Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch cơ thể phát hiện chất lạ gây hại và phản ứng lại bằng cách gây ra các phản ứng như phát ban, nổi mề đay... Có những trường hợp dị ứng có thể tự khỏi sau thời gian ngắn nhưng đôi khi các triệu chứng diễn tiến nghiêm trọng cần phải sử dụng thuốc. Vậy làm thế nào để sử dụng an toàn và hạn chế tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng?
1. Một số thuốc chống dị ứng phổ biến
- Thuốc kháng Histamin
Histamin là chất trung gian do các tế bào tạo ra trong phản ứng dị ứng. Hạt bài tiết của các tế bào ưa kiềm và tế bào mast ở các mô là nơi dự trữ rất nhiều Histamin. Vì vậy, khi xảy ra dị ứng, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng các thuốc kháng Histamin để khống chế tình trạng này. Hiện nay, trên thị trường có 2 nhóm thuốc kháng Histamin đó là thuốc thế hệ 1 và thế hệ 2.
Các thuốc kháng Histamin thế hệ 1 như Hydroxyzin, Clopheniramin, Promethazine, Diphenhydramin... Hiệu quả của các thuốc này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nên người bệnh phải sử dụng nhiều liều trong ngày và thuốc có tác dụng phụ là gây buồn ngủ.
Đối với các thuốc kháng Histamin thế hệ 2 như Cetirizin, Loratadin, Fexofenadin... đỡ gây buồn ngủ hơn nên được sử dụng khá phổ biến hơn loại thuốc kháng Histamin thế hệ 1.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng các thuốc kháng Histamin như:
- Chóng mặt, buồn ngủ
- Khô miệng
- Run tứ chi, hoa mắt, ù tai
- Bí tiểu cấp, táo bón.
Do đó, các thuốc chống dị ứng thuộc nhóm này nên thận trọng khi sử dụng cho những người bệnh phải làm các công việc như điều khiển phương tiện giao thông hay vận hành máy móc, người bệnh bị phì đại tuyến tiền liệt, dị ứng với thuốc, tắc nghẽn đường tiểu và ống tiêu hóa, bệnh Glocom...
- Thuốc chống viêm
Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau, kể cả tình trạng dị ứng. Các thuốc chống dị ứng có chứa thành phần Corticoid giúp kiểm soát các triệu chứng dị ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng vì thế mà một số trường hợp lạm dụng thuốc này dẫn đến nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số thuốc thuộc nhóm này thường được chỉ định như Betamethasone, Prednisolone, Hydrocortisone, Fluocinolone....
Thuốc được bào chế ở nhiều dạng khác nhau như dạng xịt mũi, hít qua miệng, dạng gel, kem, dung dịch, thuốc mỡ để nhỏ mắt, mũi, tai hoặc bôi ngoài da. Nếu thuốc được chỉ định dùng trong thời gian ngắn khoảng 1 - 2 tuần thì khả năng xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng là khá ít.
Phản ứng hay gặp nhất ở bệnh nhân dùng Corticoid ở thời gian ngắn là khó ngủ và kích ứng dạ dày gây buồn nôn, nôn, chướng bụng, tiêu chảy. Trong trường hợp dùng đợt ngắn nhưng liệu trình dùng lặp lại nhiều lần thì khả năng xảy ra các tác dụng phụ cũng tương tự như dùng dài ngày. Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được ghi nhận bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Nhiễm trùng
- Loãng xương
- Tăng đường huyết
- Suy thượng thận
- Hội chứng Cushing
- Thuốc kháng IgE
Kháng thể IgE có tác dụng quan trọng trong việc chống lại bệnh hen phế quản cũng như các bệnh lý dị ứng khác. Khi IgE kết hợp cùng các tác nhân gây dị ứng làm kích hoạt các triệu chứng của phản ứng dị ứng.
Omalizumab thuộc nhóm thuốc này giúp bất hoạt các kháng thể IgE tự do, nhờ đó mà nồng độ kháng thể này trong máu có thể giảm đến 90%. Đây là loại thuốc được sử dụng có hiệu quả nhất trong điều trị hen phế quản.
- Thuốc ổn định tế bào mast
Tế bào mast là nơi dự trữ chủ yếu của histamine. Vì vậy, khi dùng các thuốc giúp ổn định những tế bào này sẽ giúp ngăn chặn được việc giải phóng histamin, giảm thiểu các triệu chứng của dị ứng. Người bệnh thường được chỉ định loại thuốc này khi không đáp ứng hiệu quả với corticoid hoặc thuốc kháng histamin.
Các loại thuốc này đường dùng theo đường uống (Cromolyn), nhỏ mắt (Cromolyn, Azelastine, Nedocromil...) hay nhỏ mũi (Cromolyn, Azelastine). Một số tác dụng phụ đã được ghi nhận ghi dùng các thuốc này như đắng miệng, hắt hơi, chân chích, ngứa mũi, chảy máu cam, mắt bị kích ứng nhẹ. Hiếm gặp hơn là bị nổi mề đay, phát ban. Trong trường hợp sử dụng cho phụ nữ mang thai cần phải tham khảo chỉ định của bác sĩ trước khi dùng.
- Thuốc kháng Leukotriene
Leukotriene cũng là một trong số các chất trung gian tham gia vào phản ứng viêm và làm kích thích các triệu chứng dị ứng khởi phát như tăng tiết dịch nhầy, co thắt cơ trơn, phế quản, giãn mạch...
Một số thuốc thuộc nhóm này được sử dụng khá phổ biến như Zileuton, Zafirlukast... có hiệu quả trong điều trị các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, mề đay mạn tính, hen phế quản. Tác dụng phụ hay gặp nhất là làm tăng men gan.
Lưu ý: Các thuốc chống dị ứng được liệt kê ở trên chỉ được sử dụng khi có kê đơn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng và điều chỉnh liều dùng theo sự tiến triển của các triệu chứng dị ứng. Nếu trong quá trình sử dụng các thuốc này mà gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
2. Cách sử dụng an toàn thuốc chống dị ứng
Việc dùng thuốc chống dị ứng có hại không? Là thắc mắc của nhiều người khi gặp phải các triệu chứng dị ứng. Với bất kỳ loại thuốc nào đều có 2 mặt lợi hại nếu người bệnh dùng thuốc không đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để việc sử dụng các thuốc chống chống dị ứng an toàn và mang lại hiệu quả cao cho liệu trình điều trị, người bệnh cần lưu ý một số điểm dưới đây:
- Đối với các thuốc không kê đơn cũng nên tham khảo ý kiến của dược sĩ bán thuốc. Trước khi bắt đầu dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để nắm được những khả năng có thể xảy ra cho người bệnh, chống chỉ định của thuốc, các biện pháp khắc phục khi xảy ra các tác dụng phụ hoặc cách phòng ngừa.
- Đối với những người bệnh mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, huyết áp... cần thận trọng khi dùng các thuốc chống dị ứng. Cách tốt nhất là không nên tự ý dùng để hạn chế những tác dụng gây hại do thuốc gây ra hay có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Khi được bác sĩ kê đơn, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng, dùng theo đơn thuốc cũ khi thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự hoặc tự ý dùng các thuốc được rao bán trên các trang mạng khi chưa chắc chắn về chất lượng thuốc và nguồn gốc sản xuất.
Hy vọng qua bài viết này người bệnh đã có thêm những thông tin hữu ích liên quan đến cách sử dụng các thuốc chống dị ứng đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Người bệnh cũng nên nắm rõ tình trạng bệnh của bệnh để có biện pháp phòng ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng ở môi trường xung quanh.