Tiểu không tự chủ ở người già gây nhiều phiền toái cho người bệnh và người chăm sóc. Bên cạnh đó, bệnh tiểu không tự chủ có thể gây nên nhiễm trùng đường tiết niệu do nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Việc chẩn đoán bệnh tiểu không tự ở người già giúp cho việc điều trị chính xác và nhanh chóng hơn, từ đó hạn chế được các biến chứng không mong muốn.
1. Ảnh hưởng của tiểu không tự chủ ở người già
Đối với người già, các chức năng của thận và bàng quang sẽ hoạt động kém hơn so với trước kia nên nước tiểu trong bàng quang không được tống ra ngoài và việc đóng mở cơ vòng tại bàng quang không kiểm soát được nên gây tiểu không tự chủ ở người cao tuổi, cụ thể là rò rỉ nước tiểu.
Bệnh tiểu không tự chủ ở người già gây phiền toái cho người bệnh và cả người chăm sóc; tạo tự ti, mặc cảm giao tiếp bên ngoài xã hội, nặng hơn là gây bệnh đại tiện không tự chủ, rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh đó, tiểu tiện không tự chủ ở người già có thể gây nên nhiễm trùng đường tiết niệu do nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, gây nhiễm trùng bàng quang, lâu dần gây viêm ngược dòng lên thận làm đài bể thận bị viêm, ứ mủ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy thận, gây nguy hiểm cho người bệnh.
2. Chẩn đoán tiểu không tự chủ ở người già
Việc chẩn đoán tiểu bệnh tiểu không tự ở người già giúp cho việc điều trị chính xác và nhanh chóng hơn. Các phương pháp chẩn đoán bệnh gồm:
- Hỏi bệnh sử người bệnh: Để xác định nguồn gốc, thời gian và mức độ trầm trọng của bệnh. Việc hỏi bệnh sử sẽ cho nhiều thông số quan trọng giúp cho việc chẩn đoán tiểu không tự chủ người già.
- Khám lâm sàng: Bao gồm khám tại vùng bụng; tâm thần; khả năng di chuyển của người bệnh; trực tràng và tuyến tiền liệt (ở nam); phụ khoa, vùng chậu và khám trực tràng bằng hai tay (ở nữ),... để xác định nguyên nhân và phân loại.
- Test một số bài kiểm tra: Ví dụ như test ho, bệnh nhân ở tư thế đứng, bàng quang đầy, sau đó ho một tiếng để xác định tiểu không tự chủ gắng sức.
- Xét nghiệm: Gồm tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, glucose huyết thanh và calci huyết thanh, siêu âm hệ tiết niệu, xét nghiệm tã lót.
- Chụp cộng hưởng từ hệ thần kinh trung ương, chụp X quang hệ tiết niệu để chẩn đoán tổn thần kinh trung ương liên quan đến tiểu không tự chủ người già.
- Đo nước tiểu tồn dư sau tiểu tiện bằng siêu âm đầu dò trên xương mu.
- Soi bàng quang; đo niệu dòng đồ, niệu động học, áp lực đồ bàng quang, áp lực ổ bụng lúc són tiểu, áp lực dọc niệu đạo lúc gắng sức, điện cơ đồ cơ thắt.
3. Điều trị tiểu không tự chủ ở người già
Có nhiều biện pháp điều trị tiểu tiện không tự chủ nhưng cần phải xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là cách điều trị tiểu không tự chủ ở người già, cụ thể:
- Điều trị các bệnh lý nền gây ra bệnh tiểu không tự chủ ở người già: Các bệnh lý nền ảnh hưởng đến tiểu không tự chủ người già như suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rối loạn thần kinh, đột quỵ, rối loạn giấc ngủ,...
- Các thuốc chẹn alpha, các thuốc tác động thần kinh trung ương, các thuốc lợi tiểu mạnh,... gây bệnh tiểu không tự chủ, vì vậy cần điều chỉnh hoặc thay thế các loại thuốc này.
- Thay đổi lối sống phù hợp: Không dùng các đồ uống có caffeine; tập thể dục và các bài tập Kegel để giảm cân nặng, săn chắc cơ vùng tầng sinh môn; uống nước khoảng 1500ml/ngày, hạn chế uống nước buổi tối; bỏ thuốc lá; luyện tập bàng quang và thói quen đi tiểu.
- Can thiệp không xâm lấn: Kích thích điện học bằng điện cực bề mặt tại tầng sinh môn, xương mu, thành âm đạo; sử dụng các xung từ tại vùng tầng sinh môn và xương cùng; kích thích thần kinh chày sau bằng kim xung điện cắm dưới da tại vị trí trên mắt cá chân; kích thích bằng xung từ trường tại vùng tầng sinh môn và xương cùng.
Sử dụng thuốc trị tiểu không tự chủ ở người già:
- Thuốc kháng hệ muscarinic: Oxybutynin (Diptopan) 2,5mg x 3 lần/ngày; chế phẩm phóng thích chậm 5-30mg/1lần/ngày. Tolterodin (Detrol) liều dùng 4mg/ngày. Solifenacin (Vesicare) 5-10mg/1lần/ngày. Trospium Chloride (Sanctura): 20mg x 3 lần/ngày. Darifenacin (Enablex): 7,5-15mg/1lần/ngày.
- Thuốc đồng vận adrenergic: Pseudoephedrin (Sudafed): 30-60mg x 3 lần/ngày. Phenylpropanolamine hydrochlorid.
- Bổ sung estrogens: Kem bôi âm đạo Nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả và theo dõi chảy máu âm đạo 3 - 6 tháng/lần.
- Bổ sung Desmopressin- đồng phân quang học của vasopressin với liều dùng 0,05mg-0,2mg x 1-3 lần/ngày.
- Chẹn alpha- adrenergic: chỉ định cho người bị bệnh tiểu không tự chủ do phì đại tuyến tiền liệt tắc nghẽn đường tiểu.
Phẫu thuật: Được chỉ định khi các bước điều trị bảo tồn và dùng thuốc trị tiểu không tự chủ không hiệu quả. Phẫu thuật có thể bao gồm treo sau xương mu; đặt tấm lưới nâng đỡ niệu đạo; phẫu thuật tạo hình thành trước âm đạo; đặt van nhân tạo; tạo hình mở rộng bàng quang bằng ruột; chuyển lưu nước tiểu khi có tổn thương thận do áp lực cao trong bàng quang gây trào ngược bàng quang và niệu quản.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM