Việc sử dụng sản phẩm từ đậu nành và mối liên hệ với nguy cơ ung thư vú đã từng gây nhiều tranh cãi. Trước đây, một số người lo ngại rằng đậu nành, chứa isoflavone – một dạng estrogen thực vật, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú do estrogen có liên quan đến ung thư này. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng việc tiêu thụ vừa phải thực phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành hay edamame không làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Ung thư vú là gì?
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào vú bị đột biến và trở thành tế bào ung thư, chúng nhân lên và hình thành khối u. Ung thư vú thường ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi 50 trở lên, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới, cũng như những phụ nữ trẻ hơn.
Nguyên nhân gây ung thư vú?
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú bao gồm tuổi tác, béo phì, lạm dụng rượu bia, tiền sử gia đình mắc ung thư vú, tiền sử tiếp xúc với bức xạ, tiền sử sinh sản (chẳng hạn như tuổi bắt đầu có kinh nguyệt và tuổi mang thai lần đầu), sử dụng thuốc lá và liệu pháp hormone sau mãn kinh. Khoảng một nửa các trường hợp ung thư vú phát triển ở phụ nữ không mang yếu tố nguy cơ ung thư vú khác ngoài giới tính (nữ) và tuổi tác (trên 40 tuổi).
Tiền sử gia đình mắc ung thư vú có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng phần lớn phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú không có tiền sử gia đình được biết đến về căn bệnh này. Việc không có tiền sử gia đình mắc ung thư vú không có nghĩa là nguy cơ ung thư sẽ giảm.
Một số đột biến gen có tính thâm nhập cao có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú, trong đó nổi bật nhất là đột biến các gen BRCA1, BRCA2 và PALB-2. Những phụ nữ phát hiện có đột biến ở các gen chính này có thể cân nhắc giảm thiểu nguy cơ bằng cách phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú hoặc các chiến lược phòng ngừa bằng hóa chất.
Tiêu thụ đậu nành có làm tăng ung thư vú?
Các nghiên cứu cho thấy rằng một chế độ ăn giàu thực phẩm từ đậu nành suốt đời có thể giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Tác dụng bảo vệ này ít rõ ràng hơn đối với những phụ nữ ăn ít đậu nành hoặc bắt đầu ăn đậu nành muộn trong cuộc đời. Đậu nành chứa protein, isoflavone và chất xơ, tất cả đều mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Trước đây người ta từng cho rằng thực phẩm từ đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú do Isoflavone, một chất có trong đậu nành, là estrogen thực vật. Mức độ estrogen cao đã được liên kết với việc tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, các nguồn thực phẩm từ đậu nành không chứa đủ mức độ isoflavone cao để làm tăng nguy cơ ung thư vú. Việc ăn một lượng vừa phải thực phẩm từ đậu nành không làm tăng nguy cơ ung thư vú hoặc các loại ung thư khác.
Ngược lại, các loại thực phẩm bổ sung từ đậu nành hoặc isoflavone thường chứa hàm lượng isoflavone cao hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các chất bổ sung từ đậu nành hoặc isoflavone và nguy cơ ung thư vú tăng cao ở những phụ nữ có tiền sử gia đình hoặc cá nhân mắc ung thư vú hoặc gặp vấn đề về tuyến giáp.
Tiêu thụ đậu này bao nhiêu là vừa đủ?
Một lượng vừa phải là khoảng một đến hai khẩu phần mỗi ngày các loại thực phẩm từ đậu nành nguyên hạt, chẳng hạn như đậu phụ, sữa đậu nành và đậu nành luộc có thể không ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư vú.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng các loại thực phẩm bổ sung này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic