Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Khi đánh giá sức khỏe của một cá thể, nhóm nhỏ người cho đến phạm vi rộng hơn là một cộng đồng, tiền sử bệnh tật là yếu tố rất quan trọng, không thể bỏ qua, và trong nhiều trường hợp nó là yếu tố quyết định chẩn đoán. Cần thiết phải hỏi kỹ, tỉ mỉ về tiền sử bệnh tật để tránh bỏ sót.
1. Tiền sử bệnh tật là gì?
1.1 Tiền sử và bệnh sử
Tiền sử và bệnh sử đầy đủ bao gồm cả lịch sử sức khỏe của cá nhân lẫn các thành viên có quan hệ gần gũi trong gia đình.
- Tiền sử bệnh cá nhân: Bao gồm thông tin chi tiết về tất cả những vấn đề sức khỏe mà người bệnh trãi qua trong lịch sử cuộc sống của họ. Cần thiết khai thác chi tiết về các bất thường về sức khỏe. Nếu có, thời gian phát hiện bệnh, nếu là bệnh mạn tính, việc chi tiết về điều trị: Thuốc, sự tuân thủ điều trị và các hỗ trợ qua chế độ ăn, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân là rất quan trọng.
- Tiền sử sức khỏe gia đình: Là những thông tin về bệnh tật của người thân trong gia đình của người bệnh gặp phải. Người thân bao gồm cận huyết và các nhánh xa trong huyết thống. Càng cận huyết thì càng có ý nghĩa. Gần nhất là bố mẹ, anh chị em ruột.
Thông tin tiền sử và bệnh sử cung cấp cho bác sĩ tất cả các manh mối quan trọng để chẩn đoán tình trạng sức khỏe của bạn, bởi vì nhiều căn bệnh có tính di truyền giữa các thành viên trong các gia đình. Lịch sử y tế gia đình cũng giúp bác sĩ dự đoán những vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp trong tương lai.
Một số căn bệnh cần biết trong tiền sử bệnh tật và sức khỏe gia đình phổ biến là: Các bệnh có tính chất di truyền như các bệnh về máu: Thalasemi.
Các bệnh có yếu tố nguy cơ mang tính chất gia đình: Đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tăng huyết áp, ung thư
1.2 Tiền sử bệnh tật của gia đình bao gồm những ai?
Nếu có thể, mọi người trưởng thành nên biết lịch sử sức khỏe của gia đình mình. Hầu hết chúng ta không nắm rõ thông tin quan trọng về những tình trạng y tế có thể ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình. Ngay cả khi đã biết, bạn cũng cần kiểm tra lại những thông tin này. Tìm hiểu nhiều hơn về tiền sử bệnh tật của càng nhiều người thân càng tốt, đừng quên cả anh chị em cùng cha/mẹ khác mẹ/cha.
Đối với những bệnh di truyền, bạn không cần tìm hiểu tiền sử và bệnh sử của những người thân quen nhưng không phải là “ruột thịt”, chẳng hạn như:
- Vợ hoặc chồng của bạn;
- Con nuôi hoặc cha mẹ / anh chị em nuôi;
- Con riêng của vợ hoặc chồng;
- Anh chị em là con ruột của cha dượng hoặc mẹ kế;
- Anh chị em dâu / rể.
Đối với những bệnh mang tính lây truyền, khai thác tiền sử những người sống chung rất quan trọng. Ví dụ bệnh lây truyền qua đường tình dục, thì nguy cơ cao là ở vợ hoặc chồng người bênh. Bệnh lao, thì người sống chung có nguy cơ cao không quan trọng là cùng huyết thống hay không.
2. Cách thu thập tiền sử bệnh tật của gia đình
2.1 Đối với người lớn
Hãy kê khai đầy đủ thông tin như được hướng dẫn. Bạn cũng có thể thêm vào bất cứ thông tin nào mình nhớ dù không được yêu cầu trong mẫu đơn. Để tránh quên hoặc bỏ sót thông tin, bạn nên chủ động ghi lại những căn bệnh hoặc tình trạng y tế ngay tại thời điểm mắc phải và lưu lại. Sau đó, chia sẻ thông tin này với anh chị em và con cháu của bạn trong những dịp thích hợp. Nhờ đó mỗi thế hệ sau sẽ có đầy đủ thông tin về tiền sử và bệnh sử của gia đình.
2.2 Đối với người trẻ
Để bắt đầu, hãy gọi điện hoặc hỏi trực tiếp người thân về lịch sử sức khỏe của gia đình. Nên nói rõ mục đích thu thập chi tiết tiền sử bệnh là để giúp bạn và các thành viên khác trong nhà được khỏe mạnh. Bạn cũng có thể chủ động chia sẻ những thông tin liên quan mà mình đã tìm hiểu, từ đó giúp mọi người đều biết được tầm quan trọng của tiền sử và bệnh sử.
Khi hỏi về các tình trạng bệnh mạn tính (đang diễn ra), nên có được thông tin người thân bắt đầu mắc bệnh đó vào năm bao nhiêu tuổi. Đừng quên hỏi về tiền sử và bệnh sử của những người thân ruột thịt đã qua đời. Nếu có giấy chứng tử hoặc hồ sơ bệnh án, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân cái chết và xem họ hưởng thọ bao nhiêu tuổi.
2.3 Đối với người được nhận nuôi
Nếu là con nuôi trong gia đình, bạn có thể không biết gì về lịch sử sức khỏe cha mẹ ruột của mình. Đây là một trường hợp đặc biệt, khi bạn không nắm được nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư hoặc các bệnh khác có tính di truyền mà mình có thể mắc trong tương lai.
Các quy tắc có thể khác nhau ở mỗi nơi, nhưng hầu hết những người được nhận nuôi đều biết được thông tin chi tiết về cha mẹ ruột của mình sau khi trưởng thành. Nếu thật sự cần thiết, bạn có thể tìm thông tin này ở nơi trước đây bố mẹ nuôi đã nhận mình.
4. Tầm quan trọng của tiền sử bệnh tật là gì?
Khi đã có được lịch sử y tế đầy đủ của bản thân và gia đình, bạn có thể đưa ra những quyết định rất quan trọng cho chính cuộc đời mình. Ví dụ, nếu biết được rằng gia đình có tiền sử mắc bệnh tim, bạn có thể bắt đầu thay đổi lối sống để giảm nguy cơ của bản thân, chẳng hạn như bỏ bỏ thuốc lá, giảm cân hoặc tập thể dục nhiều hơn. Hoặc với một số bệnh lây truyền như lao, những người sống chung xẽ chủ động đến cơ sở y tế để kiểm tra, bệnh lây truyền qua đường tình dục thì vợ hoặc chồng của người bệnh sẽ đi khám khi người kia mắc bệnh.
Bác sĩ cũng sử dụng thông tin tiền sử bệnh trong các xét nghiệm sàng lọc, chẳng hạn như ung thư, để chẩn đoán sớm và điều trị bệnh đúng cách. Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh tật có vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, nếu phát hiện và điều trị sớm ung thư ngay từ giai đoạn sớm, chưa di căn thì tiên lương sẽ tốt hơn, tỷ lệ sống sẽ tăng lên rõ rệt. Còn với đái tháo đường đường, phát hiện sớm có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm ở thận, mắt, mạch máu và bàn chân - một biến chứng gây tàn phế và thậm chí là dẫn đến tử vong.
Lịch sử y tế thật sự giúp bác sĩ và cả chính bạn kiểm soát tốt hơn sức khỏe của mình. Hiện nay, đa phần các bệnh viện hiện đại trên thế giới đều có dịch vụ kiểm tra sức khỏe định kỳ để được đánh giá nguy cơ từ tiền sử bệnh tật và theo dõi tình trạng sức khỏe cho mọi lứa tuổi.
Ngoài xem xét tiền sử và bệnh sử, những khám nghiệm lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng tiến hành khi khám sức khỏe định kỳ còn giúp:
- Chẩn đoán sớm những bệnh nan y, từ đó có chiến lược điều trị kịp thời. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Cơ bản nhất là các xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, thận, đường huyết, mỡ máu, acid uric. Viêm gan virus B, Virus C. Xét nghiệm cho phép phát hiện các bệnh liên quan thông qua các chỉ số xét nghiệm. Từ đó đưa ra được hướng điều trị cụ thể và tư vấn chính xác tình trạng mà bệnh nhân đang gặp phải.
- Chẩn đoán hình ảnh:
+ Chụp XQ phổi nhằm phát hiện sớm ung thư phổi ở nam giới trên 40 tuổi hoặc lao phổi ở người có thói quen hút thuốc lá, tiếp xúc với người bị bệnh
+ Siêu âm ổ bụng: Khảo sát và phát hiện sớm các bất thường trong ổ bụng liên quan đến các bất thường về hình ảnh của các tạng gan, thận, lách, bàng quang.
+ Siêu âm tuyến vú định để phát hiện bệnh sớm ung thư vú ở những phụ nữ độc thân trên 40 tuổi, tăng khả năng chữa lành.
+ Siêu âm tuyến giáp:
+ Nội soi cổ tử cung để tầm soát ung thư phụ khoa ở phụ nữ trên 40 tuổi, sinh đẻ nhiều, có tiền căn viêm nhiễm.
- Từ đó đặt ra chế độ điều trị, theo dõi, những chỉ định cận lâm sàng phải làm thêm để rõ ràng chẩn đoán trên nền cơ bản của khám sức khỏe tổng quát.
Hướng dẫn bệnh nhân đến các tuyến chuyên khoa nếu cần thiết. Ví dụ: Siêu âm bụng tổng quát cho hình ảnh nghi ngờ ung thư gan, thì cần làn tiếp là chụp CT sacner ổ bụng có tiêm thuốc cản quang, xét nghiệm AFP, hướng dẫn bệnh nhân đến bệnh viện ung bướu nếu cần. Hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống và chế độ ăn thích hợp cho từng loại bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com