Osteosarcoma là thuật ngữ để chỉ một loại ung thư xương. Nó xảy ra khi các tế bào tiền thân phát triển xương phân chia mất kiểm soát và tạo thành khối u. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ung thư xương, nhưng đây là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là các bé trai ở tuổi vị thành niên. Điều trị ung thư xương là liệu pháp đa mô thức, kết hợp giữa hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.
1. Osteosarcoma là gì?
Sarcoma đề cập đến bất kỳ bệnh ung thư nào của cơ, xương hoặc các mô liên kết như gân hoặc sụn. Có nhiều dạng phụ khác nhau của sarcoma. Chúng được phân loại dựa trên vị trí xuất hiện trong cơ thể và hình thể dưới kính hiển vi. Sarcoma có thể bắt đầu ở hầu hết mọi bộ phận của cơ thể. Vậy Osteosarcoma xương là gì?
Osteosarcoma xuất phát từ 2 từ osteo, nghĩa là “của xương” và sarcoma, một loại ung thư nói chung như đã mô tả ở trên. Các vị trí phổ biến nhất của u xương là ở xương dài của chân và tay. Các tế bào bình thường được gọi là tế bào tiền thân sẽ biến thành mô sợi, sụn hoặc xương phát triển đầy đủ theo thời gian. Nhưng nếu các tế bào này bắt đầu nhân lên và phân chia bất thường, chúng có thể gây ra các khối u. Ung thư xương hình thành nếu các tế bào xương bình thường bắt đầu phân chia bất thường và hình thành khối u.
2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư xương?
Ung thư xương ác tính là một loại ung thư hiếm gặp. Có khoảng 750-900 trường hợp mới được chẩn đoán mỗi năm ở Hoa Kỳ. Đây là loại u phổ biến nhất phát sinh từ xương ở trẻ em và thanh thiếu niên, chiếm khoảng 60% các khối u xương ở nhóm tuổi này. Căn bệnh này xảy ra thường xuyên nhất ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên và ở những người từ 65 tuổi trở lên. Giới tính, chủng tộc hoặc địa lý không phải là yếu tố nguy cơ của ung thư xương. Nếu bạn đã từng hóa trị hoặc xạ trị cho một bệnh ung thư khác trước đây, bạn có thể có nguy cơ cao bị ung thư xương ác tính. Osteosarcoma xương là bệnh ung thư thứ phát thường gặp nhất (có nghĩa là do điều trị trước đó gây ra) xảy ra trong vòng 20 năm đầu tiên sau khi xạ trị ung thư cơ quan rắn. Một số tình trạng di truyền bao gồm u nguyên bào võng mạc di truyền, hội chứng Li-Fraumeni và hội chứng Rothmund-Thomson có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xương. Mắc một bệnh lành tính của xương như bệnh Paget cũng là một yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân lớn tuổi phát triển u xương.
3. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh ung thư xương?
Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương đều có triệu chứng đau xương. Quá trình chẩn đoán bệnh ung thư xương thường bao gồm hỏi thăm tiền sử và khám sức khỏe, xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau. Bạn có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện chẩn đoán hình ảnh, thường là chụp X-quang, chụp MRI. Chụp CT ngực hoặc PET/CT toàn bộ cơ thể được sử dụng để xem khối u đã lan ra ngoài vị trí nguyên phát sang các vùng khác của cơ thể hay chưa. Sinh thiết là cần thiết để chẩn đoán ung thư xương. Thông thường, sinh thiết kim có hướng dẫn bằng hình ảnh có thể được sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bác sĩ phẫu thuật có thể phải làm sinh thiết cắt một phần khối u. Sinh thiết sẽ giúp xác nhận chẩn đoán ung thư xương và cung cấp thông tin về cấp độ của khối u.
4. Diễn tiến của bệnh ung thư xương ác tính
Hầu hết các loại khối u được phân loại bằng cách sử dụng một hệ thống phân loại do các chuyên gia phát triển. Điều này khó thực hiện đối với u xương do có nhiều loại khác nhau và vị trí khác nhau. Hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất đã được phát triển bởi Ủy ban về ung thư xương khớp Hoa Kỳ (AJCC). Hệ thống kết hợp kích thước khối u, cấp độ mô học (sự khác biệt của các tế bào dưới kính hiển vi khi so với các tế bào bình thường) và sự di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các vị trí khác trên cơ thể để xác định giai đoạn. Giai đoạn T đại diện cho phạm vi của chính khối u nguyên phát. Giai đoạn N thể hiện mức độ tham gia của các hạch bạch huyết. Giai đoạn M đại diện cho việc có hay không sự lây lan của ung thư đến các bộ phận xa của cơ thể. Phân loại u xương cũng bao gồm cấp độ mô học, “G”, mô tả các tế bào trông như thế nào dưới kính hiển vi. “G” được xác định bởi ba yếu tố khác nhau, sự khác biệt của tế bào, số lượng phân bào và sự hoại tử của khối u. Xếp hạng T, N, M và G được kết hợp để chỉ định một giai đoạn, từ I (nhẹ nhất) đến IV (osteosarcoma xương giai đoạn cuối).
Hệ thống phân loại này rất phức tạp. Mặc dù phức tạp, hệ thống phân chia giai đoạn giúp các bác sĩ xác định mức độ lan rộng của bệnh ung thư và từ đó đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân. Giai đoạn ung thư hoặc mức độ bệnh dựa trên thông tin thu thập được thông qua các xét nghiệm khác nhau được thực hiện khi tiến hành chẩn đoán ung thư.
5. Bệnh ung thư xương điều trị như thế nào?
Bệnh nhân nên điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa ung bướu. Điều trị ung thư xương đòi hỏi liệu pháp đa phương thức phức tạp (phẫu thuật, xạ trị và hóa trị). Điều trị cụ thể phụ thuộc vào kích thước, vị trí của khối u, mức độ của khối u và liệu nó có di căn hay không.
5.1 Phẫu thuật
Trước đây, bệnh nhân bị ung thư xương được điều trị bằng phẫu thuật đơn thuần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân chỉ điều trị bằng phẫu thuật có khả năng cao tái phát ở các vùng khác trên cơ thể. Thông thường, các khối u được phẫu thuật cắt bỏ bởi một bác sĩ phẫu thuật ung thư hoặc bác sĩ chỉnh hình. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ tất cả các tế bào ung thư. Tuy nhiên, việc lập phẫu thuật cũng phải cân nhắc xem nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng đi lại hàng ngày của bạn. Mức độ phẫu thuật u xương sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như vị trí và kích thước khối u. Một số liệu pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị ung thư xương bao gồm:
- Phẫu thuật chỉ loại bỏ khối u và bảo tồn chi: Hầu hết các ca phẫu thuật u xương có thể được thực hiện theo cách loại bỏ tất cả các khối ung thư và bảo tồn các chi để có thể duy trì chức năng. Nếu một phần xương bị cắt bỏ, bác sĩ phẫu thuật sẽ tái tạo lại xương. Phương pháp tái tạo tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, nhưng các lựa chọn bao gồm bộ phận giả bằng kim loại hoặc ghép xương.
- Phẫu thuật cắt bỏ chi bị ảnh hưởng (cắt cụt chi): Với những tiến bộ trong phẫu thuật bảo tồn chi, nhu cầu cắt cụt chi gồm loại bỏ một chi hoặc một phần của chi đã giảm đi nhiều trong những năm qua. Nếu cần thiết phải cắt cụt chi, những tiến bộ trong khớp giả có thể cải thiện đáng kể chức năng vận động của bệnh nhân.
- Phẫu thuật cắt bỏ phần dưới của chân: Kiểu phẫu thuật này đôi khi được sử dụng cho trẻ em vẫn đang lớn. Trong loại phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u và khu vực xung quanh, bao gồm cả khớp gối. Bàn chân và mắt cá chân sau đó được xoay và mắt cá chân có chức năng như một đầu gối. Bác sĩ sẽ sử dụng chân giả cho cẳng chân và bàn chân. Kết quả thường giúp bệnh nhân hoạt động rất tốt trong các hoạt động thể dục, thể thao và sinh hoạt hàng ngày.
5.2 Hóa trị liệu
Để giúp giảm nguy cơ tái phát, hóa trị và xạ trị cũng được sử dụng trong điều trị ung thư xương. Bệnh nhân thường được điều trị bằng sự kết hợp chuyên sâu của nhiều tác nhân hóa trị liệu. Một chế độ hóa trị liệu phổ biến là methotrexate, doxorubicin và cisplatin hoặc hóa trị liệu “MAP”. Các loại thuốc hóa trị khác có thể được sử dụng trong điều trị u xương bao gồm ifosfamide, gemcitabine, cyclophosphamide, etoposide và carboplatin. Các liệu pháp nhắm mục tiêu bao gồm regorafenib, sorafenib và everolimus cũng có thể được sử dụng trong điều trị ung thư xương tái phát hoặc di căn.
Liệu pháp hóa trị thường kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc khác nhau và có thể được sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch (IV), dạng thuốc viên hoặc thông qua cả hai phương pháp. Đối với bệnh u xương, hóa trị thường được khuyến cáo trước khi phẫu thuật. Các bác sĩ theo dõi cách tế bào ung thư phản ứng với hóa trị liệu để lập kế hoạch điều trị tiếp theo. Nếu u xương co lại do đáp ứng với hóa trị, nó có thể giúp cho phẫu thuật dễ dàng hơn. Nếu u xương không đáp ứng với liệu pháp hóa trị, điều đó có thể cho thấy khối u đang rất phát triển. Các bác sĩ có thể đề nghị kết hợp các loại thuốc hóa trị khác nhau hoặc một cuộc phẫu thuật tích cực hơn để đảm bảo có thể loại bỏ tất cả khối u. Hóa trị cũng có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại.
5.3 Xạ trị
Xạ trị là liệu pháp sử dụng chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ có thể là một lựa chọn trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi không thể phẫu thuật hoặc nếu bác sĩ phẫu thuật không thể loại bỏ tất cả ung thư trong khi phẫu thuật. Trong quá trình xạ trị, các chùm năng lượng được phân phối từ một chiếc máy di chuyển xung quanh bạn khi bạn nằm trên bàn. Các chùm tia được hướng một cách cẩn thận đến khu vực của u xương để giảm nguy cơ tổn thương các tế bào khỏe mạnh xung quanh.
Tóm lại, ung thư xương là một bệnh lý nguy hiểm, thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, phụ huynh cần chú ý các triệu chứng bất thường như đau xương kéo dài không rõ nguyên nhân. Khi có các dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.