Theo dõi và điều trị biến chứng sau mổ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Sau mỗi cuộc phẫu thuật mổ tim đều có nguy cơ gặp phải các biến chứng. Những biến chứng này đặc hiệu cho những thủ thuật được thực hiện trong quá trình phẫu thuật. Việc theo dõi và điều trị biến chứng sau mổ tim là rất cần thiết và quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục sức khỏe của bệnh nhân sau mổ tim.

1. Nguy cơ mắc biến chứng sau mổ tim

Dựa vào tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh và thủ thuật đã thực hiện, nguy cơ biến chứng từ phẫu thuật tim sẽ được quyết định bởi bác sĩ phẫu thuật.

Nguy cơ mắc biến chứng sẽ tăng lên đối với những bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên, bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật tim, những bệnh nhân có các bệnh mãn tính như động mạch vành, tiểu đường, cường giáp hay tăng huyết áp.

Sau đây là một số biến chứng sau mổ tim thường gặp:

● Giảm thân nhiệt cơ thể;

● Tăng huyết áp thường gặp đối với bệnh nhân sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành;

● Tai biến về suy hô hấp, suy gan, suy thận, thần kinh;

● Huyết áp giảm gây rối loạn nhịp tim, mất chức năng thất và có thể gây tử vong;

● Chèn ép tim gây nên sự hạn chế làm đầy tâm trương của hai tâm thất;

● Rối loạn nhịp tim ảnh hưởng đến cung lượng tim và huyết áp;

● Mất chức năng hô hấp: khoảng 8% bệnh nhân tim mạch mắc phải biến chứng này sau mổ;

Suy thận cấp: thường thì phần lớn bệnh nhân tim mạch sẽ gặp tình trạng giảm nhẹ lưu lượng tưới máu thận ở giai đoạn trong mổ và sau mổ;

● Chảy máu: đây là vấn đề thường gặp sau mổ tim, có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật cầm máu lại hoặc điều trị nội khoa bảo tồn;

● Nhiệt độ cơ thể thay đổi thất thường;

● Tình trạng rối loạn thần kinh, tâm thần: tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn thần kinh chiếm 0,5-2% trong phẫu thuật bắc cầu mạch vành và tỷ lệ này cao hơn đối với những người bệnh trải qua phẫu thuật tim hở;

● Chảy máu dạ dày, ruột: biến chứng này chiếm 1% các bệnh nhân phẫu thuật tim;

● Tăng đường huyết: đây là biến chứng về nội tiết cần thiết phải can thiệp sau mổ. Biến chứng này có thể xảy ra dù người bệnh có bị đái tháo đường trước mổ hay không;

● Xuất huyết não do ảnh hưởng của việc dùng thuốc chống đông sau phẫu thuật.

Ngoài ra giữa các loại phẫu thuật tim thì các nguy cơ mắc biến chứng cũng sẽ có sự khác nhau.

2. Điều trị biến chứng sau mổ tim


Xuất huyết não là biến chứng sau mổ tim
Xuất huyết não là biến chứng sau mổ tim

Việc điều trị biến chứng sau mổ tim cho người bệnh vô cùng quan trọng. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể sẽ khiến người bệnh có nguy cơ tử vong cao sau phẫu thuật đồng thời mất rất nhiều thời gian để hồi phục sức khỏe.

Xuất huyết não do tác động của thuốc chống đông: bệnh nhân sẽ được điều chỉnh đông máu và thực hiện phẫu thuật để lấy máu tụ trong não. Biến chứng này không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong của người bệnh rất cao. Cần thường xuyên thử máu để điều chỉnh lượng thuốc chống đông. Tùy vào số lượng van tim được thay mà bác sĩ sẽ kê thuốc chống đông để duy trì INR thích hợp từ 2,5-3,5;

● Rất nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển đến phòng hồi sức với tình trạng hạ thân nhiệt, đây là kết quả của quá trình hạ thân nhiệt trong phẫu thuật. Bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật để làm ấm người bệnh tối đa trong khoảng 4-6h sau phẫu thuật. Khi cơ thể được làm ấm, bệnh nhân sẽ tỉnh dần, hỗ trợ cho sự hồi phục cơ tim cho đến khi nó có khả năng hoạt động độc lập cho nhu cầu chuyển hóa;

Điều trị giảm cung lượng tim:

○ Mất chức năng van tim (hẹp/ hở tồn lưu): bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật lại;

○ Hẹp đoạn ghép mạch vành: bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật lại;

○ Tình trạng chảy máu: bác sĩ chỉ định phẫu thuật lại;

○ Mạch vành co thắt: dùng thuốc dãn mạch vành;

○ Thiếu thể tích trong lòng mạch: sau mổ, khi thất giãn nở kém nhất, tình trạng này thường xảy ra, cần giữ huyết áp trung bình từ 70-80mmHg, đảm bảo thể tích ở mức bình thường và có thể bồi hoàn dịch, hoặc truyền máu tự thân. Bên cạnh đó, để đảm bảo thể tích tuần hoàn tối ưu sau mổ tim hở, bác sĩ sẽ thực hiện tối ưu hóa tần số tim và nhịp tim.


Biến chứng liên quan tới dạ dày
Biến chứng liên quan tới dạ dày

Tụt huyết áp: biến chứng này không được điều trị sẽ gây ra giảm tưới máu mạch vành hoặc thậm chí bệnh nhân có thể tử vong. Để điều trị ngay lập tức, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc vận mạch và bù thể tích. Đối với những trường hợp bị suy tim trái nặng, sử dụng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp. Nếu không tìm được phương pháp nào hiệu quả thì sẽ phải đặt IABP (bóng đối xung nội động mạch chủ qua da);

Tăng huyết áp: Phương án điều trị thường được lựa chọn khi huyết áp tâm thu >150 mmHg với các thuốc dãn mạch để giảm huyết áp;

Điều trị rối loạn nhịp tim:

○ Ngoại tâm thu thất: Thực hiện kích thích nhĩ để loại bỏ các ổ tự động;

○ Nhịp nhanh thất: đối với bệnh nhân có huyết áp ổn, sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim. Với bệnh nhân huyết áp thấp phải thực hiện sốc điện chuyển nhịp ngay lập tức, rồi dùng thuốc chống loạn nhịp tim.

Điều chỉnh rối loạn nhịp trên thất:

○ Tình trạng co bóp nhĩ đến sớm: kích thích nhĩ với tần số nhanh hơn;

○ Cuồng nhĩ: Nếu biến chứng này gây ảnh hưởng đến huyết động (suy tim, nhồi máu cơ tim) sẽ phải shock điện chuyển nhịp rồi duy trì bằng thuốc trợ nhịp tim hoặc can thiệp tim mạch cắt đốt các đường dẫn truyền phụ. Nếu biến chứng này không gây ảnh hưởng đến huyết áp và không gây tình trạng thiếu máu cơ tim, cần kích thích vượt tần số trong trường hợp tần số tim >120 nhịp/phút hoặc điều trị thuốc kiểm soát nhịp tim

○ Rung nhĩ: Thực hiện shock điện chuyển nhịp rồi duy trì với thuốc chống loạn nhịp tim nếu huyết áp giảm hoặc xảy ra tình trạng thiếu máu cơ tim. Nếu huyết áp ổn, và không thiếu máu cơ tim, tần số tim trên 120 nhịp/phút thì chỉ cần sử dụng thuốc chống loạn nhịp tim

Điều trị biến chứng dạ dày, ruột: pH dạ dày cần phải duy trì ở ngưỡng 4.0 để dự phòng loét và chảy máu tiêu hóa cao. Có thể sử dụng kháng Histamine H2 và kháng acid. Để dự phòng, có thể sử dụng Sucralfate vì nó không có tác dụng giảm độ acid. Các biến chứng chảy máu tiêu hóa có thể giảm nếu đường ruột được nuôi dưỡng sớm;

Điều trị biến chứng về nội tiết: Phần lớn bệnh nhân sẽ được kiểm soát đường huyết bởi truyền tĩnh mạch liên tục insulin nếu đường huyết cao trong giai đoạn hậu phẫu sớm.

Sau mổ tim, nếu bạn thấy bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, cần phải báo ngay lập tức cho bác sĩ để có thể xác định được nguyên nhân và hướng điều trị chính xác nhằm giảm các nguy cơ biến chứng tiến triển.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín đối với những bệnh nhân phẫu thuật tim. Vinmec luôn thực hiện quy trình theo dõi và điều trị trước, trong và sau phẫu thuật tim rất chặt chẽ và mang tính chuyên nghiệp cao, đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh.

Quy trình điều trị bệnh nhân sau mổ tim tại Vinmec được tiến hành bài bản theo 6 giai đoạn gồm:

● Điều trị bệnh nhân trước mổ, chăm sóc và điều trị sau mổ ngày 0;

● Hậu phẫu ngày thứ 1-2;

● Hậu phẫu ngày thứ 2-3;

● Hậu phẫu ngày thứ 3-5;

● Hậu phẫu ngày thứ 5-6;

● Hậu phẫu ngày thứ 6-7.

Tất cả các bước thực hiện này đều phải theo đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Trong trường hợp lâm sàng bệnh nhân không đáp ứng theo kỳ vọng của bác sĩ thì thực hiện tuần tự quy trình theo từng bước cho đến khi bệnh nhân có thể an toàn để ra viện. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi thực hiện phẫu thuật tim tại Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe