Thông tin thuốc Kaopectate

Kaopectate thuộc nhóm thuốc chống tiêu chảy. Thuốc được sử dụng điều trị tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, ợ chua, đầy hơi hoặc đau dạ dày.

1. Công dụng của thuốc Kaopectate

Thuốc Kaopectate thường được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng, đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy, đầy bụng hoặc các triệu chứng liên quan đến việc ăn uống quá nhiều.

Kaopectate được sử dụng để giảm số lần đi tiêu và làm cho phân đặc hơn.

2. Cách sử dụng thuốc Kaopectate

2.1. Cách dùng

  • Sử dụng thuốc Kaopectate theo đường uống và theo chỉ dẫn của bác sĩ và thông tin được niêm yết trên bao bì sản phẩm.
  • Người bệnh không tự ý thêm bớt liều dùng thuốc Kaopectate so với liều quy định.
  • Hãy uống nhiều nước hơn để giúp ngăn ngừa mất nước do tiêu chảy. Ttrước khi uống thuốc nên lắc đều thuốc, có thể dùng kèm thuốc với thức ăn và uống thuốc theo một giờ cố định trong ngày.
  • Tránh dùng thuốc tetracycline trước hoặc sau 2 giờ uống Kaopectate.

2.2. Liều dùng

Liều dùng thuốc cho người lớn:

  • Sử dụng 30ml hoặc 2 muỗng canh thuốc Kaopectate.
  • Nếu cần, có thể lặp lại liều từ mỗi nửa tiếng đến 1 tiếng.
  • Không sử dụng quá 8 liều Kaopectate trong một ngày.
  • Có thể sử dụng thuốc Kaopectate cho đến khi chứng tiêu chảy chấm dứt nhưng không được dùng quá 2 ngày.

Liều dùng thuốc cho trẻ em:

  • Liều dùng thuốc Kaopectate cho trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa được nghiên cứu và xác định. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu định dùng thuốc Kaopectate cho trẻ.

Cần ngừng sử dụng thuốc Kaopectate và liên hệ cho bác sĩ nếu gặp phải những triệu chứng sau:

  • Triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày.
  • Sưng hoặc dị ứng
  • Chảy máu, trong phân có dính máu hoặc loét dạ dày.

Những thông tin được cung cấp trên đây không thể thay thế cho lời khuyên của các đội ngũ y bác sĩ. Người bệnh hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc Kaopectate.

2.3. Quá liều, quên liều thuốc Kaopectate và cách xử trí

  • Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến giờ dùng liều Kaopectate tiếp theo. Không tăng gấp đôi liều Kaopectate.
  • Trường hợp quá liều thuốc Kaopectate có thể gặp một số tác dụng phụ như: Suy nhược, trầm cảm, lo lắng, cảm thấy cáu kỉnh, mất thăng bằng hoặc khó phối hợp, nhầm lẫn, run hoặc giật cơ.

3. Chống chỉ định dùng thuốc Kaopectate

Không dùng thuốc Kaopectate trong những trường hợp:

  • Quá mẫn hoặc tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc Kaopectate.
  • Trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị sốt, có triệu chứng như cúm.
  • Người bệnh mắc thủy đậu.
  • Người bệnh dị ứng với salicylat như aspirin, Doan's Extra Strength, Salflex, Tricosal, và những loại khác.
  • Loét dạ dày, các vấn đề chảy máu, đi phân đen hoặc lẫn máu.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bản thân đang mang thai hoặc nuôi con bú, mắc các bệnh lý như: Tiểu đường, xương khớp, gút, viêm dạ dày, bệnh thận, ....

4. Thuốc Kaopectate gây ra những tác dụng phụ nào?

Trong quá trình sử dụng thuốc Kaopectate, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Các phản ứng dị ứng bao gồm: Phát ban, ngứa, sưng miệng, sưng môi hoặc lưỡi, sưng mặt, khó thở và thắt ngực.
  • Tình trạng đi tiểu bất thường, khô miệng/khát, nhịp tim nhanh
  • Chóng mặt.
  • Táo bón, phân sẫm màu.

Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu người bệnh có dấu hiệu:

  • Phản ứng dị ứng: nổi mề đay, khó thở, sưng phù mặt.
  • Thay đổi hành vi.
  • Buồn nôn và nôn ói.
  • Mất thính lực.
  • Ù tai.
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày.
  • Các triệu chứng dạ dày ngày càng trầm trọng hơn.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Kaopectate mà có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu người bệnh có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ của thuốc Kaopectate, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Tương tác thuốc Kaopectate

Thông cho bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Kaopectate với bất kỳ loại thuốc nào khác, đặc biệt là:

  • Thuốc trị viêm khớp;
  • Axit valproic;
  • Các chất ức chế anhydrase cacbonic (acetazolamide);
  • Corticosteroid (prednisone);
  • Methotrexate;
  • Thuốc kháng tiểu cầu như clopidogrel;
  • Thuốc làm loãng máu như warfarin/dabigatran/enoxaparin.
  • Các thuốc giảm đau/giảm sốt ( aspirin, ibuprofen, naproxen)
  • Thuốc chữa bệnh gút;
  • Insulin;
  • Thuốc trị tiểu đường đường uống;
  • Thuốc làm loãng máu;
  • Coumadin;
  • Jantoven.

Thuốc Kaopectate có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà người bệnh đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ không mong muốn. Để tránh tình trạng tương tác thuốc Kaopectate, tốt nhất là người bệnh viết một danh sách những thuốc bản thân đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, thuốc không kê toa, thảo dược và thực phẩm bảo vệ sức khỏe) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc Kaopectate,người bệnh không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ hoặc dược sĩ điều trị.

Nguồn tham khảo: webmd.com, drugs.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe