Thuốc điều trị hen suyễn mãn tính có những loại nào?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bố em bị hen suyễn đến nay cũng 20 năm nhưng không thể chữa dứt điểm được. Thường xuyên thở khò khè, có dịch nhầy ở cổ, khó thở liên tục, ho có đờm. Mỗi lần ho đều đau hai bên sườn. Bác sĩ cho em hỏi thuốc điều trị hen suyễn mãn tính có những loại nào?

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Thuốc điều trị hen suyễn mãn tính có những loại nào?”, bác sĩ giải đáp như sau:

Hiện tại khó thở khò khè thường xuyên, ho có đờm là biểu hiện kiểm soát bệnh hen suyễn kém. Nếu để kéo dài thì có thể làm suy giảm chức năng phổi. Bạn cần được thăm dò kỹ hơn về đường thở: Mức độ tắc nghẽn, cũng như đánh giá tình trạng viêm đường thở bằng phép đo NO trong khí thở ra. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thực hiện đo nồng độ khí NO đơn giản, nhanh chóng, không xâm lấn và có độ tin cậy cao.

Vì vậy, bạn nên đưa bố đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm. Hen suyễn tuy không phải là bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc điều trị kiểm soát các triệu chứng của bệnh đóng vai trò quan trọng, giải quyết được các vấn đề ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh.

Điều trị hen suyễn bao gồm các mục tiêu sau:

  • Nhận diện và tránh các yếu tố khởi phát cơn hen
  • Thuốc điều trị cần đảm bảo kiểm soát được các triệu chứng của bệnh.

Thuốc: Một số loại thuốc được chỉ định trong việc điều trị hen suyễn, bao gồm:

  • Thuốc corticoid dạng hít: Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị hen suyễn. Thuốc có tác dụng giảm tình trạng viêm ở các phế quản do các dị nguyên gây ra.
  • Thuốc corticosteroid dạng uống: Thuốc có tác dụng ngắn và làm giảm nhanh cơn hen phế quản. Tuy nhiên nhóm thuốc này có nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài.
  • Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn (SABAS): Có tác dụng giãn phế quản, được dùng để cắt cơn hen phế quản.
  • Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABAS): Có tác dụng giống với nhóm thuốc SABAS nhưng thời gian tác dụng kéo dài hơn với mục đích kiểm soát cơn hen phế quản.
  • Thuốc Omalizumab (Xolair): Được chỉ định trong các trường hợp hen dị ứng do giảm lượng ige tự do.
  • Liệu pháp miễn dịch: Bệnh nhân được giải mẫn cảm với các dị nguyên gây bệnh.
  • Thuốc Theophylline: Có tác dụng giãn phế quản và phế nang, hiện nay ít được dùng.

Thay đổi lối sống: Ngoài việc sử dụng các loại thuốc kể trên, bệnh nhân hen suyễn cần thay đổi lối sống, nghề nghiệp, tránh các dị nguyên gây bệnh để tăng hiệu quả điều trị.

Nếu bạn còn thắc mắc về việc thuốc điều trị hen suyễn mãn tính, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe