Hỏi
Chào bác sĩ,
Em bị tai nạn vỡ đốt sống L1, đã phẫu hơn 3 tháng. Hiện tại, tình trạng đang bị tê bì vùng mông, với bàn chân đi lại khó khăn, cơ bắp chân rất yếu, không tự nhón gót được. Vậy bác sĩ cho em hỏi tê bì mông, cơ bắp yếu sau vỡ đốt sống L1 điều trị thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Duy - Bác sĩ Ngoại thần kinh - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Tê bì mông, cơ bắp yếu sau vỡ đốt sống L1 điều trị thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Cột sống bao gồm đốt sống, đĩa đệm và cấu trúc thần kinh phía sau (hay còn gọi là tủy sống). Khi xảy ra tình trạng chấn thương cột sống, tùy theo mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà bệnh nhân có thể bị tổn thương thần kinh tương ứng. Mô tả của bạn phù hợp với triệu chứng tổn thương thần kinh. Tuy nhiên, bác sĩ cần thêm một số thông tin khác để có thể chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị thích hợp, ví dụ: Bạn có tê chân, yếu chân, bí tiểu ngay sau chấn thương không? Sau khi phẫu thuật, các triệu chứng trên thay đổi như thế nào theo thời gian? Hình ảnh CT hoặc MRI cột sống lưng trước mổ như thế nào,...
Thông thường, khi bị chấn thương cột sống, sẽ có 2 vấn đề cần quan tâm.
1: Mức độ gãy xương, khả năng chịu lực của cột sống với các tư thế ngồi, đứng, đi và mức độ đau ở các tư thế đó.
2: Tình trạng thần kinh sau khi chấn thương, bao gồm các rối loạn cảm giác ở thân dưới, chân, sức cơ chân, tình trạng tiêu tiểu,...
Nếu ảnh hưởng 1 trong 2 vấn đề trên, bệnh nhân có thể giảm hoặc mất khả năng vận động. Riêng đối với bệnh nhân phẫu thuật cột sống sau chấn thương, các biến chứng có thể gặp như: Nhiễm trùng, gãy dụng cụ cố định cột sống, đau lưng, ...
Với các triệu chứng trên của bạn, bác sĩ nghĩ rằng tốt nhất bạn nên đến khám sớm nhất có thể, để bác sĩ có thể khám và đánh giá đầy đủ về tình trạng của bạn, cũng như cần thiết làm một số xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh và có hướng giải quyết phù hợp. Trong trường hợp thương tổn thần kinh do chấn thương ( xuất hiện ngay sau chấn thương ), bác sĩ có thể bổ sung một số loại thuốc kiểm soát triệu chứng đồng thời phối hợp với các chuyên khoa khác như vật lý trị liệu để tập luyện giúp cải thiện chức năng thần kinh.
Đối với bệnh nhân chấn thương cột sống cần có kế hoạch điều trị đúng đắn và kịp thời, để giúp bệnh nhân sớm hồi phục và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Nếu bạn còn thắc mắc về tê bì mông, cơ bắp yêu sau vỡ đốt sống L1 điều trị thế nào, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.