Hội chứng tim mạch chuyển hóa

Bài viết bởi Bác sĩ Trịnh Ngọc Anh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hội chứng tim mạch chuyển hóa (Cardiometabolic syndrome – CMS) hay còn gọi là hội chứng chuyển hóa, hội chứng X là một tập hợp các rối loạn chuyển hóa bao gồm đề kháng insulin, tiền đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và béo bụng. Đây là một bệnh lý đã được ghi nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Nội tiết Hoa Kỳ (ASE).

1. Hậu quả của hội chứng tim mạch chuyển hóa

Trong thế giới hiện nay, sự phát triển của công nghệ, sự gia tăng tiêu thụ đồ ăn nhanh cùng lối sống lười vận động khiến cho các bệnh lý không lây nhiễm lên ngôi và trở thành mối đe dọa trong tương lai trên toàn thế giới. Hội chứng tim mạch chuyển hóa là một trong những bệnh lý hàng đầu trong nhóm này.

Theo điều tra dịch tễ từ 2017, có khoảng 25% người trưởng thành trên thế giới đang bị hội chứng tim mạch chuyển hóa, tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch đã giảm ở các nước phát triển nhưng lại gia tăng ở các nước đang hoặc kém phát triển. Các phân tích về kinh tế y tế tại Mỹ cho thấy chi phí y tế trung bình hàng năm ở các bệnh nhân có 1 yếu tố trong hội chứng tim mạch chuyển hóa là 5.564 $ nhưng có thể lên tới 12.287 $ nếu có đủ 4 yếu tố. Một nghiên cứu khác tại Mỹ cho thấy các bệnh nhân bị hội chứng tim mạch chuyển hóa có nguy cơ thất nghiệp tăng 40-45%, số ngày nghỉ gia tăng lên tới 179% và chi phí mất do giảm hiệu suất lao động lên tới 18.7 tỷ $/năm so với người bình thường.

Hội chứng này gặp rất phổ biến ở nhóm người >65 tuổi, nhóm tuổi này sẽ gia tăng từ 12% năm 2000 lên tới 20% vào năm 2050. Bên cạnh đó, hầu hết các thành phần trong hội chứng tim mạch chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì...) đều có xu hướng gia tăng trong tương lai. Bệnh nhân bị hội chứng tim mạch chuyển hóa sẽ tăng gấp đôi nguy cơ bệnh lý mạch vành và tăng gấp 3 lần nguy cơ đột quỵ so với người bình thường, rút ngắn đáng kể tuổi thọ của người bệnh.


Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng tim mạch chuyển hóa ở người bệnh
Béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng tim mạch chuyển hóa ở người bệnh

2. Vì sao người bệnh bị hội chứng tim mạch chuyển hóa?

Trong hội chứng này, béo bụng được xem là tổn thương cốt lõi thúc đẩy làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Về mặt bệnh sinh, béo bụng đi kèm sự gia tăng mỡ tạng do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu thụ. Bản chất mỡ tạng là mô có tác dụng chuyển hóa rất mạnh sản xuất ra rất nhiều các chất trung gian dẫn truyền liên tế bào gây ra tình trạng tiền viêm và tiền tăng đông. Thực tế các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chu vi vòng bụng là chỉ số nhạy hơn nhiều so với BMI trong tiên lượng nguy cơ bệnh lý tim mạch. Trong hội chứng này, sự đề kháng insulin và giảm nồng độ adiponectin cũng là các rối loạn quan trọng góp phần thúc đẩy tình trạng viêm và xơ vữa động mạch.

3. Hội chứng tim mạch chuyển hóa biểu hiện như thế nào?

Nguy cơ gặp hội chứng chuyển hóa gia tăng ở các bệnh nhân thừa cân/béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn giàu carbohydrate, lối sống lười vận động, phụ nữ mãn kinh, tiền sử gia đình có bố/mẹ bị bệnh tim mạch chuyển hóa.

Trên lâm sàng, những người bệnh thường không có biểu hiện gì đặc biệt ngoại trừ thay đổi chu vi vòng bụng. Bệnh thường diễn biến âm thầm trong nhiều năm mặc dù các tổn thương viêm và xơ vữa mạch cứ tiến triển từ từ. Những người bệnh có hội chứng này đa số phát hiện bệnh một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe tổng quát. Nhưng phần lớn các bệnh nhân không đi khám định kỳ, khi bệnh được phát hiện muộn thường đã có biến chứng tổn thương cơ quan đích như bệnh mạch vành, đột quỵ não hay bệnh động mạch ngoại vi. Có thể thấy rằng, các triệu chứng mờ nhạt kết hợp với hậu quả nặng nề khiến cho hội chứng này được xem như một “kẻ giết người thầm lặng” trong thế giới hiện đại. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là điểm mấu chốt để đối phó với hội chứng này.


Hội chứng tim mạch chuyển hóa có thể gây đột quỵ não ở người bệnh
Hội chứng tim mạch chuyển hóa có thể gây đột quỵ não ở người bệnh

4. Điều trị hội chứng tim mạch chuyển hóa như thế nào?

Với các bệnh nhân bị hội chứng tim mạch chuyển hóa, việc điều trị sẽ tập trung vào kiểm soát đa yếu tố nguy cơ tim mạch. Chính vì bệnh sinh cốt lõi là gia tăng mỡ tạng nên việc thay đổi lối sống, chế độ ăn lành mạnh, thể dục thường xuyên, giảm cân đạt cân nặng lý tưởng, bỏ thuốc lá được xem là biện pháp đầu tay cho nhóm bệnh nhân này. Sau đó, các bác sỹ sẽ phân tích các yếu tố cấu thành hội chứng tim mạch chuyển hóa để có kế hoạch điều trị cụ thể như: kiểm soát đường máu, mỡ máu, huyết áp, cân nặng... Chi phí điều trị sẽ càng cao, nếu người bệnh được phát hiện càng muộn và có càng nhiều các yếu tố. Xu hướng hiện nay trên thế giới xử trí hội chứng này tập trung vào phát hiện sớm từ giai đoạn tiền bệnh và quản lý đa chuyên khoa khi bệnh đã tiến triển.

5. Sàng lọc, quản lý bệnh tim mạch chuyển hóa ở Vinmec có gì đặc biệt?

Trên thế giới, các viện/trung tâm tim mạch lớn luôn có một đơn vị chuyên trách về bệnh lý tim mạch chuyển hóa. Theo mô hình đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình sàng lọc hội chứng tim mạch chuyển hóa theo triết lý 4P (chủ động, dự báo, dự phòng, cá thể hóa) và quản lý bệnh nhân hội chứng tim mạch chuyển hóa theo chuỗi dịch vụ (service line) với sự tham gia kết nối của nhiều bác sĩ chuyên khoa như nội tiết – đái tháo đường, tim mạch, thận, dinh dưỡng, chuyên gia thể lực, quản lý chăm sóc...


Định kỳ kiểm tra sức khoẻ giúp người bệnh sớm phát hiện bệnh lý và kịp thời điều trị
Định kỳ kiểm tra sức khoẻ giúp người bệnh sớm phát hiện bệnh lý và kịp thời điều trị

Với mô hình như vậy, các bệnh nhân sẽ được tư vấn sàng lọc và kiểm soát ngay từ giai đoạn tiền bệnh, áp dụng các mô hình can thiệp được cá thể hóa theo từng cá nhân riêng biệt. Còn với những người đã có các biến chứng, bệnh nhân sẽ được làm chẩn đoán, phân loại các biến chứng theo phác đồ, được gửi khám các chuyên khoa cần thiết từ đó được điều trị một cách toàn diện. Chính vì thế, các bệnh nhân tim mạch chuyển hóa đến với bệnh viện Vinmec sẽ được quản lý bệnh tật, điều trị và chăm sóc hiệu quả hơn và đích đến sau cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như dự phòng biến chứng cho người bệnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe