Thiền không chỉ đơn giản, dễ dàng và thú vị, mà bởi vì nó hoạt động giúp thiết lập lại và cân bằng lại mọi hệ thống trong cơ thể, và là một công cụ chữa bệnh hiệu quả. Từ việc cải thiện các mối quan hệ, đến cai nghiện hoặc đối phó với bệnh mãn tính. Ngồi thiền thường xuyên có thể giúp tất cả chúng ta sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Đọc thêm bài viết dưới đây để hiểu thêm hơn về thiền.
1. Những lợi ích sức khỏe mà thiền có thể mang lại
Có rất nhiều lý do để thực hành thiền. Kinh nghiệm của các chuyên gia về thiền định được đúc kết từ các nghiên cứu cho thấy thiền không chỉ làm giảm huyết áp mà còn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta - mặc dù cơ chế dẫn đến những hiệu quả này chưa thực sự rõ ràng - đồng thời cải thiện khả năng tập trung của mỗi người. Những người thiền định có thể lựa chọn trong số rất nhiều cách thực hành, cả tôn giáo và thế tục. Giáo sư Charles L. Raison, giám đốc lâm sàng của Chương trình Mind-Body tại Trường Y Đại học Emory ở Atlanta cho biết điểm chung của chúng là tăng cường sự tập trung, ngăn cản những suy nghĩ lệch lạc về thế giới bên ngoài và thường là sự tĩnh lặng của cơ thể. Raison đã tham gia vào một nghiên cứu chỉ ra rằng thiền định cải thiện phản ứng cả về thể chất và cảm xúc đối với căng thẳng. Trong nghiên cứu, những người thực hành thiền định thường xuyên trong sáu tuần cho thấy hệ thống miễn dịch của họ hoạt động tốt hơn và cảm xúc tiêu cực xuất hiện ít hơn khi họ rơi vào tình huống căng thẳng.
Giảm căng thẳng có thể là chìa khóa cho tác dụng hữu ích của thiền đối với sức khỏe. Raison chỉ ra: “Chúng tôi biết căng thẳng là nguyên nhân góp phần gây ra những tình trạng bệnh lý mạn tính thời điểm hiện tại. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện đối với chứng đau cơ xơ hóa và thậm chí cả bệnh vẩy nến ở những bệnh nhân chăm chỉ thực hiện các bài thực hành thiền định. Raison nói: “Thật khó để có thể nghĩ đến một căn bệnh mà tâm trạng và căng thẳng không có lợi cho sức khỏe”.
Khoa học vẫn chưa phát hiện ra điều gì đã xảy ra khi bộ não ở trong trạng thái thiền định và hệ thống miễn dịch. Nhưng một nghiên cứu của Đại học Wisconsin cho thấy hoạt động điện não tăng lên ở các vùng của thùy trán bên trái, một khu vực có xu hướng hoạt động nhiều hơn ở những người lạc quan, sau tám tuần tập thiền.
2. Thiền giúp cân bằng các hệ thống của cơ thể như thế nào ?
Hầu hết người Mỹ không muốn phải ngồi một chỗ quá lâu. Nhưng thiền đã thu hút được hàng triệu người thay đổi thói quen này để giúp họ giảm bớt những cơn đau mãn tính, lo lắng, căng thẳng, cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường tâm trạng và khả năng miễn dịch, đồng thời giải quyết các vấn đề trong quá trình mang thai.
Bác sĩ tim mạch Herbert Benson, người nổi tiếng với ba thập kỷ nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe của thiền định cho biết, bất kỳ tình trạng nào gây ra hoặc trở nên tồi tệ hơn do căng thẳng đều có thể được giảm bớt thông qua phương pháp thiền định. Ông là người sáng lập ra Viện Tâm trí/ Cơ thể tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess của Trường Y Harvard. Benson nói: “Phản ứng thư giãn (từ thiền định) giúp giảm sự trao đổi chất, giảm huyết áp và cải thiện nhịp tim, nhịp thở và sóng não. Căng thẳng và áp lực truyền ra từ các cơ khi cơ thể nhận được thông điệp yên tĩnh để thư giãn.
Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cách thiền cân bằng các hệ thống của cơ thể như thế nào. Ở những người đang thiền, chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ đã cho thấy sự gia tăng hoạt động trong các khu vực kiểm soát sự trao đổi chất và nhịp tim. Các nghiên cứu khác về các nhà sư Phật giáo đã chỉ ra rằng thiền định tạo ra những thay đổi lâu dài trong hoạt động của não ở các khu vực liên quan đến sự chú ý, trí nhớ làm việc, học tập và nhận thức có ý thức. Sức mạnh nhẹ nhàng của sự lặp lại là trọng tâm của thiền định. Thiền tập trung vào việc kiểm soát hơi thở, bỏ qua suy nghĩ và lặp lại một từ hoặc cụm từ để tạo ra phản ứng sinh học của sự thư giãn.
Tiến sĩ Chapman nhà tâm lý học tại Trung tâm Y học Đau tại Emory Healthcare ở Atlanta, nói với WebMD: “Thiền không khó học. Bạn không cần phải gặp một chuyên gia trong lĩnh vực này đến 20 buổi để học nó. Nhưng cũng giống như mọi bài tập khác, đó là một kỹ năng mà bạn cần luyện tập. Theo thời gian, con người phát triển khả năng tạo ra những trạng thái thiền định, rất thư thái này rất nhanh chóng. Khi họ thiền định nhiều lần trong ngày, họ trở nên thoải mái hơn trong suốt cả ngày. "
Thiền định giúp cân bằng một số hệ thống của cơ thể như:
- Sức khỏe tim mạch: Vô số nghiên cứu đã xem xét thiền định và sức khỏe tim mạch. Theo các nghiên cứu do chính phủ tài trợ được thực hiện tại Đại học Y học Maharishi Vedic ở Fairfield, Iowa, việc luyện tập thiền định thường xuyên đã được chứng minh là giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh cao huyết áp trong thời gian dài. Trong số các nghiên cứu đó, một nghiên cứu cho thấy huyết áp và nhịp tim giảm đáng kể ở những người da đen trưởng thành. Ngoài ra, một nghiên cứu trên Tạp chí Tăng huyết áp Hoa Kỳ cho thấy những thanh thiếu niên ngồi thiền 15 phút hai lần một ngày trong bốn tháng có thể giảm chỉ số huyết áp của họ một cách rõ ràng.
- Tăng cường miễn dịch: Thiền cũng giúp chúng ta tránh khỏi nhiều loại bệnh tật và nhiễm trùng. Trong một nghiên cứu kiểm tra chức năng miễn dịch, các mũi tiêm phòng cúm được tiêm cho những người tình nguyện đã thiền định trong 8 tuần và những người không thiền định. Theo nghiên cứu trên tạp chí Psychosomatic Medicine, các xét nghiệm máu được thực hiện sau đó cho thấy nhóm thiền định có lượng kháng thể chống lại virus cúm cao hơn nhóm không thiền.
- Nâng cao sức khỏe phụ nữ: Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), các vấn đề vô sinh và thậm chí cho con bú có thể được cải thiện khi phụ nữ thiền định thường xuyên. Trong một nghiên cứu, các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt giảm 58% khi phụ nữ ngồi thiền. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng những cơn bốc hỏa thường gặp trong thời kỳ mãn kinh cũng ít dữ dội hơn ở những phụ nữ thường xuyên ngồi thiền. Những phụ nữ đang chống chọi với chứng vô sinh đã bớt lo lắng, trầm cảm và mệt mỏi hơn nhiều sau một chương trình thiền 10 tuần (cùng với các bài tập thể dục và thay đổi dinh dưỡng); 34% có thai trong vòng sáu tháng. Ngoài ra, những bà mẹ mới sinh thiền định về hình ảnh sữa chảy ra từ vú của họ có thể tăng gấp đôi sản lượng sữa cho bé.
- Thiền định thay đổi não bộ theo hướng tốt. Theo một nghiên cứu gần đây, các nhà sư thực hành thiền Phật giáo đã được chứng minh có khả năng hoạt động não bộ cao hơn đáng kể, được gọi là hoạt động sóng gamma, trong các lĩnh vực liên quan đến học tập và mức độ hạnh phúc so với những người không thực hành thiền định. Sóng gamma liên quan đến các quá trình tâm thần bao gồm sự chú ý, trí nhớ, học tập và nhận thức có ý thức. Các nhà sư cũng cho thấy sự hoạt động cao hơn trong các lĩnh vực liên quan đến cảm xúc tích cực, như hạnh phúc.
Làm thế nào để bạn biết liệu thiền có "hoạt động" hay không - nếu cơ thể của bạn thực sự nhận được những phản ứng thư giãn đó? Chapman nói: Nếu bạn có cảm giác ấm áp, thoải mái và bình tĩnh khi thiền, điều đó có nghĩa là bạn đã đi đúng hướng. Nếu bạn không thể đạt đến những điều này, hãy tham gia một lớp học để nhận được những hướng dẫn về thiền đúng cách. Đôi khi việc có ai đó hướng dẫn bạn, giúp bạn biết khi nào bạn đang tiến bộ sẽ rất hữu ích."
Benson khuyên nếu thiền dường như không hiệu quả, hãy chuyển sang một phương pháp thư giãn khác. "Bất kỳ thực hành nào sẽ có thể gợi lên phản ứng thư giãn đều có lợi, có thể là thiền, yoga, hít thở, cầu nguyện hay những bài tập khác. Không có lý do gì để tin rằng cái này sẽ tốt hơn cái kia. Điều quan trọng là biến chúng thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống của mình".
Được biết đến là một trong những phương pháp xuất hiện từ rất lâu đời, thiền hiện đang trở thành một kỹ thuật phổ biến nhằm giảm căng thẳng, mệt mỏi cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Không chỉ giải tỏa căng thẳng, thiền còn có những tác động nhất định đến việc cân bằng các hệ thống của cơ thể như não bộ, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ thống miễn dịch... và nhiều hệ thống khác trong cơ thể. Thiền định – kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thể thao lành mạnh đã và đang là chìa khóa mang lại cho mọi người cuộc sống vui khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com