Có nhiều cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối và tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về các lựa chọn điều trị giúp giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời nhận biết đúng triệu chứng khi gặp phải tình trạng này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đỗ Văn Cường, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. U nang bao hoạt dịch khớp gối là bệnh gì?
U nang bao hoạt dịch khớp gối xảy ra khi lớp bao hoạt dịch trong khớp gối sản xuất lượng dịch vượt mức bình thường, thường do chấn thương hoặc các vấn đề bên trong khớp.
Khi dịch tăng quá mức, áp lực trong khớp gối cũng tăng lên dẫn đến tình trạng thoát vị ra sau khớp, gây tràn dịch khớp gối.
Thông thường, u nang hoạt dịch khớp gối không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và ít cản trở các hoạt động hàng ngày của khớp gối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u nang có thể phát triển lớn hơn, dẫn đến chèn ép và gây đau kéo dài, đặc biệt khi người bệnh đi bộ, leo cầu thang hoặc vận động khớp gối.
Mặc dù kích thước của u nang có thể thay đổi theo thời gian nhưng hiếm khi gây chèn ép lên khớp hoặc các cơ quan xung quanh như mạch máu hay dây thần kinh trong khớp. Chỉ trong một số ít trường hợp u nang phát triển quá lớn có thể vỡ ra sẽ gây đau đột ngột, đau bắp chân, sưng đỏ và nóng ở khớp, đôi khi dẫn đến tắc tĩnh mạch hoặc tổn thương cơ. Vì thế, các cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối cần được lựa chọn và thực hiện kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
2. Dấu hiệu nhận biết u nang bao hoạt dịch khớp gối
Việc phát hiện sớm u nang bao hoạt dịch khớp gối giúp người bệnh có thể kiểm soát và điều trị tình trạng này hiệu quả hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết u nang bao hoạt dịch khớp gối:
- Đau phía sau đầu gối là một triệu chứng phổ biến.
- Người bệnh có thể sờ thấy các khối tròn nhỏ với kích thước không đều, thay đổi theo thời gian và đôi khi tạm thời biến mất.
- Khi khớp gối bị cứng, việc di chuyển hoặc uốn cong khớp trở nên khó khăn, đặc biệt khi u nang phát triển lớn, gây cản trở hoạt động của khớp.
Tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm và chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí, kích thước, mức độ phát triển của u nang cũng như các tổn thương mô xung quanh do u nang gây ra.
Ngoài việc phụ nữ có tỷ lệ mắc u nang bao hoạt dịch khớp gối cao hơn nam giới, các nhóm sau đây cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Người cao tuổi.
- Phụ nữ trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới trưởng thành.
- Những người có tiền sử viêm khớp gối, rách sụn hoặc chấn thương khớp gối cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

3. Cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối
Khi tìm hiểu về u nang bao hoạt dịch khớp gối, nhiều người lo lắng về cách điều trị. Trên thực tế, u nang bao hoạt dịch khớp gối thường tiến triển chậm hoặc không phát triển và đôi khi có thể tự tiêu biến khi dịch tiết thấm ngược trở lại vào khớp.
Đáng lưu ý, hầu hết các u nang bao hoạt dịch khớp gối đều lành tính và không có nguy cơ chuyển thành ung thư. Do đó khi được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh không cần quá lo lắng mà nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa u nang phát triển quá lớn gây chèn ép.

Dưới đây là một số cách điều trị u nang bao hoạt dịch khớp gối phổ biến:
3.1 Điều trị bằng thuốc
Bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm corticosteroid vào khớp gối để giảm viêm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời và không ngăn ngừa u nang tái phát.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc giảm đau Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid như Naproxen, Diclofenac, Ibuprofen... được sử dụng để giảm tình trạng đau và sưng viêm khớp gối. Bệnh nhân không được lạm dụng cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối này vì có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe.

3.2 Chọc hút dịch
Chọc hút dịch sử dụng siêu âm để định hướng quá trình chọc hút dịch từ khớp gối, giúp giảm áp lực lên các cơ quan xung quanh. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp kích thước nang lớn, ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng bội nhiễm.
3.3 Cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối bằng vật lý trị liệu
Đây là một phương pháp phổ biến, bao gồm chườm lạnh và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng cho khớp gối nhằm giảm sưng đau. Việc tập luyện nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên viên kỹ thuật để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
3.4 Điều trị từ nguyên nhân
Phương pháp này tập trung vào việc giải quyết nguyên nhân gây bệnh nhằm đạt hiệu quả tối đa và ngăn ngừa tái phát. Điều trị có thể bao gồm can thiệp sụn chêm hoặc phẫu thuật loại bỏ u nang.
3.5 Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được áp dụng cho những u nang lớn, gây ra các cơn đau dữ dội đồng thời chèn ép lên các cơ quan xung quanh. Hai dạng phẫu thuật thường được sử dụng bao gồm:
- Nội soi được áp dụng để bịt kín lỗ nối giữa khớp và nang, giúp giảm tiết dịch, giảm áp lực lên khớp và cải thiện triệu chứng lâm sàng.
- Cắt bỏ khối u: Phương pháp này được thực hiện khi u nang tái phát nhiều lần.

Các cách chữa u nang bao hoạt dịch khớp gối này giúp bệnh nhân kiểm soát và cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh hiệu quả. Lưu ý răng hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của bạn.
Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh u nang bao hoạt dịch khớp gối, giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguyên nhân và hướng điều trị hiệu quả, hạn chế biến chứng cho người bệnh.
Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng của bệnh hoặc nghi ngờ mắc phải, nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để được thăm khám và điều trị bằng phương pháp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.