Té ngã ở người có tuổi

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Té ngã là những sự cố có hậu quả to lớn, khó lường trước đối với sức khỏe của người có tuổi. Tỷ lệ tử vong do tai nạn ở những người có tuổi ≥ 65 là 82,5/100.000 người. trong những tử vong do tai nạn này, tử vong do té ngã chiếm vị trí thứ 2 sau tai nạn giao thông.

1. Té ngã ở người cao tuổi: Tai nạn khó lường

Té ngã không những là nguyên nhân tử vong mà còn là yếu tố làm giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế khả năng đi lại, tiếp xúc, ảnh hưởng bất lợi đến lối sống hàng ngày.

Té ngã là những tai nạn rất thường xảy ra: hàng năm, tai nạn này chiếm 25% những người 70 tuổi, 35% người ≥ 75 tuổi sống trong gia đình, 50% những người này ngã > 1 lần trong năm. Phái nữ té ngã nhiều hơn nam giới có thể là do lực cơ yếu (nam: 12%, nữ: 16,2%).

Hậu quả của té ngã có thể làm tổn thương nhẹ (nam: 48,5%; nữ: 51,5%), nhưng cũng có thể là tổn thương nặng (gãy xương, chấn thương, mất tri thức ...), số trường hợp té ngã không tổn thương nam: 30,3%, nữ: 32,6%.


Té ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người cao tuổi
Té ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người cao tuổi

2. Những nguyên nhân, yếu tố nguy cơ thường dẫn đến té ngã

2.1 Yếu tố nội tại

  • Những yếu tố nguy cơ mạn tính: Tất cả những bệnh làm tổn thương đến cấu trúc và hoạt động của hệ thần kinh cơ xương khớp là những tiền tố có thể dẫn đến té ngã: bệnh Parkinson, liệt, yếu nửa người, đau yếu ở các khớp chân.
  • Các bệnh ảnh hưởng đến giác quan và hoạt động thụ cảm (thị giác, thính giác, chức năng cân bằng, cảm thụ bản thân... cũng là tiền đề dẫn đến sự đi đứng không vững gây té ngã.
  • Những yếu tố nguy cơ tác động thời gian ngắn: Như các bệnh cấp tính, những trạng thái mất bù, tuy tác động trong thời gian ngắn, nhưng lại rất nguy hiểm, không đoán định trước được, xảy ra bất ngờ, người bệnh cũng như người xung quanh không biết trước chẳng hạn như: hạ huyết áp tư thế; cơn mạch chậm kiểu Stokes – Adams; dùng những thuốc ảnh hưởng đến trạng thái tri thức, thăng bằng, trương lực cơ, những thuốc làm mất nước, mất điện giải, dẫn đến tụt huyết áp.

2.2 Yếu tố ngoại lai

  • Nền, mặt bằng hoạt động của người có tuổi không thích hợp, gồ ghề, có những gờ bất thường, không dự đoán được, có những chỗ trơn trượt, có những nấc thang quá cao.
  • Ánh sáng không đủ để nhìn rõ.

Sự kết hợp các yếu tố: Có những người có tuổi không biết sức mình, nhược điểm trong sức khỏe mình, có những hoạt động phiêu lưu.

  • Trèo cây cao, một mình leo lên ghế cao để với lấy những đồ đạc để trên cao.
  • Đi nhanh trên thang gác: đi xuống nguy hiểm hơn đi lên. Khoảng 10% các trường hợp té ngã xảy ra lúc lên xuống thang gác.
  • Chơi thể thao theo phong trào, không có sự kiểm tra, đánh giá sức khỏe, không theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm.

Nhiều trường hợp bị té ngã xảy ra lúc lên xuống cầu thang
Nhiều trường hợp bị té ngã xảy ra lúc lên xuống cầu thang

3. Những tổn thương do té ngã

  • Quá trình tích tuổi đem lại cho cơ thể nhiều biến đổi sâu sắc, trong các biến đổi đó có liên quan đến tổn thương do té ngã gây ra là thưa xương (loãng xương). Thưa xương có thể bắt đầu ở tuổi 55, hoặc muộn hơn sau 70 tuổi. Vận động thể lực càng ít, càng thiếu thì thưa xương xuất hiện càng sớm, phát triển càng nhanh. Do thưa xương, sức chịu đựng của xương đối với các chấn thương kém, nên dễ gãy xương.
  • Trong các loại gãy xương, ở người có tuổi cần chú ý đến những thể gãy xương gây bất động trên giường lâu ngày như gãy xương chậu, gãy cổ xương đùi, tỷ lệ tử vong cao có nhiều biến chứng do không vận động: viêm phổi, thuyên tắc mạch, loét do tì đè...
  • Có những trường hợp té ngã gây ngưng tim, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, đa chấn thương vỡ tạng...

4. Dự phòng té ngã ở những người có tuổi

  • Té ngã khi xảy ra đặt cho người thầy thuốc hai loại câu hỏi: tai nạn xảy ra là do ngoại cảnh, môi trường sống không thích hợp hay đã có một bệnh nội tại làm cho cơ thể mất thăng bằng phải ngã.
  • Trong cả hai trường hợp, cần đánh giá đầy đủ những tổn thương do té ngã gây ra, và xử trí kịp thời những bệnh nội khoa đã làm tiền đề cho té ngã và khả năng tái diễn những tình huống này.

Xác định nguyên nhân và tổn thương do té ngã để có phương án điều trị phù hợp
Xác định nguyên nhân và tổn thương do té ngã để có phương án điều trị phù hợp

  • Trên cơ sở đó, đề ra những biện pháp ngăn ngừa té ngã: giải thích, giáo dục, hướng dẫn cho người có tuổi hiểu đúng về đặc điểm sức khỏe của mình. Nhưng lưu ý đến nội dung và cách giải thích để làm sao người có tuổi cũng như gia đình không quá lo lắng đến nỗi sợ vận động, sợ tập luyện, dẫn đến trạng thái thiếu vận động, một yếu tố nguy cơ về rối loạn chuyển hóa, thừa cân, thưa xương... Nhắc nhở người có tuổi về những động tác cần tránh như leo trèo, trên những vật dễ đổ ngã như ghế, thang, cây cao,... như chạy nhảy trên những chỗ không bằng phẳng, những chỗ gồ ghề, trơn trợt; động viên, khuyến khích người có tuổi luyện tập theo sức mình, theo tuổi của mình, trong điều kiện môi trường quen thuộc, ổn định. Giúp ý kiến sắp xếp lại bàn ghế trong nội thất để cho việc đi lại sinh hoạt thoải mái, thuận tiện, giảm bớt những chướng ngại có thể làm va vấp, té ngã.
  • Người có tuổi cũng như gia đình không nên nghĩ rằng té ngã là một vấn đề may rủi. Té ngã là hiện tượng có tính quy luật, nhưng không phải là định mệnh. Tuổi càng cao, cơ thể càng yếu, môi trường sống không tiện lợi thì khả năng té ngã càng nhiều. Nhưng nếu có ý thức tập luyện từ lúc còn trẻ, đề phòng các địa hình bất lợi, tránh các động tác nguy hiểm, thì có thể tránh được té ngã. Chủ động nhất, người có tuổi được hướng dẫn về các vấn đề vừa nêu trên, gia đình người có tuổi cũng am hiểu và có ý thức về việc bảo vệ thân nhân của mình, thì các tình huống té ngã sẽ không xảy ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe