại tiện được.
- Sa tạng vùng chậu: Cảm giác có khối phồng âm đạo, cảm giác bị đè ép và nặng nề sàn chậu và âm đạo, nhìn thấy hoặc sờ thấy một khối phồng vùng âm đạo hoặc sàn chậu; dùng băng vệ sinh tampon cũng trở nên khó khăn.
- Rối loạn tình dục: quan hệ tình dục đau, nông, sâu, bị cản trở, giảm ham muốn cảm giác, âm đạo rộng.
- Rối loạn đường hậu môn trực tràng: Tiểu tiện không kiểm soát, hay tiểu gấp, tiểu gấp không kiểm soát, đại tiện phải rặn, cảm giác đại tiện đi ngoài không hết, táo bón, giảm cảm giác trực tràng, xuất hiện chất nhầy chảy ra từ trực tràng, xuất huyết trực tràng.
- Đau đường tiểu và các cơ quan vùng chậu: Đau bàng quang, niệu đạo; đau âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn; đau vùng chậu (có thể theo chu kỳ), đau vùng bẹn; đau lưng dưới; hiện tượng kéo căng hay đau tức vùng bụng dưới hay quanh khung xương chậu.
3. Nguyên nhân khiến phụ nữ gặp vấn đề về sàn chậu
Phần lớn nguyên nhân gây ra vấn đề sa tạng sàn chậu là bởi việc sinh con. Đa số phụ nữ sinh thường qua đường âm đạo sẽ dễ có nguy cơ gặp những vấn đề sức khoẻ về vùng sàn chậu hơn những người sinh mổ.
Khi bước vào thời điểm sinh nở, các cơ hỗ trợ nâng đỡ cơ quan vùng chậu bị giãn ra hết mức dẫn đến các cơ này nhanh chóng yếu đi. Một nguyên nhân khác khiến các cơ quan vùng chậu bị sa đó là sự sụt giảm nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ trước và sau khi mãn kinh. Điều này làm cho cơ thể bị thiếu hụt lượng collagen cần thiết để hỗ trợ các mô liên kết vùng chậu.
Một số nguyên nhân khiến tổn thương sàn chậu khác:
- Người từng tiến hành phẫu thuật ở vùng chậu.
- Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh tuổi già: thiếu estrogen làm các sợi cơ teo đi, xơ cứng và mất tính đàn hồi.
- Sự lão hoá cơ và dây chằng vùng chậu.
- Phụ nữ tham gia các hoạt động về thể lực.
- Những yếu tố khiến áp lực tại ổ bụng gia tăng: người thừa cân hay béo phì, người hay bị táo bón hoặc bị ho mãn tính, người thường xuyên mang nịt bụng.
- Bất thường về cấu trúc sàn chậu, các bộ phận dịch chuyển theo sự ảnh hưởng bởi sức co.
- Bất thường về dẫn truyền thần kinh.
- Sang chấn sản khoa: rặn khi sinh lúc cổ tử cung chưa mở trọn, rách tầng sinh môn không phục hồi hoàn chỉnh được...
- Những yếu tố theo gen di truyền.
4. Phân loại các vấn đề sa tạng sàn chậu
Sa tạng sàn chậu có nhiều dạng khác nhau như:
- Sa tử cung: Bộ phận tử cung có hiện tượng bị sa trĩu xuống vùng âm đạo, khiến âm đạo bị chèn ép.
- Sa vòm âm đạo: Vùng trên cùng âm đạo bị sa trĩu xuống. Tình trạng này thường gặp với phụ nữ từng tiến hành thủ thuật cắt bỏ tử cung.
- Sa trực tràng - hiện tượng trực tràng đẩy ra ngoài âm đạo.
- Sa bàng quang: Vùng bàng quang tụt sâu xuống vùng âm đạo do cơ sàn chậu yếu dần không giữ được ở vị trí bình thường.
- Sa niệu đạo: Khi niệu đạo sa lồi ngáng sang âm đạo. Thường thì sa bàng quang sẽ xảy ra đồng thời với hiện tượng này.
- Sa ruột non: Xuất hiện túi phình ở thành sau bộ phận âm đạo, đó chính là ruột non bị đẩy đến thành sau âm đạo. Hiện tượng này hay xảy ra đồng thời với sa âm đạo.
5. Chẩn đoán và điều trị các vấn đề sa tạng sàn chậu
- Khám và chẩn đoán sa tạng sàn chậu
Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu bạn bị khó tiểu, xuất huyết âm đạo, hoặc bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và khám vùng chậu gồm khám vùng âm đạo, vùng trực tràng để chẩn đoán bệnh hoặc thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu nếu cần. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thể hiện trạng thái kéo căng thân người hoặc thể hiện hành động ho mạnh để kiểm tra độ đàn hồi của bàng quang, nước tiểu có bị rò rỉ không, nước tiểu có được tống ra hết khỏi bàng quang hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định bạn thực hiện siêu âm và chụp X-quang niệu đạo-bàng quang khi tiểu (VCUG) để chẩn đoán được chính xác hơn.
- Điều trị sa tạng vùng chậu
Cần tránh rặn mạnh khi đại tiện, tránh nâng các vật nặng, tránh ho nhiều và tránh để bị táo bón. Ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp điều trị táo bón. Thực hành bài tập Kegel để cải thiện tình trạng. Nếu các bài tập Kegel không hiệu quả, bạn cần đến vật lý trị liệu. Đối với phụ nữ sau mãn kinh có thể dùng các liệu pháp thay thế hormone để giúp làm săn cơ. Nếu các phương pháp trên vẫn không hiệu quả, phẫu thuật hoặc dùng các dụng cụ hỗ trợ sẽ được tiến hành để điều trị sa tạng sàn chậu.
6. Nguy cơ mắc bệnh về sàn chậu
Tất cả mọi người đều có thể mắc phải bệnh này. Tuy nhiên, tình trạng sa trực tràng hầu hết xảy ra ở phụ nữ. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Thường xuyên nâng các vật nặng;
- Ho kéo dài;
- Gắng sức khi đại tiện (do táo bón);
- Ung thư.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
7. Phương pháp giảm triệu chứng bệnh sàn chậu không cần phẫu thuật
- Về sản khoa
- Trong quá trình mang thai: Tránh tăng cân, táo bón, tránh ngồi xổm, tư thế ngồi toilet phù hợp.
- Trong lúc sinh: Lắng nghe bác sĩ hướng dẫn tư thế nằm, cách rặn, trường hợp thật sự cần mới sử dụng gắp thai, có thể mổ lấy thai để tránh các bệnh sàn chậu.
- Giai đoạn hậu sản: Chườm lạnh, tránh phù nề, nhiễm trùng, nuôi con bằng sữa mẹ để kích thích tử cung nhanh co lại, tập các bài tập sàn chậu, ăn uống đủ rau xanh, trái cây tránh táo bón.
- Các bài tập nên thực hiện
Hít thở bằng cơ bụng, tập khung chậu, tập cơ chéo bụng, tập cơ ngang bụng và thẳng bụng, kegel, knack.
- Tập Kegel
- Giúp ép chặt cơ quan ngừng tiểu, giúp cơ và dây chằng quanh âm đạo, niệu đạo, hay trực tràng dẻo dai, cải thiện việc tiểu không tự chủ. Bạn nên thực hiện ít nhất 3 lần/ngày.
- Tập ở mọi tư thế và lúc rảnh, ngay khi nhớ ra
- Tập động tác co và giữ: Thực hiện co người dần đến tối đa và giữ 3-10 giây, nghỉ 4 giây, tiếp tục lặp lại giữ tập khoảng 5 lần cho tới khi cơ mỏi không thể co tiếp được. Nghỉ 2 phút chuyển bài tập co cơ nhanh.
- Co cơ nhanh, mạnh tối đa và thả lỏng ngay: Mỗi lần co nhanh ít nhất 10 nhịp hoặc đến khi cơ mỏi không thể co tiếp được.
- Thay đổi về lối sống
-Khi gặp hiện tượng tiểu không thể tự chủ: nên hạn chế nước uống, chỉ uống đủ, hạn chế đồ uống chứa caffeine vì caffeine lợi tiểu.
-Khi gặp vấn đề đường ruột: Nên bổ sung chất xơ, hạn chế vấn đề táo bón lẫn sự co thắt không mong muốn trong đại tiện. Bên cạnh đó, bạn có thể đến khám bác sĩ để sử dụng thêm thuốc nhuận tràng và thuốc giúp mềm phân.
- Luyện tập cho bàng quang
Bạn có thể ăn uống theo những khung giờ quy định để việc đi tiểu cũng diễn ra theo những thời điểm quy định. Việc này làm chứng tiểu không thể tự chủ được khắc phục.
- Giảm béo
Giảm cân hay giảm béo sẽ giúp sức khỏe toàn diện của bạn trở nên dễ chịu hơn, giảm thiểu nguy cơ sa tạng vùng chậu.
- Mũ chụp âm đạo
Mũ chụp hay còn gọi là pessary. Đây là dụng cụ rất đặc biệt, chúng được đưa sâu trong âm đạo nhằm hỗ trợ việc nâng đỡ mọi cơ quan thuộc vùng chậu.
8. Điều trị các vấn đề dễ gặp về sàn chậu sau sinh
8.1. Điều trị nội khoa
- Chỉ định:
Các trường hợp sa tạng độ 1-2 chưa có biến chứng và chưa ảnh hưởng đến đời sống cá nhân.
- Điều trị:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp.
- Bổ sung nội tiết tố estrogen tại chỗ như viên đặt âm đạo hay kem bôi thoa...
- Tập vật lý trị liệu phục hồi sàn chậu
- Vòng nâng bàng quang, tử cung, trực tràng ngả âm đạo và điều trị tiểu không tự chủ.
8.2. Điều trị ngoại khoa
- Chỉ định:
- Sa tạng sàn chậu từ độ 2, có triệu chứng hay biến chứng, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
- Điều trị bằng mũ chụp âm đạo trong 3-6 tháng thất bại.
- Người bệnh yêu cầu phẫu thuật.
- Điều trị:
- Phục hồi cấu trúc lẫn chức năng sinh lý của cơ quan bị sa thuộc vùng sàn chậu.
- Chỉ định cắt tử cung khi có bệnh lý tử cung và cổ tử cung.
Sự lão hóa khiến cơ sàn chậu yếu đi và hiện tượng sa tạng vùng chậu xảy ra. Tình trạng này dễ gặp ở những phụ nữ đã từng sinh thường, vì vậy để tránh xảy đến với mình, bạn hãy thực hiện những phương pháp đơn giản giúp kéo dài khả năng đàn hồi của cơ sàn chậu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.