Bệnh gout là sự lắng đọng tinh thể monosodium urat vào mô thường ở trong hoặc xung quanh các khớp dẫn tới viêm khớp cấp tính tái phát nhiều lần hoặc mãn tính. Do vậy, bệnh gout nếu không được điều trị có thể gây ra biến chứng nặng nề như thoái hóa khớp cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
1. Quá trình diễn biến của bệnh gout (gút)
Bệnh gout là sự lắng đọng tinh thể monosodium urat vào mô, thường xuất hiện ở trong và xung quanh các khớp gây viêm khớp cấp tính tái phát nhiều lần hoặc mãn tính. Bệnh gout gặp ở nam giới với tần suất nhiều hơn nữ giới. Thông thường gout khởi phát ở nam giới trung niên và ở nữ giới trong độ tuổi sau mãn kinh. Bệnh gout hiếm gặp ở người trẻ nhưng nếu trước 30 tuổi khởi phát thì bệnh thường nặng hơn. Những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa sẽ có nguy cơ cao bị bệnh gout, bởi vì bệnh gút thường có yếu tố di truyền theo gia đình. Những cơn viêm khớp cấp tính thường xảy ra ở một khớp và thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân. Các triệu chứng điển hình của bệnh gout bao gồm:
- Đau khớp cấp tính: Đau khớp do bệnh gout là triệu chứng điển hình.
- Sưng, nóng và đỏ các khớp.
Viêm khớp do gout cấp thường bắt đầu với triệu chứng đau đột ngột hay còn gọi là đau khớp do gout. Khớp bàn ngón chân của ngón chân cái là vị trí thường gặp nhất nhưng mắt cá chân, mu bàn chân, cổ tay, khuỷu tay, khớp gối cũng là những vị trí dễ thấy. Cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn thường là trong vài giờ và rất dữ dội. Sưng, nóng, đỏ và nhạy cảm đau có thể là triệu chứng nhiễm trùng. Da phía ngoài khớp có thể trở nên nóng, căng, bóng và đỏ hoặc hơi tím. Bên cạnh đó, những triệu chứng như nhịp tim nhanh, sốt, ớn lạnh và mệt mỏi cũng có thể xảy ra. Vài cơn gout đầu tiên thường chỉ ảnh hưởng tới một khớp và chỉ kéo dài trong thời gian vài ngày. Sau đó, những cơn về sau có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng một lúc, hoặc tuần tự và kéo dài thời gian trên 3 tuần nếu như không được điều trị. Những cơn gout tiếp theo phát triển tăng dần xen kẽ với các đợt gout không xuất hiện triệu chứng ngắn. Cuối cùng những cơn gout có thể xảy ra hàng năm. Vì vậy, nếu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng nặng nề đặc biệt là thoái hóa khớp.
2. Thoái hóa khớp do bệnh gout
Thoái hóa khớp là một dạng tổn thương của khớp do viêm khớp hay do mất sụn mặt khớp như mòn sụn, khô chất nhờn, sụp xương, chai xơ dây chằng bao khớp,... Đa số nguyên nhân gây thoái hóa khớp là do nguyên nhân cơ học, theo thời gian các khớp hoạt động nhiều thì sẽ thoái hóa sớm. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như chấn thương, dị tật, vẹo trục, gãy xương,... Đặc biệt, thoái hóa khớp do bệnh gout là thoái hóa khớp thứ phát do tình trạng bệnh làm ảnh hưởng đến khớp.
Viêm khớp cấp do gout có thể bị khởi phát bởi những căng thẳng do bệnh tật (ví dụ như các bệnh nhiễm trùng hoặc viêm phổi), phẫu thuật hay chấn thương, sử dụng các loại thuốc như các thuốc có tác dụng hạ uric máu (ví dụ allopurinol, nitroglycerin, probenecid), thuốc lợi tiểu thiazid hoặc sử dụng nhiều thức ăn giàu purin hoặc các chất kích thích như rượu. Những cơn gout cấp thường xuất hiện bởi sự gia tăng đột ngột hoặc là do sự giảm đột ngột nồng độ urat huyết thanh. Tophi ở xung quanh và bên trong khớp có thể gây hạn chế vận động và gây biến dạng khớp gọi là viêm khớp mạn tính do gout. Vì vậy, bệnh gout mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện thoái hóa khớp thứ phát hay còn gọi thoái hóa khớp do bệnh gút.
Tóm lại, bệnh gout gây sưng, nóng, đỏ, đau các khớp, lâu dần làm biến dạng khớp. Bệnh gout nếu không được điều trị có thể dẫn tới thoái hóa khớp thứ phát. Vì vậy, người bệnh bị gout cần tuân thủ phác đồ điều trị, khi thấy có xuất hiện những dấu hiệu bất thường hay tình trạng nặng nên cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.