Ivermectin là loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do một số ký sinh trùng gây ra. Cần lưu ý rằng thuốc Ivermectin không có tác dụng tiêu diệt giun trưởng thành.
1. Thuốc Ivermectin có tác dụng gì?
Thuốc Ivermectin được chỉ định để điều trị:
- Bệnh sán lá gan lớn và bệnh giun lươn đường ruột;
- Bệnh ghẻ đóng vảy trong da kết hợp với điều trị tại chỗ;
- Bệnh ghẻ ở người khi điều trị tại chỗ trước đó không thành công hoặc có chống chỉ định.
Trong đó, việc điều trị với thuốc Ivermectin chỉ được thực hiện khi chứng minh bệnh ghẻ trên lâm sàng và/ hoặc bằng kiểm tra ký sinh trùng. Nếu không có chẩn đoán chính thức, điều trị với thuốc Ivermectin sẽ không hợp lý trong trường hợp bệnh nhân chỉ có triệu chứng ngứa đơn thuần.
2. Những điều cần lưu ý khi dùng khi dùng thuốc Ivermectin
- Không dùng Ivermectin nếu người bệnh từng bị dị ứng với ivermectin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
- Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Ivermectin, hãy nói với bác sĩ về tất cả tiền sử bệnh, nhất là: Có hệ thống miễn dịch kém (rối loạn miễn dịch), sinh sống hoặc ghé qua các khu vực của Châu Phi (nơi có các trường hợp nhiễm ký sinh trùng ở người với loài giun chỉ Loa loa còn gọi là sâu mắt).
- Sử dụng thuốc Ivermectin quá liều hoặc không đúng chỉ định có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
- Cần lưu ý là thuốc Ivermectin không được sử dụng để ngăn chặn sự xâm nhập của các ký sinh trùng nhiệt đới và cũng không có hiệu quả đối với giun ký sinh trưởng thành. Thuốc Ivermectin chỉ có thể được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ khi có bằng chứng về nhiễm ký sinh trùng.
3. Cách dùng thuốc Ivermectin như thế nào?
Thuốc Ivermectin được trình bày sẵn dưới dạng viên nén màu trắng, tròn, đóng trong gói vỉ nhôm. Người bệnh cần dùng thuốc chính xác như bác sĩ hoặc dược sĩ đã chỉ định, nên hỏi lại nếu chưa chắc chắn.
Thuốc Ivermectin được dùng qua đường uống. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, nên nghiền nhỏ viên thuốc trước khi nuốt. Nên uống Ivermectin với ly nước đầy khi bụng đói và không ăn bất kỳ thứ gì trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc. Lý do là bởi thức ăn có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc trong cơ thể.
Liều lượng dùng thuốc Ivermectin là tùy vào từng trường hợp:
- Điều trị bệnh giun lươn đường tiêu hóa: Liều lượng khuyến cáo là 200 μg ivermectin cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, dùng đường uống với 1 liều duy nhất.
- Điều trị bệnh giun chỉ bạch huyết do Wuchereria bancrofti: Liều lượng khuyến nghị cho các chiến dịch điều trị bệnh giun chỉ hàng loạt trong cộng đồng là khoảng 150 đến 200 μg ivermectin trên mỗi kg trọng lượng cơ thể, được dùng dưới dạng đơn liều, uống mỗi 6 tháng/ lần.
- Điều trị bệnh ghẻ da ở người: Dùng liều 200 microgam cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Trong một số trường hợp, hiệu quả của việc điều trị khó xác định đã thành công trong 4 tuần hay chưa. Lúc này, bác sĩ có thể quyết định thêm liều thứ 2 trong vòng 8 đến 15 ngày. Đồng thời, người bệnh cũng cần quan sát những tiến triển của việc điều trị bệnh ghẻ. Song song đó, mọi người tiếp xúc với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình cũng nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ quyết định xem những người này có nên được điều trị đồng thời hay không. Nếu những người tiếp xúc bị nhiễm bệnh không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tái nhiễm bệnh cho người bệnh sau khi đã khỏi bệnh.
4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Ivermectin
Giống như tất cả các loại thuốc khác, Ivermectin có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định cho người dùng. Phản ứng phụ thường không nghiêm trọng và không kéo dài nhưng có thể nặng hơn ở những người bị nhiễm một số ký sinh trùng.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra với thuốc Ivermectin như sau:
- Sốt đột ngột;
- Phản ứng da đột ngột (chẳng hạn như phát ban, ngứa) hoặc các phản ứng da nghiêm trọng khác;
- Khó thở;
- Viêm gan cấp tính;
- Làm thay đổi một số xét nghiệm (tăng men gan, tăng bilirubin trong máu, tăng bạch cầu ái toan), tiểu ra máu, chán ăn, đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy.
Tóm lại, Ivermectin là thuốc kê đơn, thuộc nhóm điều trị ký sinh trùng, bao gồm nhiễm giun lươn, giun chỉ và ghẻ da. Vì những nguy cơ có thể mắc phải từ việc dùng thuốc nên người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong thời gian điều trị. Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả tiêu diệt ký sinh trùng, người bệnh cũng cần thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ khác như giữ vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi và xây dựng thói quen sổ giun định kỳ cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: tga.gov.au, accessdata.fda.gov, webmd.com