Thông tin về thuốc Tolterodine

Thuốc Tolterodine được chỉ định cho những trường hợp mắc bệnh bàng quang tăng hoạt với những dấu hiệu điển hình như són tiểu, tiểu gấp hoặc tiểu nhiều lần. Trong suốt quá trình dùng Tolterodine, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những quy định về liều lượng, tần suất cũng như thời gian sử dụng thuốc nhằm đảm bảo sớm đạt hiệu quả.

1. Tolterodine là thuốc gì?

Tolterodine thuộc nhóm thuốc điều trị tình trạng bàng quang hoạt động quá mức (hay còn gọi là bệnh bàng quang tăng hoạt) ở người lớn với những triệu chứng điển hình như tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ. Thuốc Tolterodine hoạt động dựa trên cơ chế làm giãn các cơ bàng quang, đồng thời tăng khả năng kiểm soát bàng quang của cơ thể. Nhờ hạn chế được hoạt động của bàng quang, người bệnh sẽ giảm thiểu được các biểu hiện mót tiểu thường xuyên.

Tolterodine là thuốc chống co thắt tiết niệu, chứa hoạt chất chính là Tolterodine, được bào chế dưới dạng viên nén phóng thích tức thời hoặc viên nang phóng thích kéo dài. Đây là thuốc dùng theo đơn của bác sĩ, do đó bệnh nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định cụ thể.

2. Thuốc Tolterodine có tác dụng gì?

2.1. Công dụng của hoạt chất Tolterodine

Tolterodine là chất chống co thắt, có tác dụng thư giãn các cơ trong bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát đi tiểu của cơ thể. Hoạt chất Tolterodine giúp giảm hiện tượng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Ngoài ra, thuốc cũng góp phần giảm đáng kể cảm giác muốn đi tiểu ngay lập tức hoặc đi vệ sinh quá thường xuyên.

2.2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tolterodine

Hiện nay, thuốc Tolterodine được bác sĩ kê đơn nhằm điều trị hiệu quả các triệu chứng sau ở bệnh nhân mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt:

  • Khắc phục chứng tiểu không tự chủ.
  • Trị tình trạng tăng tần suất đi tiểu.
  • Trị tiểu gấp.

Tuy nhiên, không nên sử dụng Tolterodine cho những trường hợp bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc có tiền sử mẫn cảm với hoạt chất Tolterodine hoặc Fesoterodine (Toviaz).
  • Chống chỉ định dùng thuốc Tolterodine cho người bị bí tiểu hoặc khó làm rỗng bàng quang.
  • Không dùng Tolterodine cho bệnh nhân bị tiêu hoá chậm hoặc tắc nghẽn dạ dày.
  • Không dùng Tolterodine cho người bị tăng nhãn áp góc hẹp không kiểm soát được.
  • Chống chỉ định thuốc Tolterodine cho người mắc bệnh nhược cơ, viêm loét đại tràng hoặc phình đại tràng nặng.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Tolterodine đúng cách

Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc Tolterodine, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn trong tờ đơn kèm theo hộp thuốc. Nếu có bất kỳ thắc mắc về cách dùng Tolterodine, bạn nên liên hệ trực tiếp với dược sĩ hay bác sĩ điều trị.

Thuốc Tolterodine có thể uống cùng/ không cùng thức ăn với tần suất 2 lần một ngày dựa trên chỉ định cụ thể của bác sĩ. Tốt nhất, bệnh nhân cần dùng thuốc thường xuyên trong thời gian quy định để sớm đạt hiệu quả tối ưu nhất. Nhằm tránh quên liều thuốc, bạn nên uống Tolterodine vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Liều lượng sử dụng thuốc Tolterodine sẽ được xác định dựa trên triệu chứng bệnh mà bạn mắc phải, nhất là những vấn đề có liên quan đến gan hay thận. Ngoài ra, liều thuốc cũng được chỉ định dựa trên đáp ứng của cơ thể bệnh nhân với Tolterodine và những dược phẩm khác đang sử dụng. Người bệnh cần báo cho bác sĩ tất cả loại thuốc hiện đang dùng, bao gồm cả thảo dược hay vitamin bổ sung để tránh nguy cơ tương tác giữa các thuốc.

Trong suốt quá trình điều trị với Tolterodine, bệnh nhân không được tự ý tăng hay giảm liều thuốc hoặc uống thuốc với tần suất thường xuyên hơn. Điều này không giúp bạn sớm khỏi bệnh, thậm chí dễ phát sinh những tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Nếu sau một khoảng thời gian dùng Tolterodine, các triệu chứng của bệnh bàng quang tăng hoạt không được kiểm soát tốt hoặc trở nên tệ hơn trước, bạn nên trao đổi ngay với bác sĩ để có hướng xử trí.

4. Liều dùng Tolterodine theo khuyến nghị chung

Liều lượng sử dụng Tolterodine thuốc trị các triệu chứng của bệnh bàng quang tăng hoạt sẽ được xác định tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh, cụ thể:

Liều Tolterodine thông thường cho người bị són tiểu:

  • Liều ban đầu: Uống 2mg x 2 lần/ ngày (thuốc viên nén) và 4mg/ lần/ ngày (thuốc viên nang phóng thích kéo dài).
  • Liều duy trì: Uống từ 1 – 2 mg x 2 lần/ ngày (thuốc viên nén) và 2 – 4mg/ lần/ ngày (thuốc viên nang phóng thích kéo dài) tuỳ theo mức độ dung nạp và đáp ứng của người bệnh.

Liều Tolterodine thông thường cho người bị tiểu liên tục:

  • Liều ban đầu: Uống 2mg x 2 lần/ ngày (thuốc viên nén) và 4mg/ lần/ ngày (thuốc viên nang phóng thích kéo dài).
  • Liều duy trì: Uống từ 1 – 2 mg x 2 lần/ ngày (thuốc viên nén) và 2 – 4mg/ lần/ ngày (thuốc viên nang phóng thích kéo dài) tuỳ theo đáp ứng cũng như mức dung nạp của người bệnh.

5. Thuốc Tolterodine gây ra những tác dụng phụ gì?

Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng dị ứng nào dưới đây:

  • Sưng mặt, lưới, môi và cổ họng.
  • Ngứa, phát ban.
  • Khó thở.

Ngoài ra, bạn cũng cần báo cho bác sĩ ngay nếu cơ thể xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi dùng thuốc Tolterodine:

  • Nhịp tim nhanh, đau ngực hoặc nhịp tim không đều.
  • Lú lẫn.
  • Ảo giác.
  • Không tiểu tiện hoặc đi tiểu ít hơn bình thường.
  • Có cảm giác đau buốt khi đi tiểu.

Một số phản ứng ít nghiêm trọng hơn khi dùng Tolterodine, bao gồm:

  • Viêm phế quản.
  • Khô mắt hoặc miệng.
  • Choáng váng.
  • Hoa mắt.
  • Mờ mắt.
  • Đau khớp.
  • Đau đầu.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Khó chịu hoặc đau bụng.
  • Thị lực bất thường.
  • Đầy hơi, nôn mửa.
  • Mệt mỏi.
  • Phù ngoại vi.
  • Tăng cân.

Trên đây chưa phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Tolterodine. Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng lạ thường nào sau khi sử dụng Tolterodine, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức để có cách khắc phục.

6. Xử lý quá liều và quên liều thuốc Tolterodine

Trong trường hợp trót quên một liều thuốc Tolterodine, bệnh nhân cần uống bù liều càng sớm càng tốt. Tránh uống quá gần với liều kế tiếp hoặc dùng gấp đôi số liều quy định bởi bác sĩ.

Ngược lại, nếu uống quá liều Tolterodine và gặp các triệu chứng như khó khăn khi di chuyển hoặc rối loạn mắt, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời bằng cách uống than hoạt và rửa dạ dày.

Dưới đây là biện pháp xử lý cụ thể dành cho từng triệu chứng quá liều mà người bệnh có thể gặp phải:

  • Dùng thuốc chẹn beta để điều trị nhịp tim nhanh.
  • Hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân bị suy hô hấp.
  • Dùng Benzodiazepin chữa co giật hoặc cơ thể bị kích thích rõ rệt.
  • Dùng Physostigmine điều trị tác dụng kháng Cholinergic trung ương nặng.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt Pilocarpine và để bệnh nhân nghỉ ngơi trong phòng tối nếu có triệu chứng giãn đồng tử.
  • Đặt ống thông tiểu cho trường hợp bị bí tiểu.

7. Những lưu ý quan trọng trong quá trình dùng thuốc Tolterodine

Cần thận trọng khi kê đơn thuốc Tolterodine cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây:

  • Rối loạn tắc nghẽn đường tiêu hoá, chẳng hạn như hẹp môn vị.
  • Bệnh gan.
  • Suy thận.
  • Tắc nghẽn đáng kể đường ra bàng quang có nguy cơ dẫn đến bí tiểu.
  • Thoát vị đĩa đệm.
  • Bệnh thần kinh tự chủ.
  • Có nguy cơ cao giảm nhu động ở đường tiêu hoá.

Ngoài ra, cũng cần thật sự cẩn trọng khi quyết định dùng Tolterodine cho những người có các yếu tố nguy cơ kéo dài khoảng QT, cụ thể:

  • Người đã được chẩn đoán hoặc mắc kéo dài QT bẩm sinh.
  • Nhịp tim chậm.
  • Rối loạn điện giải, chẳng hạn như hạ natri máu, hạ kali máu hoặc canxi máu.
  • Mắc các bệnh tim như suy tim sung huyết, thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Người đang dùng các thuốc kéo dài QT, chẳng hạn như thuốc chống loạn nhịp nhóm III và IA.

Đối với phụ nữ có thai và bà mẹ đang nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng Tolterodine. Chỉ dùng Tolterodine cho những đối tượng đặc biệt trên khi mặt lợi ích cao hơn nhiều so với rủi ro. Mặt khác, thuốc Tolterodine cũng có khả năng làm ảnh hưởng đến thời gian phản ứng và dùng máy móc của người bệnh, do đó những người có công việc cần sự tập trung cao độ nên thận trọng khi dùng thuốc này.

8. Thuốc Tolterodine tương tác với các loại thuốc nào khác?

Việc sử dụng cùng lúc Tolterodine với những thuốc khác có thể làm thay đổi tác dụng thuốc hoặc tăng nguy cơ gặp các phản ứng bất lợi. Nhằm tránh xảy ra tương tác thuốc, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh tự ý ngưng đột ngột hoặc thay đổi liều Tolterodine khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Dưới đây là một số loại thuốc tiêu biểu có thể xảy ra tương tác khi dùng chung với Tolterodine:

  • Kali.
  • Amifampridine.
  • Acrivastine.
  • Piperaquine.
  • Bupropion.
  • Clarithromycin.
  • Delamanid.
  • Buserelin.
  • Aripiprazole.
  • Anagrelide.
  • Ivabradine.
  • Goserelin.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Tolterodine, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn.

Nguồn tham khảo: webmd.com, drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe