Tìm hiểu về dị ứng mạt bụi

Mạt bụi – họ hàng gần của loài ve và nhện - là những sinh vật tí hon chỉ được nhìn thấy qua kính hiển vi, sống nhờ ăn những tế bào da chết từ cơ thể của chúng ta. Dị ứng mạt bụi là phản ứng dị ứng với những côn trùng tí hon này. Các triệu chứng thường thấy là hắt xì và sổ mũi. Nhiều người bị dị ứng với mạt bụi cũng có các triệu chứng gần với hen suyễn như khò khè và khó thở.

1. Triệu chứng dị ứng mạt bụi

Các triệu chứng của dị ứng mạt bụi gây viêm mũi bao gồm:

  • Hắt hơi
  • Chảy nước mũi
  • Mắt bị ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
  • Nghẹt mũi
  • Ngứa mũi, ngứa vòm miệng hoặc ngứa họng
  • Chảy dịch mũi sau
  • Ho
  • Nặng và đau mặt
  • Đối với trẻ nhỏ, trẻ hay đưa tay cọ mũi

Nếu dị ứng mạt bụi gây hen suyễn, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Khó thở
  • Tức ngực hoặc đau ngực
  • Âm rít hoặc khò khè lúc thở ra khi nghe phổi.
  • Khó ngủ do khó thở, ho hoặc khò khè
  • Những cơn ho hoặc khò khè nặng hơn do nhiễm vi rút đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm

Dị ứng mạt bụi có thể từ mức độ nhẹ đến nặng. Dị ứng mạt bụi nhẹ thỉnh thoảng gây chảy mũi, chảy nước mắt và hắt hơi. Nhưng với những trường hợp nặng, người bệnh có triệu chứng kéo dài (mãn tính), gây hắt hơi, ho, nghẹt mũi, nặng mặt liên tục hay đợt hen cấp nặng.


Các triệu chứng của dị ứng mạt bụi gây viêm mũi bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi,...
Các triệu chứng của dị ứng mạt bụi gây viêm mũi bao gồm hắt hơi, chảy nước mũi,...

2. Nguyên nhân

Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại các yếu tố ngoại lai như phấn hoa, lông vật nuôi hay mạt bụi. Hệ thống miễn dịch tạo ra các protein được gọi là kháng thể, bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ xâm lược không mong muốn có thể khiến chúng ta bị bệnh hoặc gây nhiễm trùng. Khi bạn bị dị ứng, hệ miễn dịch sản xuất các kháng thể nhận định dị nguyên này như một vật gây hại, dù chúng vô hại. Khi có tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch tạo ra phản ứng viêm trong đường mũi hoặc phổi. Phơi nhiễm kéo dài hoặc thường xuyên với dị nguyên có thể gây viêm mãn tính, dẫn đến hen suyễn.

Mạt bụi ăn các chất hữu cơ như tế bào da chết, và thay vì uống nước, sinh vật này hấp thu nước từ độ ẩm trong không khí. Bạn có biết rằng bụi trong nhà chúng ta cũng chứa chất thải và xác mạt bụi, chính các protein này là thủ phạm của dị ứng mạt bụi?

3. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng mạt bụi của bạn, bao gồm:

  • Có tiền sử gia đình. Bạn có nguy cơ nhạy cảm với mạt bụi hơn nếu nhiều thành viên trong gia đình bạn bị dị ứng.
  • Tiếp xúc với mạt bụi. Tiếp xúc với số lượng lớn mạt bụi, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời làm tăng nguy cơ dị ứng mạt bụi.

4. Biến chứng


Nếu bạn đã bị dị ứng mạt bụi, việc tiếp xúc với sinh vật này có thể gây viêm xoang
Nếu bạn đã bị dị ứng mạt bụi, việc tiếp xúc với sinh vật này có thể gây viêm xoang

Nếu bạn đã bị dị ứng mạt bụi, việc tiếp xúc với sinh vật này có thể gây các biến chứng như:

  • Viêm xoang: Các mô đường mũi bị viêm mãn tính do dị ứng mạt bụi có thể gây nghẽn xoang, tăng nguy cơ viêm nhiễm xoang (Viêm xoang).
  • Hen suyễn: Người bệnh hen suyễn và dị ứng mạt bụi thường khó kiểm soát được các triệu chứng của hen, tăng nguy cơ bị cơn hen cấp vốn cần hỗ trợ y tế ngay hay điều trị cấp cứu.

5. Khi nào nên đi khám bác sĩ

  • Một số triệu chứng và dấu hiệu của dị ứng mạt bụi như chảy mũi và hắt hơi có thể bị nhầm với cảm thông thường. Đôi khi không dễ để biết bạn bị cảm hay bị dị ứng. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, đó có thể là dị ứng.
  • Nếu bạn có các dấu hiệu triệu chứng nghiêm trọng – như nghẹt mũi nặng, khò khè hay khó ngủ - hãy thăm khám bác sĩ ngay. Bạn nên đến khoa cấp cứu ngay nếu triệu chứng khò khè hay khó thở tăng nhanh hoặc khó thở dù chỉ sau những hoạt động tối thiểu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe