Sốt xuất huyết Dengue thể não là sốt xuất huyết thể nặng, với các biểu hiện rối loạn tri giác và co giật. Điều trị sốt xuất huyết thể não đòi hỏi sự khẩn trương và thận trọng, trong đó bao gồm chống co giật và chống phù não cho bệnh nhân.
1. Sốt xuất huyết Dengue thể não nguy hiểm thế nào?
Nhìn chung, sốt xuất huyết là một căn bệnh khá nguy hiểm vì:
- Xảy ra quanh năm, có thể bộc phát thành dịch, đe dọa sinh mạng và sức khỏe cộng đồng.
- Diễn tiến có thể bất ngờ thành sốt xuất huyết thể nặng, nguy cơ tử vong cao.
- Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng ngừa.
Nguyên nhân của tử vong của các trường hợp mắc sốt xuất huyết là do sốc và xuất huyết nặng, đặc biệt là xuất huyết não và xuất huyết tiêu hóa. Một trong những biểu hiện của sốt xuất huyết thể nặng là rối loạn tri giác, hay còn gọi là sốt xuất huyết thể não.
Sốt xuất huyết dengue thể não rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, tuy nhiên dễ gây tử vong. Ban đầu, người bệnh sốt và nhức đầu như bình thường, ngay sau đó tay dần tê liệt và không thể cử động. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ bị hôn mê rồi tử vong. Các bác sĩ nhận định bác những trường hợp này không thể cứu chữa kịp vì tiến triển bệnh quá nhanh.
2. Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue thể não
2.1. Chẩn đoán
Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue cần được chẩn đoán sớm và chữa trị kịp thời. Những biểu hiện giúp chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Rối loạn tri giác
- Co giật
- Có các dấu hiệu thần kinh lưu trú
2.2. Điều trị
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu. Mặt khác, thuốc kháng virus cũng không được chỉ định đối với căn bệnh này. Như vậy, việc điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm các triệu chứng và dấu hiệu liên quan, bao gồm:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế cao đầu khoảng 30 độ;
- Hỗ trợ hô hấp: Áp dụng liệu pháp thở máy, nếu thất bại dùng CPAP áp lực thấp;
- Bảo đảm tuần hoàn cho bệnh nhân: Nếu nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu sốc thì điều trị theo phác đồ chống sốc dựa vào CVP;
- Điều trị chống co giật (nếu có): Bác sĩ chỉ định dùng diazepam 0,2 mg/kg/liều TMC, có thể bơm qua hậu môn với liều 0,5 mg/kg khi không tiêm đường tĩnh mạch được. Nếu không hiệu quả, lặp lại liều thứ 2 sau mỗi 10 phút, tối đa 3 liều. Trường hợp thất bại với diazepam, tiến hành bổ sung phenobarbital 10-20 mg/kg TTM trong 15 - 30 phút;
- Điều trị hạ đường huyết (nếu có) với dextrose 30%, áp dụng liều 1-2ml/kg (đối với trẻ nhỏ <1 tuổi, dùng dextrose 10% liều 2 ml/kg);
- Điều hòa thăng bằng kiềm toan và điện giải là bước điều trị cần thiết cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue thể não;
- Chống phù não: Được chỉ định khi trên lâm sàng bệnh nhân có triệu chứng tăng áp lực nội sọ. Tiến hành truyền mannitol 20% 0,5g/kg/lần hoặc/và dung dịch natri clorua 3% 4ml/kg/lần TTM trong 30 phút, lặp lại mỗi 8 giờ;
- Đặt nội khí quản để duy trì sự thông thoáng của đường thở: Tăng thông khí giữ PaCO2 ở mức 30 - 35 mmHg;
- Hạ sốt (nếu có) bằng paracetamol đặt hậu môn liều 10-15mg/kg/lần, ngày 4 lần.
- Hỗ trợ gan nếu có tổn thương cục bộ;
- Bảo đảm công tác chăm sóc và dinh dưỡng cho bệnh nhân;
- Phục hồi chức năng, giúp người bệnh mau chóng lấy lại sức khỏe bình thường.
Sốt xuất huyết Dengue thể não là căn bệnh nguy hiểm có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là trong vùng có dịch. Khi nhận thấy có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ sốt xuất huyết thể não, bệnh nhân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.