Tìm hiểu bệnh vảy nến có di truyền không theo các nghiên cứu khoa học

Bệnh vảy nến có di truyền không là điều mà nhiều người chưa thật sự nắm rõ, đồng thời cũng là một chủ đề nghiên cứu được các nhà khoa học tìm hiểu trong một thời gian dài. Bài viết sau đây sẽ góp phần giải mã các nghiên cứu đó.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

1. Những nghiên cứu di truyền về bệnh vẩy nến

1.1. Tính di truyền bệnh vẩy nến trong gia đình

Bệnh vảy nến là một trong số những căn bệnh đã được nghiên cứu về các bằng chứng di truyền từ lâu. Kết quả từ những nghiên cứu này đã cho thấy nhiều bằng chứng thuyết phục về khuynh hướng di truyền. Nếu trong trường hợp cha và mẹ đều mắc bệnh, tỷ lệ phát triển bệnh lên tới 50%. Nhưng nếu chỉ một trong hai người mắc bệnh thì tỷ lệ này giảm xuống còn 16%, và còn thấp hơn nếu trong gia đình không có tiền sử mắc bệnh vẩy nến.

Đã có nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem bệnh vảy nến có di truyền không
Đã có nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem bệnh vảy nến có di truyền không

Với các cặp song sinh cùng trứng, tỷ lệ nhiễm bệnh vảy nến chiếm khoảng 70%, còn song sinh khác trứng chỉ có 20%. Thông qua các nghiên cứu để xem xét bệnh vảy nến có di truyền không, người ta ước tính tỷ lệ thường giao động từ 60 đến 90%. Ngoài việc xét các yếu tố di truyền trực tiếp từ cha mẹ sang con cái, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến ở cô, dì, chú, cậu hay ông bà của người bệnh là khoảng 4,2%, và ở anh chị em họ là khoảng 1,4%.

1.2. Những yếu tố khác tác động đến bệnh nhân vẩy nến

Tuy vậy, yếu tố môi trường cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó là các yếu tố sắc tộc, màu da, hay tuổi tác, tất cả đều ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh vảy nến. Một nghiên cứu tại Úc đã chỉ ra tỷ lệ cùng mắc bệnh ở các cặp song sinh cùng trứng là 35%, và 12% với các cặp song sinh khác trứng.

Trẻ em song sinh cùng trứng có tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến cao hơn khác trứng
Trẻ em song sinh cùng trứng có tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến cao hơn khác trứng

Tỷ lệ này có thể thay đổi ở các quốc gia khác như Mỹ và Anh. Cuối cùng là sự chênh lệch tỷ lệ mắc bệnh giữa các chủng tộc màu da khác nhau. Người Mỹ gốc Phi có khoảng 1,3% tỷ lệ mắc bệnh vảy nến, còn các trường hợp như người da đỏ Bắc Mỹ, người châu Á và người gốc Phi sống ở phương Tây thì tỷ lệ nhiễm bệnh khá thấp. Hầu như không phát hiện bệnh ở người da đỏ bản xứ Nam Mỹ. Theo thống kê của bệnh viện Da liễu Trung ương Việt Nam vào năm 2010, có khoảng 2,2% tổng bệnh nhân đến khám là mắc bệnh vảy nến.

2. Nghiên cứu thêm về những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh vảy nến

Giới tính cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh vảy nến, đặc biệt là thời điểm phát bệnh. Theo đó, phụ nữ có thể phát bệnh vảy nến sớm hơn nam giới khoảng 3,5 năm (Trung bình phụ nữ là 28,68 tuổi, còn nam giới là 32,2 tuổi). Trong trường hợp phát bệnh trước 40 tuổi, mà đỉnh điểm là khoảng từ 16 đến 22 tuổi (Chiếm 70% bệnh nhân vảy nến), được gọi là Vảy nến Loại 1.

Người mắc bệnh vảy nến loại 2 thường rơi vào giai đoạn từ 57 đến 60 tuổi
Người mắc bệnh vảy nến loại 2 thường rơi vào giai đoạn từ 57 đến 60 tuổi

Đối với giai đoạn từ 40 tuổi trở lên nếu mắc bệnh sẽ được xếp vào Vảy nến Loại 2, và đỉnh của nhóm tuổi này là giai đoạn từ 57 đến 60 tuổi. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nam và nữ ở trẻ em có một sự khác biệt đáng kể. Trung bình tuổi phát bệnh ở bé gái là khoảng từ 5 đến 9 tuổi, thấp hơn rất nhiều so với bé trai, khoảng từ 15 đến 19 tuổi.  

Tóm lại, đã có nhiều những nghiên cứu khoa học chỉ ra các bằng chứng cụ thể về việc bệnh vảy nến có di truyền không. Bệnh vảy nến đã được xếp vào nhóm bệnh có yếu tố di truyền, vì vậy những trường hợp trong gia đình có người từng mắc bệnh nên xem xét trao đổi với bác sĩ để được xét nghiệm di truyền, nhằm đảm bảo phát hiện sớm dấu hiệu nghi ngờ bệnh đối với con cái, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe