Trulicity là thuốc trị đái tháo đường sử dụng cho bệnh nhân trưởng thành mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không được kiểm soát tốt. Thuốc Trulicity được sử dụng đồng thời với các bài tập thể dục và chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát bệnh đái tháo đường. Vậy Trulicity là thuốc gì?
1. Thuốc Trulicity là thuốc gì?
Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã thông qua thuốc Trulicity - hoạt chất là Dulaglutide dùng theo đường tiêm dưới da 1 lần/tuần để cải thiện và kiểm soát đường huyết song song với chế độ ăn uống và tập thể dục ở bệnh nhân trưởng thành bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Dulaglutide là một glucagon-like peptide-1 (GLP-1) chủ vận thụ thể, đây là một hormone đóng vai trò bình thường hóa lượng đường trong máu. Dulaglutide hoạt động giống như GLP-1 (hormone được sản xuất trong ruột) thông qua việc tăng lượng insulin mà tuyến tụy tiết ra để đáp ứng với thức ăn. Điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu và các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Thuốc Trulicity được bào chế dưới dạng bút với nồng độ 0,75 mg hoặc 1,5 mg Dulaglutide chứa trong dung dịch được tiêm dưới da.
2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Trulicity
Trulicity là thuốc dùng theo toa, tiêm mỗi tuần một lần để cải thiện lượng đường trong máu (glucose) ở người lớn mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Thuốc Trulicity cũng được sử dụng ở người lớn mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 để giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch lớn (các vấn đề liên quan đến tim và mạch máu) như tử vong, đau tim hoặc đột quỵ ở những người mắc bệnh tim hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.
Người ta không biết liệu thuốc Trulicity có thể được sử dụng cho những người bị viêm tụy hay không. Tuy nhiên thuốc Trulicity không được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Thuốc Trulicity không được khuyến cáo sử dụng cho những người có vấn đề nghiêm trọng về dạ dày hoặc đường ruột. Không nên sử dụng thuốc Trulicity cho trẻ em dưới 18 tuổi.
3. Độ an toàn và hiệu quả của thuốc Trulicity trong các nghiên cứu khoa học
Hiệu quả của thuốc Trulicity đã được nghiên cứu trong 5 nghiên cứu lớn liên quan đến hơn 4.500 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trong các nghiên cứu này, Trulicity được so sánh với giả dược (phương pháp điều trị giả) hoặc với các loại thuốc trị tiểu đường khác khi được sử dụng đơn trị hoặc sử dụng như một chất bổ sung cho các phương pháp điều trị kết hợp khác.
Thước đo hiệu quả chính của thuốc Trulicity là sự thay đổi về mức độ glycosyl hóa huyết sắc tố (HbA1c), đây là tỷ lệ phần trăm huyết sắc tố trong máu có gắn glucose. HbA1c cho biết mức độ kiểm soát đường huyết tốt như thế nào. HbA1c của bệnh nhân tham gia nghiên cứu lúc ban đầu dao động từ 7,6 - 8,5% và bệnh nhân sẽ được điều trị trong ít nhất 52 tuần.
Kết quả cho thấy thuốc Trulicity hiệu quả hơn Metformin trong việc giảm nồng độ HbA1c khi sử dụng đơn trị và hiệu quả hơn thuốc trị tiểu đường Exenatide (dùng 2 lần mỗi ngày) hoặc Sitagliptin và ít nhất cũng tốt tương tự như Insulin glargine khi được sử dụng bổ sung cho các phương pháp điều trị khác .
Sau 26 tuần điều trị, thuốc Trulicity đã giảm HbA1c từ 0,71 - 1,59 điểm phần trăm ở liều thấp và từ 0,78 - 1,64 điểm phần trăm ở liều cao. Điều này được xem là có ý nghĩa lâm sàng và có bằng chứng cho thấy, nồng độ HbA1c vẫn ở mức thấp trong quá trình điều trị lâu dài. Khoảng 51% những người dùng liều thấp thuốc Trulicity và 60% bệnh nhân dùng Trulicity liều cao đã đạt được HbA1c mục tiêu dưới 7,0% và tỷ lệ này nhìn chung cao hơn tỷ lệ đạt được mục tiêu bằng các phương pháp điều trị thay thế khác.
Một nghiên cứu sâu hơn ở 9.901 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cho thấy thuốc Trulicity có hiệu quả trong việc giảm các tác hại chính đối với tim và hệ tuần hoàn. Đột quỵ, đau tim hoặc tử vong do các vấn đề về tim mạch xảy ra ở 12,0% bệnh nhân dùng thuốc Trulicity trong khoảng 5 năm so với 13,4% bệnh nhân dùng giả dược.
4. Tác dụng phụ phổ biến của thuốc Trulicity là gì?
Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc Trulicity (có thể ảnh hưởng với tỉ lệ 1/10 người dùng thuốc) là: buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
- Thuốc Trulicity có thể gây ra buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, đau dạ dày, chán ăn, mệt mỏi hoặc suy nhược. Nếu bất kỳ tác dụng nào trong số này của thuốc Trulicity kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, bao gồm: nhịp tim chậm/không đều, các dấu hiệu của các vấn đề về thận (chẳng hạn như thay đổi lượng nước tiểu), thay đổi thị lực.
- Nôn mửa/tiêu chảy không ngừng có thể dẫn đến mất nước và các vấn đề về thận. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng mất nước nào như: đi tiểu bất thường, khô miệng/khát nước bất thường, nhịp tim nhanh hoặc chóng mặt/choáng váng.
- Nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, bao gồm: dấu hiệu của bệnh tuyến tụy hoặc túi mật (như buồn nôn/nôn không ngừng, đau dạ dày /bụng dữ dội).
- Mặc dù bản thân Dulaglutide thường không gây ra lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), nhưng lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra nếu thuốc này được kê đơn cùng với các loại thuốc trị tiểu đường khác. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về việc có cần giảm liều của (các) loại thuốc trị tiểu đường khác hay không.
- Rất hiếm xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Trulicity. Tuy nhiên, phải nhờ trợ giúp y tế ngay nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng gồm: phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là ở mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt, khó thở .
5. Hướng dẫn sử dụng thuốc Trulicity
Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra sản phẩm thuốc Trulicity bằng mắt thường để tìm các hạt hoặc sự đổi màu. Nếu có một trong hai, không sử dụng thuốc Trulicity.
Trước khi tiêm mỗi liều thuốc Trulicity, hãy làm sạch chỗ tiêm bằng cồn tẩy rửa. Thay đổi vị trí tiêm mỗi lần để giảm tổn thương dưới da .
Tiêm thuốc Trulicity dưới da ở đùi, bụng hoặc cánh tay trên theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 7 ngày một lần. Không tiêm thuốc Trulicity vào tĩnh mạch hoặc cơ bắp. Thuốc Trulicity có thể được sử dụng có hoặc không có bữa ăn.
Nếu bệnh nhân cũng đang sử dụng insulin, hãy tiêm Dulaglutide và insulin dưới các mũi tiêm riêng biệt. Không trộn chung lại với nhau. Bạn có thể tiêm các loại thuốc này vào cùng một vùng trên cơ thể, nhưng các vị trí tiêm không được nằm cạnh nhau.
Không dùng chung bút chứa thuốc Trulicity của bạn với người khác, ngay cả khi kim đã được thay đổi. Cẩn thận làm theo kế hoạch điều trị bằng thuốc Trulicity, kèm theo kế hoạch kiểm soát bữa ăn và chương trình tập thể dục mà bác sĩ đã đề nghị.
6. Tương tác của thuốc thuốc Trulicity
Thuốc chẹn beta (như metoprolol, propranolol, thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp như timolol) có thể ngăn nhịp tim khiến đập nhanh/đập thình thịch mà bạn thường cảm thấy khi lượng đường trong máu xuống quá thấp (hạ đường huyết). Các triệu chứng khác của lượng đường trong máu thấp như chóng mặt, đói hoặc đổ mồ hôi không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc này.
Nhiều loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn, khiến bạn khó kiểm soát hơn. Trước khi bạn bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về cách thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ.
Một số tình trạng bệnh lý có thể tương tác với thuốc Trulicity là:
- Tiền sử viêm tụy;
- Bệnh dạ dày hoặc ruột;
- Trào ngược dạ dày thực quản hoặc tiêu hóa chậm;
- Bệnh gan hoặc thận;
- Đang sử dụng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường;
- Đang bị ốm kèm theo ói mửa hoặc tiêu chảy.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về thuốc Trulicity điều trị đái tháo đường type 2. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.