Đau cẳng tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm chấn thương ở xương, dây thần kinh và nhiều yếu tố khác. Cảm nhận cơn đau xương cẳng tay có thể khác nhau ở mỗi người. Hầu hết các trường hợp đau cẳng tay có thể được điều trị tại nhà hoặc thông qua sự chăm sóc y tế. Hãy theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị đau cẳng tay là gì.
Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Đau cẳng tay là gì?
Cẳng tay là đoạn từ khuỷu tay đến cổ tay, bao gồm hai xương chính là xương quay và xương trụ. Chấn thương ở các xương, dây thần kinh hoặc cơ trong khu vực này có thể gây ra cảm giác đau ở cẳng tay.
Đau cẳng tay có thể được cảm nhận khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể mang tính bỏng rát do tổn thương dây thần kinh. Trong khi đó, ở một số người, cơn đau có thể âm ỉ và nhức nhối, chẳng hạn như trong trường hợp viêm khớp. Cơn đau này có thể ảnh hưởng đến chức năng của cánh tay hoặc bàn tay, gây ra cảm giác ngứa ran và tê. Ngoài ra, đau xương cẳng tay còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác, bao gồm:
- Sưng ở cẳng tay hoặc ngón tay.
- Tê ở ngón tay hoặc cẳng tay.
- Sức mạnh bị suy giảm, ví dụ như độ bền tay cầm giảm.
- Phạm vi chuyển động hạn chế.
- Khớp khuỷu tay hoặc cổ tay phát ra tiếng bật, nhấp hoặc kêu khi cử động.

Đôi khi, đau xương cẳng tay không phải do chấn thương hoặc rối loạn chức năng của chính cẳng tay. Cơn đau cẳng tay có nguồn gốc từ một khu vực khác nhưng lại cảm nhận được ở cẳng tay.
2. Nguyên nhân gây ra chứng đau cẳng tay
Một số nguyên nhân có thể gây ra đau xương cẳng tay bao gồm:
- Viêm khớp có thể làm mòn sụn bảo vệ trong khớp, dẫn đến xương cọ xát với nhau.
- Hội chứng ống cổ tay khiến ống thần kinh ở cổ tay bị thu hẹp, gây áp lực lên các dây thần kinh và dẫn đến cơn đau.
- Chấn thương do ngã, có thể gây ra gãy xương, bong gân hoặc tổn thương dây chằng.
- Các vấn đề về tĩnh mạch và tuần hoàn.
- Căng cơ, thường xảy ra khi chơi các môn thể thao như tennis hoặc golf.
- Chấn thương do lạm dụng quá mức.
- Sai tư thế, chẳng hạn như vai hơi cong về phía trước, có thể nén các dây thần kinh trong cánh tay.
- Các vấn đề về thần kinh, có thể do các tình trạng y tế như tiểu đường hoặc rối loạn tuyến giáp.
- Hoạt động bàn tay quá nhiều như sử dụng máy tính thường xuyên để học tập và làm việc.
3. Điều trị đau cẳng tay tại nhà
Các phương pháp điều trị đau cẳng tay có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
- Để giảm mức độ viêm, bệnh nhân có thể giữ cho cẳng tay của mình được nghỉ ngơi thường xuyên.
- Chườm lạnh vùng bị ảnh hưởng bằng một miếng vải bọc đá trong 10 đến 15 phút mỗi lần có thể giúp giảm sưng.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil) hoặc acetaminophen (Tylenol) có thể hỗ trợ giảm sưng và cảm giác khó chịu.
Ngoài ra, để điều trị đau cẳng tay tại nhà, người bị đau xương cẳng tay nên bổ sung các bài tập luyện tại nhà như:
3.1. Bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh
Các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh có thể giúp giảm đau cẳng tay. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên bắt đầu bất kỳ chế độ tập luyện hoặc kéo giãn nào mà không được bác sĩ chấp thuận vì điều này có thể làm cho chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Sau khi thực hiện các bài tập, người bị đau xương cẳng tay có thể cần chườm đá lên cẳng tay để giảm bớt cảm giác khó chịu và sưng tấy có thể xảy ra.
3.2. Kéo giãn cổ tay
Động tác kéo giãn này giúp giảm căng thẳng liên quan đến đau xương cẳng tay, đặc biệt khi nguyên nhân là do hội chứng ống cổ tay.
Các động tác bao gồm:
- Giữ cánh tay song song với mặt đất, mở rộng từ vai và xoay bàn tay sao cho hướng xuống dưới.
- Sử dụng tay đối diện để kéo xuống bàn tay đang dang ra và về phía cơ thể, đồng thời uốn cong cổ tay để cảm nhận sự căng ở bàn tay và cẳng tay.
- Xoay nhẹ cánh tay vào trong để cảm thấy cánh tay được kéo dài thêm.
- Giữ vị trí này trong 20 giây.
- Lặp lại năm lần cho mỗi bên.

3.3. Xoay cổ tay
Bài tập này giúp tăng cường cơ bắp tay trước, tuy nhiên người bị đau xương cẳng tay cần chuẩn bị dụng cụ tập luyện.
Các động tác thực hiện như sau:
- Cầm dụng cụ trong tay, giơ cao ngang vai với lòng bàn tay hướng lên trên.
- Xoay cánh tay và cổ tay để lòng bàn tay hướng xuống dưới.
- Tiếp tục thay đổi hướng của lòng bàn tay từ lên trên sang xuống dưới.
- Thực hiện ba bộ, mỗi bộ 10 lần lặp lại.

3.4. Uốn cong khuỷu tay
Mặc dù bài tập này trông có vẻ giống với bài tập gập bụng nhưng thực sự tập trung vào việc nhắm mục tiêu và kéo căng cẳng tay.
Các động tác bao gồm:
- Đứng thẳng và thả lỏng hai cánh tay.
- Cong cánh tay phải lên trên, cho phép mặt trong của bàn tay chạm vào vai.
- Nếu bệnh nhân không thể chạm vai, hãy cố gắng duỗi người càng gần vai càng tốt.
- Giữ nguyên tư thế trong 15 đến 30 giây.
- Hạ tay xuống và lặp lại bài tập 10 lần.
- Thực hiện tương tự với cánh tay đối diện.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm thuốc chống viêm cortisone để giảm viêm ở các cơ có thể gây ra đau cẳng tay.
Nếu tiêm cortisone không giúp giảm đau, bác sĩ có thể xem xét phương pháp phẫu thuật như một lựa chọn để giảm cơn đau. Tuy nhiên, phẫu thuật thường được coi là phương pháp điều trị cuối cùng, chỉ được áp dụng khi các biện pháp và bài tập tại nhà không mang lại hiệu quả. Bác sĩ thường không khuyến nghị phẫu thuật trừ khi chấn thương là cấp tính hoặc bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng.
4. Các biện pháp phòng ngừa đau xương cẳng tay
Hãy thực hiện những cách sau đây để phòng ngừa đau xương cẳng tay hiệu quả:
- Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức hợp lý.
- Khởi động trước khi tham gia luyện tập hoặc chơi thể thao.
- Đảm bảo tập đúng kỹ thuật và không nên tập quá sức.
- Để tay và toàn bộ cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng.
Nhiều người bị đau cẳng tay có thể điều trị thành công các triệu chứng của mình mà không cần phẫu thuật. Hãy để cẳng tay được nghỉ ngơi khi cơn đau xuất hiện và đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng đau xương cẳng tay trở nên tồi tệ hơn. Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Tennis elbow (lateral epicondylitis). (2015). orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00068
- PhysioAdvisor Staff. (n.d.). Diagnostic guide - elbow & forearm pain. physioadvisor.com.au/injuries/elbow-forearm/