Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Vitamin D có vai trò quan trọng trong chuyển hóa và hấp thu canxi, photpho để cấu tạo khung xương. Hậu quả của thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ sẽ làm giảm hấp thu canxi, photpho ở ruột, cơ thể phải huy động canxi ở xương vào máu khiến rối loạn quá trình vôi hóa ở xương gây loãng xương, còi xương ở trẻ em.
1. Trẻ thiếu vitamin D sẽ bị hiện tượng gì?
Những dấu hiệu về biến đổi xương có thể xuất hiện sau vài tháng thiếu vitamin D. Những đứa trẻ được sinh ra bởi bà mẹ bị mềm xương có thể bị còi xương trong vòng 2 tháng sau khi sinh.
1.1. Dấu hiệu sớm
Gồm các dấu hiệu sớm của hệ thần kinh như:
- Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích;
- Ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm);
Trẻ bị rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm); - Trẻ thường chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhẽo), da xanh, lách to;
- Thở rít do mềm sụn thanh quản - các cơ co thắt làm cho trẻ nôn, nấc cụt, hay són phân và nước tiểu.
1.2. Dấu hiệu muộn
Các biểu hiện rối loạn ở xương khác nhau tùy vào vị trí xương, độ tuổi của trẻ và mức độ nặng nhẹ của bệnh:
- Mọc răng chậm và răng mọc không cân đối, chậm biết lẫy, bò, đi...;
- Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp;
- Ở xương có biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm (dấu hiệu nhuyễn sọ). Thóp rỗng, các đường rãnh khớp mở rộng, đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc một bên do tư thế nằm;
- Bướu xương sọ, thường ở vùng trán, vùng đỉnh;
- Đầu xương cổ tay to, phì đại thành "vòng cổ tay";
- Chuỗi xương sườn và biến dạng lồng ngực, chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống;
- Có thể bị co giật do hạ can-xi máu.
Còi xương là bệnh tiên phát ở trẻ nhỏ sẽ nhìn thấy cẳng chân bị biến dạng và chậm phát triển thể lực. Biến dạng xương ở thời kỳ thơ ấu có thể để lại di chứng cho thời kỳ trưởng thành, xương sống có thể bị gù, vẹo, hẹp khung chậu.
2. Thiếu vitamin D gây bệnh gì cho trẻ em?
2.1. Loãng xương
Có đủ lượng canxi và vitamin D là cực kỳ quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Thiếu vitamin D khiến cho lượng canxi cạn kiệt, làm suy yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
2.2. Bệnh hen suyễn
Thiếu vitamin D sẽ gây nên ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của phổi và làm cho bệnh hen suyễn trầm trọng hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Vitamin D có thể cải thiện bệnh hen suyễn bằng cách ngăn chặn các protein gây viêm trong phổi, cũng như gia tăng sản xuất một loại protein có tác dụng chống viêm.
2.3. Bệnh tim mạch
Khi cơ thể của trẻ bị thiếu vitamin D có thể dẫn tới làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh cao huyết áp, đồng thời tăng nguy cơ tử vong do bệnh này.
2.4. Dị ứng
Trẻ em không được cung cấp đầy đủ vitamin D có nhiều khả năng bị dị ứng thực phẩm.
2.5. Cúm
Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Những người có nồng độ vitamin D thấp thường dễ bị mắc các bệnh như cảm lạnh và cúm hơn những người có nồng độ vitamin D cao trong cơ thể.
2.6. Sức khỏe răng miệng
Vitamin D cần thiết để hấp thụ canxi và phốt pho - chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương. Vitamin D kiểm soát lượng canxi trong máu, ruột và xương. Do đó, thiếu vitamin D có thể dẫn đến men răng yếu hơn. Một số báo cáo gần đây cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và vitamin D. Những người có mức vitamin D thấp có tỷ lệ mất răng nhiều hơn những người có mức vitamin D cao.
3. Làm gì khi bị thiếu vitamin D?
Để xác định xem trẻ có bị thiếu vitamin D hay không bác sĩ sẽ chỉ định làm một xét nghiệm máu đơn giản. Sau đó, bác sĩ có thể tư vấn cho bé nếu cần thiết phải bổ sung vitamin D. Lưu ý rằng không có sự đồng nhất về mức độ vitamin D cho mỗi trẻ bởi hàm lượng vitamin D còn phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe, độ tuổi,... của từng trẻ.
4. Phòng ngừa thiếu vitamin D ở trẻ em
- Đối với bé dưới 6 tháng tuổi: Để trẻ được bú sữa mẹ vì trong sữa mẹ rất dồi dào vitamin D. Theo nghiên cứu 80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da; 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn giàu vitamin D (thịt, dầu cá, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu, vv...);
- Đối với bé từ 6 tuần đến 18 tháng tuổi: Nên dùng liên tục mỗi ngày 800 - 1.000 IU (nếu bé khỏe mạnh); 1.500 IU (nếu bé ít được ra nắng) và 2.000 IU (nếu thấy bé có màu da thẫm). Bé từ 18 tháng tới 5 tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa sương mù, ít ánh nắng;
- Đối với những bé còi xương: Uống 1.200 - 5.000 IU/ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng;
- Khuyến khích bà mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ với đa dạng thực phẩm, sử dụng những thực phẩm giàu vitamin D, canxi, phốt pho...;
- Bổ sung vitamin D vào thực đơn hàng ngày của trẻ với những thực phẩm như sữa, phô mát, dầu ăn, bánh quy, ngũ cốc, bột dinh dưỡng...;
- Thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng;
- Dự phòng và điều trị những bệnh liên quan tới vitamin D (nhiễm khuẩn kéo dài như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, bệnh viêm tụy cấp, viêm thận...);
- Dự phòng và điều trị thiếu vitamin D (tại cơ sở y tế);
Ngoài ra để đảm bảo trẻ em được bổ sung vitamin D đầy đủ, vai trò của giáo dục dinh dưỡng là rất quan trọng. Cần thực hiện truyền thông giáo dục đại chúng,tuyên truyền trong cộng đồng, hướng dẫn thực hành để các gia đình biết cách phòng chống thiếu vitamin D thông qua chế độ ăn uống và tắm nắng đúng cách.
Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị thiếu vitamin D, cha mẹ có thế đưa trẻ đến khám tại những bệnh viện uy tín về chuyên khoa Nhi như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để được tư vấn và điều trị.
Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa vitamin D và các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, ... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
>> Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Vitamin D và khả năng đề kháng bệnh nhiễm trùng của ThS. BS Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong