Thuốc Duetact là sản phẩm kết hợp dùng để điều trị tiểu đường, được phân phối dưới dạng một viên nén, hình tròn, màu trắng. Loại 30 mg-2 mg được in chìm với ký hiệu "30/2" và "4833G" ở 2 mặt. Loại 30 mg-4 mg được in chìm với ký hiệu "30/4" và "4833G" ở 2 mặt.
1. Duetact là thuốc gì? Duetact có tác dụng gì?
Nhiều người hiện nay không biết “Duetact là thuốc gì?” hay “Duetact có tác dụng gì?”, trên thực tế, Duetact là sự kết hợp của 2 loại thuốc pioglitazone và glimepiride, cụ thể:
- Pioglitazone thuộc nhóm thuốc thiazolidinediones hoặc "glitazones", hoạt động bằng cách giúp khôi phục phản ứng đúng của cơ thể với insulin, nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu.
- Glimepiride thuộc nhóm thuốc sulfonylureas, hoạt động bằng cách giải phóng insulin tự nhiên của cơ thể.
Hiện nay, thuốc kê đơn Duetact được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cao ở bệnh nhân tiểu đường loại 2, nhưng đòi hỏi phải kết hợp cùng với một chế độ ăn uống và lịch trình tập thể dục thích hợp. Kiểm soát lượng đường trong máu cao sẽ giúp ngăn ngừa:
- Tổn thương thận;
- Mù lòa;
- Các vấn đề về thần kinh;
- Mất tứ chi;
- Các vấn đề về chức năng tình dục.
Đặc biệt, quản lý tốt bệnh tiểu đường cũng có thể làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
2. Hướng dẫn sử dụng Duetact
- Đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc do dược sĩ cung cấp trước khi bạn bắt đầu dùng Duetact và mỗi lần nhận thêm thuốc. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy nhờ bác sĩ hoặc dược sĩ giải đáp.
- Uống thuốc 1 lần/ ngày với bữa ăn chính đầu tiên trong ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Liều lượng dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng với điều trị của bạn. Bạn có thể phải chờ 2 - 3 tháng để thuốc phát huy đầy đủ hiệu quả.
- Colesevelam có thể làm giảm sự hấp thu của glimepiride. Do đó nếu bạn đang dùng colesevelam, hãy uống Duetact ít nhất trước 4 giờ.
- Sử dụng thuốc Duetact thường xuyên giúp bạn nhận được nhiều lợi ích nhất. Nên uống thuốc vào cùng một thời điểm cố định mỗi ngày, kết hợp theo dõi lượng đường huyết thường xuyên và chia sẻ kết quả với bác sĩ.
- Khi chuyển đổi từ các loại thuốc tiểu đường riêng lẻ sang sản phẩm kết hợp như Duetact thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn để đảm bảo không bị phản ứng hạ đường huyết (tình trạng lượng đường trong máu thấp đột ngột khi mới dùng thuốc). Nhìn chung, người dùng nên tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Tác dụng phụ khi dùng Duetact
Đôi khi sử dụng thuốc Duetact có thể dẫn đến một số tác dụng phụ sau:
- Nhức đầu;
- Chóng mặt;
- Tiêu chảy;
- Buồn nôn;
- Đau cơ;
- Đau họng;
- Các vấn đề về răng.
Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào kể trên kéo dài hoặc diễn tiến trầm trọng hơn thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết ngay lập tức.
Trước khi kê đơn thuốc Duetact, bác sĩ đã đánh giá lợi ích mang lại cho bạn lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ. Vì vậy bạn có thể yên tâm vì vẫn có nhiều người sử dụng thuốc này mà không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Báo cho bác sĩ biết ngay nếu bạn gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi dùng Duetact, bao gồm:
- Các vấn đề về thị lực, ví dụ: Rối loạn màu sắc hoặc giảm thị lực ban đêm;
- Gãy xương;
- Nước tiểu màu đỏ/ sẫm màu;
- Cần đi tiểu gấp;
- Đau khi đi tiểu;
- Chán ăn;
- Vàng mắt hoặc vàng da;
- Thay đổi tâm thần/ tâm trạng, ví dụ: Ảo giác, lú lẫn;
- Co giật;
- Dễ bầm tím/ chảy máu;
- Dấu hiệu nhiễm trùng, ví dụ: Sốt, đau họng dai dẳng.
Thuốc Duetact có thể khiến lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), nhất là khi bạn không tiêu thụ đủ calo từ thức ăn hoặc tập thể dục quá sức. Các triệu chứng bao gồm:
- Đổ mồ hôi lạnh;
- Mờ mắt;
- Chóng mặt;
- Buồn ngủ;
- Run rẩy;
- Tim đập nhanh;
- Nhức đầu;
- Ngất xỉu;
- Ngứa ran ở bàn tay/ bàn chân;
- Đói.
Mang theo thuốc glucose để điều trị nhanh tình trạng lượng đường trong máu thấp là một thói quen tốt. Nếu không có viên nén hoặc gel glucose, bạn cũng có thể tăng đường huyết nhanh chóng bằng cách ăn một nguồn đường, như đường gia vị, mật ong hoặc kẹo, uống nước trái cây hoặc soda có đường. Đừng quên nói với bác sĩ về phản ứng này. Để ngăn ngừa hạ đường huyết, bạn cần ăn đúng bữa theo lịch trình đều đặn và không bỏ bữa. Nhờ chuyên gia sức khỏe tư vấn những cách khắc phục hiệu quả nếu bạn đã bỏ một bữa ăn.
Các triệu chứng cho thấy lượng đường trong máu cao bao gồm:
- Khát nước;
- Đi tiểu nhiều;
- Lú lẫn;
- Buồn ngủ;
- Mặt đỏ bừng;
- Thở nhanh;
- Hơi thở có mùi trái cây.
Nếu các triệu chứng này xảy ra, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức để được tăng liều lượng thuốc.
Hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với thuốc Duetact. Tuy nhiên, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Phát ban da;
- Ngứa hoặc sưng vùng mặt, lưỡi hoặc cổ họng;
- Chóng mặt dữ dội;
- Khó thở.
Ngoài ra, nếu bạn còn nhận thấy các tác dụng phụ khác của Duetact không được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ/ dược sĩ để được hỗ trợ.
4. Cảnh báo thận trọng khi dùng Duetact
Trước khi dùng thuốc Duetact, cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với:
- Pioglitazone hoặc glimepiride;
- Các glitazone khác, ví dụ như rosiglitazone;
- Các sulfonylurea khác, ví dụ glipizide, tolbutamide;
- Bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác.
Sản phẩm này có thể chứa các thành phần bất hoạt, gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề khác, do vậy bạn cần phải hỏi dược sĩ để biết thêm chi tiết.
Bác sĩ hoặc dược sĩ cũng cần biết về bệnh sử của bạn trước khi kê đơn thuốc, đặc biệt là:
- Các vấn đề về tim, ví dụ: Suy tim sung huyết;
- Dịch lỏng trong phổi;
- Sưng do phù nề, giữ nước;
- Các vấn đề về gan;
- Bệnh thận;
- Các vấn đề về tuyến giáp.
- Các tình trạng liên quan đến nội tiết tố: Suy vỏ thượng thận/ suy tuyến yên, hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu không thích hợp (SIADH);
- Mất cân bằng khoáng chất, ví dụ: Hạ natri máu;
- Thiếu máu;
- Các vấn đề về mắt, ví dụ: Bệnh võng mạc;
- Ung thư bàng quang.
Bạn có thể bị mờ mắt, chóng mặt hoặc buồn ngủ do lượng đường trong máu quá thấp hoặc quá cao. Vì vậy, không nên lái xe, điều khiển máy móc hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi sự tỉnh táo và tầm nhìn rõ ràng cho đến khi bạn chắc chắn rằng mình có thể đảm bảo an toàn.
Hạn chế uống rượu trong khi dùng thuốc Duetact để tránh làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết.
Lượng đường trong máu có thể khó kiểm soát hơn khi cơ thể bị căng thẳng do: Sốt; Nhiễm trùng; Chấn thương; Phẫu thuật...Trong những trường hợp này, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được thay đổi kế hoạch điều trị, đơn thuốc hoặc xét nghiệm đường huyết.
Thuốc Duetact có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, do đó nên:
- Giảm bớt thời gian hoạt động dưới ánh nắng mặt trời;
- Tránh nhuộm da và đèn cực tím, đèn cực sáng để quay phim;
- Luôn dùng kem chống nắng và mặc quần áo bảo vệ da khi ra ngoài trời.
Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị cháy nắng hoặc bị phồng rộp, mẩn đỏ trên da.
Thuốc Duetact có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân nữ, chẳng hạn như gãy xương cánh tay trên, bàn tay, bàn chân hoặc mắt cá. Để giảm nguy cơ bị thương, hãy thận trọng khi thực hiện các hoạt động mạnh, chẳng hạn như những môn thể thao có tiếp xúc, va chạm.
Chức năng của thận suy giảm theo tuổi tác, trong khi đó, thuốc Duetact được thận lọc. Chính vì vậy, người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị hạ đường máu nếu sử dụng thuốc này.
Thuốc Duetact cũng có thể gây ra những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, thúc đẩy quá trình rụng trứng ở phụ nữ mắc một số vấn đề về khả năng sinh sản. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên áp dụng phương pháp tránh thai thích hợp trong khi dùng thuốc này.
Trong thời kỳ mang thai, thuốc Duetact chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Mang thai vừa có thể là nguyên nhân gây ra, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường. Thảo luận kế hoạch với bác sĩ để kiểm soát lượng đường trong máu khi mang thai. Bác sĩ có thể dùng insulin thay thế cho thuốc Duetact trong thời kỳ mang thai. Nếu vẫn sử dụng Duetact, thai phụ có thể được chuyển sang insulin ít nhất 2 tuần trước ngày dự sinh để tránh nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích khi dùng thuốc Duetact trong thai kỳ.
Chưa rõ liệu thuốc này có đi vào sữa mẹ hay không, cũng như những tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Vì thế phụ nữ không được khuyến khích cho con bú khi đang sử dụng thuốc này.
5. Tương tác giữa Duetact với các thuốc khác
Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của Duetact hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Bạn nên lập một danh sách tất cả các sản phẩm đang sử dụng và chia sẻ cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết. Không bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến quá trình đào thải pioglitazone khỏi cơ thể, làm ảnh hưởng đến cách pioglitazone hoạt động. Ví dụ bao gồm:
- Gemfibrozil;
- Rifamycins, như rifampin.
Thuốc chẹn beta (chẳng hạn như metoprolol, propranolol, thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp như timolol) có thể ngăn chặn nhịp tim nhanh khi lượng đường trong máu xuống quá thấp. Do vậy, cần thận trọng khi sử dụng.
Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, khiến bạn khó kiểm soát bệnh tiểu đường hơn. Vì vậy trước khi bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ cẩn thận. Bạn cũng cần kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên theo chỉ dẫn, sau đó chia sẻ kết quả với bác sĩ. Đặc biệt, phải cho bác sĩ biết ngay nếu bạn có các triệu chứng của lượng đường trong máu cao hoặc thấp. Bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc tiểu đường, lịch trình tập thể dục hoặc chế độ ăn uống của bạn.
6. Một số lưu ý khác khi dùng Duetact
6.1. Quá liều
Gọi số cấp cứu nếu đã sử dụng quá liều thuốc Duetact và có các triệu chứng:
- Ngất đi hoặc khó thở (nghiêm trọng);
- Run rẩy;
- Tim đập nhanh;
- Đổ mồ hôi;
- Mất ý thức.
6.2. Quên liều
Trong trường hợp bạn quên một liều Duetact, hãy dùng ngay khi bạn nhớ ra. Nhưng nếu gần đến thời điểm uống liều tiếp theo, bạn có thể bỏ qua liều đã quên. Dùng liều tiếp theo vào thời điểm bình thường và không cần gấp đôi liều.
6.3. Bảo quản
Bảo quản thuốc Duetact trong nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và hơi ẩm, tránh xa trẻ em và vật nuôi. Không lưu trữ thuốc trong phòng tắm.
6.4. Ghi chú
Không chia sẻ thuốc Duetact cho những người khác. Trong khi đang dùng thuốc Duetact, bạn nên thực hiện các xét nghiệm định kỳ, chẳng hạn như xét nghiệm chức năng thận/ gan, đường huyết lúc đói, hemoglobin A1c, công thức máu toàn bộ.
Nhìn chung, cách kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả bao gồm dùng thuốc đúng lịch, chế độ ăn uống điều độ, tập thể dục phù hợp và khám sức khỏe thường xuyên. Các bữa ăn cân bằng cần chứa đầy đủ canxi và vitamin D, ngừng hút thuốc và hạn chế rượu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com