Rối loạn vận động do thuốc với mức độ từ nhẹ đến nặng sẽ khởi phát cấp tính, bán cấp hoặc muộn, đôi khi đe dọa tính mạng người bệnh. Các loại thuốc gây run tay run chân thường gặp nhất là thuốc chống nôn và loạn thần.
1. Các rối loạn vận động cấp tính
Một số loại thuốc điều trị và chất gây nghiện bất hợp pháp có nguy cơ gây ra phản ứng có hại trên thần kinh, cụ thể là rối loạn vận động với mức độ từ nhẹ (run) đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. Dựa vào thời gian khởi phát, rối loạn vận động do thuốc được phân thành 3 loại là cấp tính, bán cấp và muộn. Rối loạn vận động cấp tính xảy ra trong vài phút đến vài ngày sau khi sử dụng thuốc, bao gồm các dạng sau:
1.1. Nằm ngồi không yên
Đây là một dạng rối loạn vận động khá phổ biến, nhưng hay bị xem nhẹ, với các biểu hiện như:
- Cảm giác bồn chồn;
- Dễ bị kích thích;
- Căng thẳng.
Phản ứng xảy ra sau khi bắt đầu sử dụng, tăng liều hoặc chuyển đổi thuốc ức chế thụ thể dopamin, ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin, chống động kinh và cocain. Những triệu chứng thường nặng hơn về đêm, nhưng cũng không nhất thiết biểu hiện thành dấu hiệu thực thể. Nằm ngồi không yên khác và nghiêm trọng hơn hội chứng chân không nghỉ (restless leg syndrome). Tình trạng này có thể cải thiện sau khi người bệnh ngừng dùng các loại thuốc nghi ngờ. Một số dược phẩm cũng đã được chỉ định để xử trí phản ứng có hại này, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa đảm bảo tuyệt đối.
1.2. Run
Sau khi dùng hoặc tăng liều, rối loạn vận động do thuốc gây run dưới dạng:
- Run tư thế;
- Run vận động;
- Run thứ phát (hiếm gặp).
Bác sĩ cần chẩn đoán loại trừ những nguyên nhân gây run khác (bệnh Parkinson, run vô căn, cường giáp), sau đó xử trí bằng cách hiệu chỉnh liều dùng, chuyển sang thuốc thay thế hoặc ngừng thuốc nghi ngờ. Nếu phải tiếp tục sử dụng các loại thuốc gây run tay run chân, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ cho người bệnh về những lợi ích và nguy cơ đi kèm.
1.3. Hội chứng serotonin
Hội chứng serotonin thứ cấp xuất hiện khi dùng các thuốc làm tăng hoạt tính serotonin. Dạng rối loạn vận động do thuốc này có thể xảy ra với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng, với các biểu hiện lâm sàng như:
- Thay đổi trạng thái tâm thần;
- Có dấu hiệu quá kích thần kinh trung ương: Rung giật cơ, run, nằm ngồi không yên, tăng phản xạ bất thường, liệt cứng,...
- Rối loạn thần kinh thực vật: Giãn đồng tử, sốt, nhịp tim nhanh.
Quá trình khởi phát của hội chứng serotonin thường xảy ra rất nhanh (chỉ trong vòng vài giờ) và các triệu chứng cũng nổi bật hơn.
1.4. Loạn trương lực cơ cấp tính
Chủ yếu xảy ra ở người trẻ tuổi sau khi dùng thuốc ức chế thụ thể dopamin (chống nôn và loạn thần), có nguy cơ đe dọa tính mạng và cần cấp cứu ngay lập tức. Đặc trưng của dạng rối loạn vận động do thuốc này là:
- Co cứng cơ đầu cổ cấp tính;
- Xuất hiện cơn vận nhãn;
- Co cứng thân khiến tư thế ưỡn cong;
- Rối loạn trương lực cơ chân tay;
- Tắc nghẽn đường hô hấp (loạn trương lực cơ thanh quản cấp tính).
1.5. Hội chứng an thần kinh ác tính
Đây là phản ứng có ảnh hưởng đến tính mạng, gây ra do thuốc chống loạn thần và kháng thụ thể dopamin (dùng hoặc ngừng trong vòng 72h trước đó). Các biểu hiện bao gồm:
- Sốt ít nhất 2 đợt trên 38°C;
- Cứng đờ;
- Thay đổi trạng thái tâm thần;
- Tăng creatine kinase, bạch cầu, rối loạn điện giải;
- Rối loạn thần kinh thực vật, tăng chuyển hóa, nhịp tim và thở nhanh;
- Xét nghiệm cho thấy suy thận, chức năng gan bất thường và rối loạn đông máu.
Dạng rối loạn vận động do thuốc này cũng có thể xảy ra ở mức độ nhẹ hơn và không có các triệu chứng lâm sàng trên.
2. Rối loạn bán cấp tính
Rối loạn bán cấp tính có thể xuất hiện trong vài ngày đến vài tuần sau khi dùng thuốc, bao gồm một số hội chứng đã được liệt kê trong mục 1 và các dạng sau:
2.1. Hội chứng Parkinson
Khác với bệnh Parkinson tự phát, hội chứng Parkinson do thuốc đặc trưng bởi:
- Vận động chậm;
- Rối loạn tư thế;
- Cứng đờ và mất vận động có tính chất đối xứng;
- Khởi phát sau khi dùng thuốc vài ngày đến vài tháng;
- Đáp ứng kém với thuốc điều trị Parkinson điển hình;
Các triệu chứng có khả năng hồi phục hoàn toàn khi ngừng sử dụng thuốc nghi ngờ, nhưng một số độc chất gây ra hội chứng Parkinson sẽ phá hủy cấu trúc hạch nền không hồi phục.
2.2. Rối loạn vận động do levodopa
Levodopa là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn vận động ở người mắc Parkinson, thường xuất hiện do tương quan giữa giảm số lượng thụ thể dopamin và đáp ứng của cơ thể đối với levodopa. Các yếu tố nguy cơ của dạng rối loạn vận động do thuốc này bao gồm:
- Khởi phát bệnh Parkinson khi còn trẻ;
- Dùng levodopa liều cao;
- Cân nặng thấp;
- Tình trạng bệnh nặng.
Căn cứ vào thời gian xảy ra rối loạn vận động và mức độ ảnh hưởng, bác sĩ sẽ hiệu chỉnh liều levodopa mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị. Có thể giảm liều hoặc không, sử dụng thuốc khác để kiểm soát hoặc dùng các thiết bị hỗ trợ (giai đoạn sau).
3. Rối loạn vận động muộn
Tình trạng rối loạn vận động muộn do thuốc sẽ kéo dài khoảng 1 tháng, xảy ra trong hoặc sau thời gian sử dụng thuốc vài tuần (dùng trong 1 - 3 tháng). Ở trẻ em có thể xuất hiện khi ngừng thuốc đột ngột sau khi dùng thuốc chống loạn thần một thời gian dài. Các loại thuốc gây run tay run chân muộn thường là thuốc chống loạn thần, chống nôn, chẹn kênh calci có đặc tính chẹn thụ thể dopamin. Rối loạn vận động muộn bao gồm:
- Loạn vận động, điển hình là ở miệng - lưỡi;
- Rối loạn định hình, vận động lặp đi lặp lại không có mục đích;
- Nằm ngồi không yên;
- Loạn trương lực cơ;
- Rung giật cơ;
- Run;
- Máy cơ;
- Hội chứng Parkinson muộn.
4. Các loại thuốc gây run tay run chân
Có trường hợp thuốc chính là nguyên nhân trực tiếp gây run tay - chân, hoặc chỉ làm khởi phát hội chứng đã tiềm tàng từ trước. Tình trạng rối loạn vận động có thể liên quan đến nhiều loại thuốc, bao gồm:
4.1. Thuốc chống loạn nhịp tim
- Amiodarone: Gây run ở khoảng 1/3 bệnh nhân nhưng chưa biết rõ cơ chế. Run thường phụ thuộc vào tư thế và tăng lên khi tập trung, tần số run khoảng 6 - 10 Hz và giảm dần sau khi ngưng thuốc;
- Procainamide: Cũng được ghi nhận có liên quan với biểu hiện run;
- Mexiletin: Gây run, chóng mặt và giảm trí nhớ ở khoảng 10% người dùng thuốc;
- Procainamide: Tương đối hiếm gặp.
4.2. Các thuốc kháng khuẩn
- Kháng sinh co-trimoxazole: Gây run cả lúc nghỉ ngơi lẫn vận động, thường giảm dần sau khi ngừng thuốc và chưa hiểu rõ cơ chế;
- Một số thuốc diệt virus (vidarabine, aciclovir): Được ghi nhận gây ra biểu hiện run ở vài bệnh nhân, thường xuất hiện sau 5 - 7 ngày điều trị và giảm dần khi ngưng thuốc;
- Thuốc chống nấm: Chủ yếu là amphotericin B và ketoconazole có thể gây ra biểu hiện run, còn lại rất hiếm gặp.
4.3. Thuốc chống trầm cảm
Run cũng là một tác dụng phụ thường gặp của:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Amitriptyline;
- Các thuốc ức chế chọn lọc serotonin: Fluoxetine, paroxetine (cũng là một nhóm thuốc chống trầm cảm) với tỷ lệ 20%;
- Lithium: Là nguyên nhân dẫn đến rối loạn vận động do thuốc thường gặp nhất trên lâm sàng, nhưng hầu hết các trường hợp đều nhẹ và không ảnh hưởng quá nhiều (tần số run khoảng 8 -12 Hz).
4.4. Thuốc chống động kinh
Mặc dù được sử dụng trong điều trị run nhưng đa số các dược phẩm này cũng thuộc nhóm các loại thuốc gây run tay run chân. Cụ thể:
- Valproic acid: Gây run ở cả đầu và thân mình cho khoảng 80% người bệnh với 25% có biểu hiện rõ rệt trên lâm sàng;
- Một số thuốc chống động kinh khác:Tiagabine, gabapentin, lamotrigine và oxcarbazepine.
4.5. Thuốc giãn phế quản
- Các thuốc cường bêta giao cảm tác dụng nhanh: Salbutamol, isoprenaline, terbutalin được ghi nhận gây run ở khoảng 7 - 20% sau khi tiêm truyền và uống;
- Các thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài: Salmeterol ít có nguy cơ gây run hơn nhóm trên;
- Theophylline và aminophylline: Cũng khởi phát tình trạng run tiềm tàng khi được tiêm truyền.
4.6. Thuốc tiêu hóa
- Metoclopramide: Gây biểu hiện run lúc nghỉ, phụ thuộc liều và thường xuất hiện ở bệnh nhân suy thận;
- Cimetidine, misoprostol và muối bismuth: Gây run ở một số ít bệnh nhân nếu dùng quá liều.
4.7. Nội tiết tố
Run là biểu hiện thường gặp khi dùng quá liều:
- Levothyroxine;
- Adrenaline (hormon tủy thượng thận);
- Medroxyprogesterone acetate.
4.8. Thuốc an thần
- Các thuốc an thần kháng dopamin: Thioridazine, fluphenazine và chlorpromazine gây run ở 15 - 60% người dùng thuốc cả khi vận động hoặc lúc nghỉ;
- Các thuốc an thần không điển hình: Risperidone, olanzapine, quetiapine và ziprasidone thường chỉ gây run ở liều cao.
4.9. Hóa chất chống ung thư và gây độc tế bào
Các loại thuốc gây run tay run chân sau thường ở mức độ nhẹ đến vừa, tăng lên khi vận động:
- Thalidomide;
- Cytarabine liều cao;
- Một số hóa chất khác: Ifosfamide, vincristine, cisplatin, tamoxifen cũng gây run ở một số ít trường hợp;
- Thuốc ức chế miễn dịch: Ciclosporin và tacrolimus dùng trong chống thải ghép tạng và các bệnh tự miễn dịch
4.10. Một số loại thuốc khác
Các loại thuốc gây run tay run chân khác cũng được ghi nhận biểu hiện rải rác là:
- Thuốc chẹn kênh canxi (cinnarizine, flunarizine);
- Thuốc hạ huyết áp (methyldopa, reserpine, pindolol);
- Các thuốc giao cảm (ephedrine, pseudoephedrine và phenylpropanolamine);
- Các chất gây nghiện bất hợp pháp như cocain.
Rối loạn vận động do thuốc là một phản ứng có hại thường gặp, đôi khi đe dọa đến tính mạng người bệnh. Việc nhận biết sớm rối loạn vận động là gì và xác định loại thuốc thực sự gây ra phản ứng này đóng vai trò quan trọng. Các loại thuốc gây run tay run chân phổ biến là thuốc chống loạn thần và chống nôn. Đa phần các biện pháp xử trí rối loạn vận động do thuốc là ngừng thuốc nghi ngờ, chăm sóc hỗ trợ và sử dụng thuốc điều trị cho một số trường hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.