Tiêu chuẩn xuất viện với bệnh nhân sốt xuất huyết

Tiêu chuẩn xuất viện với bệnh nhân sốt xuất huyết bao gồm hết sốt 2 ngày và tỉnh táo. Ngoài ra, mạch và huyết áp của người bệnh bình thường, không còn khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng bụng hay màng phổi. Tiêu chí cuối cùng là số lượng tiểu cầu lớn hơn 50.000/mm3.

1. Tổng quan về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Virus này truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu qua trung gian muỗi Aedes aegypti đốt. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường tăng vào mùa mưa và có thể gây dịch. Đặc trưng của bệnh là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có nguy cơ dẫn đến sốc, giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông huyết. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, sốt Dengue có thể đe dọa tính mạng.


Sốt xuất huyết là bệnh rất dễ gặp phải do khả năng truyền nhiễm cao
Sốt xuất huyết là bệnh rất dễ gặp phải do khả năng truyền nhiễm cao

2. Chẩn đoán sốt xuất huyết

2.1. Lâm sàng

  • Bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 ngày đến 1 tuần.
  • Biểu hiện chấm xuất huyết ở dưới da khi thắt dây hoặc xuất huyết niêm mạc. Xuất huyết nội tạng là biểu hiện nặng.
  • Sốc, suy tuần hoàn cấp, vật vã, bứt rứt li bì, lạnh chi, mạch nhanh yếu, hạ huyết áp, tiểu ít.
  • Gan to.

2.2. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm cận lâm sàng thấy cô đặc máu do thoát huyết tương.
  • Số lượng tiểu cầu giảm ≤ 100.000 tế bào/mm3.

Xét nghiệm tiểu cầu giúp đánh giá tình trạng sốt xuất huyết
Xét nghiệm tiểu cầu giúp đánh giá tình trạng sốt xuất huyết

3. Phân độ sốt xuất huyết Dengue

Người bị sốt xuất huyết nặng nhẹ chia làm 4 độ:

  • Độ 1: Sốt đột ngột, dai dẳng 2 - 7 ngày và dây thắt dương tính.
  • Độ 2: Như độ 1, kèm theo xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.
  • Độ 3: Dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, da lạnh ẩm, bứt rứt hoặc li bì vật vã.
  • Độ 4: Sốc nặng, khó bắt mạch, không đo được huyết áp (HA = 0).

Việc phân loại độ lâm sàng nhằm giúp bác sĩ xử trí thích hợp, đặc biệt là khi có suy tuần hoàn. Trong diễn biến của bệnh, bệnh nhân có thể chuyển từ độ nhẹ sang bị sốt xuất huyết nặng.

4. Điều trị sốt xuất huyết

4.1. Sốt xuất huyết độ 1 và 2

Chủ yếu điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại cơ sở y tế để phát hiện sớm sốc và xử trí kịp thời.

  • Điều trị triệu chứng: Hạ sốt bằng thuốc và nới lỏng quần áo, lau mát người bằng nước ấm.
  • Bù dịch sớm bằng cách uống nhiều nước oresol, nước sôi để nguội, nước dừa, chanh,... hoặc nước cháo loãng.
  • Truyền dịch Ringer lactat và NaCl 0,9%: Khi người bệnh không uống được, nôn nhiều, mất nước, lừ đừ,... Lưu ý, bệnh nhân lớn hơn 15 tuổi có thể ngưng truyền dịch khi hết nôn và ăn uống được.

4.2. Sốt xuất huyết độ 3

  • Cần chuẩn bị dịch truyền Ringer lactat, dung dịch mặn đẳng trương (NaCl 0,9%), dung dịch cao phân tử.
  • Thay thế nhanh chóng lượng huyết tương mất đi.
  • Đánh giá lại tình trạng bệnh nhân sau mỗi giờ.

Lưu ý, khi thay đổi tốc độ truyền phải cẩn thận dựa vào nhiều yếu tố.

4.3. Sốt xuất huyết độ 4

Trường hợp bị sốt xuất huyết nặng, nhập viện trong tình trạng sốc nặng thì phải xử trí khẩn cấp.

  • Để bệnh nhân nằm đầu thấp.
  • Thở O2.
  • Truyền dịch, sau đó đánh giá lại người bệnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được truyền dịch
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được truyền dịch

5. Những lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết

  • Khi điều trị sốc, cần phải chú ý điều chỉnh rối loạn điện giải và thăng bằng kiềm toan.
  • Cẩn thận khi truyền máu và các chế phẩm máu.
  • Tất cả các bệnh nhân bị sốc cần thở oxy.
  • Sử dụng các thuốc vận mạch Dopamin đúng trường hợp.
  • Chăm sóc và theo dõi bệnh nhân sốc theo đúng phác đồ.

6. Tiêu chuẩn xuất viện với bệnh nhân sốt xuất huyết

Để được xuất viện, người bệnh cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

  • Không sốt trong 2 ngày, tinh thần tỉnh táo.
  • Chỉ số mạch và huyết áp nằm trong mức bình thường.
  • Không còn khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng bụng hoặc màng phổi.
  • Số lượng tiểu cầu có khuynh hướng hồi phục, lớn hơn 50.000/mm3.

Người bệnh có thể xuất viện khi các chỉ số cơ thể ở mức bình thường trở lại
Người bệnh có thể xuất viện khi các chỉ số cơ thể ở mức bình thường trở lại

6. Sốt xuất huyết kéo dài bao lâu?

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi, nên “Sốt xuất huyết mấy ngày hết?” được rất nhiều độc giả quan tâm, theo các bác sĩ cho biết hết sốt không có nghĩa là hết bệnh, mà chỉ qua giai đoạn nguy hiểm kéo dài 3 - 4 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 4 - 7 kể từ khi sốt. Sau 1 - 2 ngày bệnh nhân sẽ đến giai đoạn hồi phục kéo dài 2 - 3 ngày, qua hết thì mới khỏi hoàn toàn.

Một số dấu hiệu cho biết người bệnh đang hồi phục, sắp khỏi bệnh hẳn là:

  • Không còn bị mất nước, muốn tiểu và đi tiểu nhiều sau điều trị 5 - 7 ngày.
  • Cảm thấy đỡ mệt, thèm ăn và ăn ngon miệng.
  • Không xuất hiện thêm nốt phát ban, sau 2 - 3 ngày mờ dần, giảm ngứa.

Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng làm trung gian lây truyền. Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng / bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành, cũng như vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, loại bỏ nước đọng. Theo đó, nếu thấy cơ thể có các triệu chứng giống như sốt xuất huyết thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị, phòng ngừa biến chứng sốt xuất huyết thể nặng gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe