Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn hay ngộ độc thực phẩm không phải là tình trạng hiếm gặp. Các triệu chứng của tình trạng này thường xuất hiện cấp tính, khá nghiêm trọng và có thể gây đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vậy thế nào là nhiễm trùng và nhiễm độc thực phẩm?
1. Thế nào là nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm?
Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn hay nước uống là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu là các loại vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn, lây nhiễm vào thức ăn trong quá trình con người cầm nắm, lưu trữ, chế biến hay bảo quản. Tình trạng ngộ độc thực phẩm thường khởi phát đột ngột sau khi người bệnh ăn phải thức ăn đã bị nhiễm trùng nhiễm độc. Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn là một bất thường sức khỏe nguy hiểm và nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Một số nguyên nhân thường gặp gây nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn:
- Vi khuẩn Salmonella với các triệu chứng như đau đầu, choáng váng, sốt, buồn nôn và tiêu chảy;
- Độc tố của tụ cầu Staphylococcus phổ biến trong sữa hay thịt gia cầm chưa nấu chín với biểu hiện ngộ độc như chóng mặt, đau đầu, mạch đập nhanh, buồn nôn, tiêu chảy;
- Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum có trong cá ươn, thức ăn ôi thiu có thể phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, từ đó gây tử vong;
- Độc tố vi nấm Aflatoxin trên các loại hạt như lạc, đậu nành, hướng dương, điều, ngô hay bột từ những hạt bị nhiễm nấm mốc;
- Các loại virus viêm gan A trong các loại thực phẩm như rau sống, các loại sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn;
- Sán lá gan nhỏ xuất hiện trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín;
- Các kim loại nặng lẫn trong thực phẩm như asen, chì, thủy ngân, selenium;
- Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật;
- Một số chất phụ gia hay chất bảo quản không được phép sử dụng, hết hạn dùng hoặc dùng quá liều lượng...
Một số yếu tố dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn:
- Thời tiết chuyển mùa;
- Thiếu nước sạch;
- Điều kiện vệ sinh không đảm bảo;
- Ô nhiễm môi trường;
- Phong tục tập quán;
- Tâm lý chủ quan của người bệnh.
2. Triệu chứng của nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn
Sau bữa ăn khoảng 6 - 12 giờ, các biểu hiện bất thường bắt đầu xuất hiện một cách đột ngột, bao gồm:
- Sốt cao, rét run, toàn thân đau mỏi;
- Đau quặn bụng, đầy bụng;
- Tiêu phân lỏng, nhiều nước kèm thức ăn chưa tiêu hóa, số lượng 3 - 10 lần hoặc nhiều hơn;
- Nôn ói sau 1 - 2 lần tiêu lỏng với biểu hiện nôn thốc, nôn tháo phần thức ăn chưa xuống ruột, vị chua và kèm theo nhiều nước. Mỗi ngày có thể nôn 2 - 3 lần hoặc nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.
Các trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn mức độ nặng có thể kèm theo biểu hiện mất nước nhiều như huyết áp thấp, mạch nhanh hoặc nặng hơn là truỵ tim mạch.
Những tình huống người bệnh có thể nghĩ đến ngộ độc thực phẩm:
- Xuất hiện các biểu hiện bất thường sau khi ăn hay uống thứ gì đó;
- Những người ăn chung biểu hiện triệu chứng giống nhau, còn những người không ăn chung thì không có biểu hiện gì;
- Có các biểu hiện đặc trưng của nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn như đau bụng dữ dội, nôn ói, tiêu lỏng;
- Thực phẩm vừa tiêu thụ có mùi vị lạ, ôi thiu hoặc đôi khi có giun sán.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm tùy theo nguyên nhân như sau:
- Ngộ độc do vi sinh vật: Các loại vi sinh vật hay độc tố của chúng có thể dẫn đến các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, biểu hiện mất nước (khát nước, môi khô), biểu hiện nhiễm trùng (như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi);
- Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do hóa chất có triệu chứng khá phức tạp, không chỉ khu trú ở hệ tiêu hóa mà kèm theo bất thường các cơ quan khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch...;
- Ngộ độc do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên như sắn, măng, cá nóc, cóc... không được chế biến đúng cách khi đưa vào có thể có thể gây nên các triệu chứng bất thường.
3. Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn
Một số biến chứng nguy hiểm của tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn bao gồm:
- Rối loạn thần kinh như đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê liệt cơ, co giật;
- Rối loạn tim mạch như hạ huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở, đau ngực;
- Rối loạn chức năng tiêu hóa như đi tiêu có máu hoặc chất nhầy, đau bụng dữ dội kèm theo đau cổ, đau họng, đau ngực;
- Suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng, đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, người già, bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh lý như bệnh dạ dày tá tràng, suy gan, rối loạn sắc tố...
4. Hướng dẫn sơ cứu, xử trí nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn
Theo các chuyên gia, khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có biểu hiện của nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và áp dụng các bước sơ cứu ngay lập tức để hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các biện pháp sơ cứu ban đầu bao gồm:
4.1. Gây nôn
Những trường hợp xuất hiện triệu chứng nôn ói ngay sau ăn thực phẩm nhiễm độc hoặc còn tỉnh táo, chưa có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần lập tức dùng mọi biện pháp kích thích để nôn tất cả thức ăn còn trong dạ dày ra ngoài để hạn chế độc tố hấp thu vào máu.
Các biện pháp gây nôn đơn giản có thể áp dụng như:
- Dùng ngón trỏ đã được rửa sạch ép vào góc lưỡi người bệnh;
- Pha muối vào trong nước ấm và cho người bệnh uống để kích thích nôn càng nhiều càng tốt;
Trong quá trình gây nôn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Khi kích thích gây nôn cần chú ý tư thế người bệnh: Cần nằm nghiêng, đầu kê lên cao để chất nôn không trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ hít sặc hay ngạt thở có thể gây tử vong;
- Đối với trẻ em, khi kích thích gây nôn cần khéo léo để hạn chế trầy xước cổ họng;
- Giữ lại những mẫu thực phẩm nghi ngờ gây nhiễm trùng nhiễm ngộ, thậm chí là mẫu thức ăn người bệnh vừa nôn để hỗ trợ xác định chính xác nguyên nhân.
4.2. Bù nước và điện giải
Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn thường khiến người bệnh nôn ói và tiêu lỏng dữ dội, nguy cơ mất nước sẽ rất cao. Vì vậy, một trong những biện pháp xử trí là cần bổ sung nhiều nước và nghỉ ngơi. Việc bù nước này có thể bằng nước sạch hoặc dung dịch oresol được pha theo đúng chỉ dẫn.
Các trường hợp phải sử dụng dung dịch oresol cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, uống đúng liều lượng chỉ định, không pha với quá ít hoặc quá nhiều nước, không uống dung dịch đã pha quá 24 tiếng hay không đun sôi dung dịch... Nếu tình huống có nhiều người nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn cùng lúc thì việc bổ sung dung dịch oresol cần tách ra riêng biệt, không uống chung vì có thể khiến người bị ngộ độc nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn.
4.3. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế
Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng bất thường và nghiêm trọng như co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp thì tuyệt đối không cố gắng gây nôn vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Kể cả khi đã thực hiện các bước sơ cứu nêu trên thì người bệnh vẫn có nguy cơ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó, việc đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng.
4.4. Những điều trị tại cơ sở y tế
Các trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn khi được đưa vào bệnh viện có thể sử dụng các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng tiết ruột non: Có tác dụng ức chế men encephalinase (phụ trách thoái hóa enkephalin nội sinh ở não và ruột) làm giảm tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm các loại dịch tiết cơ bản khác. Loại thuốc này hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa, đạt đỉnh sau uống 1 giờ và thời gian tác dụng kéo dài khoảng 8 giờ. Mặt khác, thuốc kháng tiết ruột non có thể gây buồn ngủ nên thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Các chất hấp phụ: Bản chất là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacrylic có tác dụng khả năng hút nước mạnh và làm tăng độ đặc của phân. Các chất này không được hấp thu vào máu mà đào thải theo phân và mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ. Do đó không dùng chung các chất này với thuốc giảm nhu động ruột và cần dùng cách xa thời điểm dùng các thuốc khác khoảng 2 tiếng. Một số thuốc hay dùng của nhóm này như gelopectose (gồm có pectin, cellulose, silica, dextrin - maltose, natri clorid), sacolen (thành phần có lactoprotein methyl elic)...
Những thuốc không được dùng cho người bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn:
- Thuốc làm giảm nhu động ruột: Việc sử dụng các thuốc giảm nhu động ruột như loperamid, diphenoxylate có thể là một sai lầm. Tác dụng giảm co bóp khiến nước và các chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó dẫn đến tăng hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột và tăng độ đặc của phân. Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm sử dụng nhóm thuốc này chỉ làm chậm đi quá trình đào thải chất độc ra ngoài và từ đó khiến bệnh càng nặng nề hơn;
- Kháng sinh: Các trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn mức độ nhẹ và trung bình không có chỉ định dùng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh chỉ nên cân nhắc ở người bệnh mức độ nặng hoặc kèm theo suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh mạn tính kèm theo. Cần lưu ý là bác sĩ là người quyết định nên sử dụng loại kháng sinh nào, thời gian dùng bao lâu. Vì vậy người bệnh không nên tự ý sử dụng vì nguy cơ khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn hay nước uống là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa. Các triệu chứng của tình trạng này thường xuất hiện cấp tính, khá nghiêm trọng và có thể gây đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì thế, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn thì người thân cần đưa người bệnh đến trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.