Tất cả những điều cần biết về ung thư tuyến cận giáp

Ung thư tuyến cận giáp là một loại ung thư phát triển chậm và rất hiếm gặp. Bệnh nhân mắc bệnh thường từ 30 tuổi trở lên. Nguyên nhân của ung thư tuyến cận giáp hiện vẫn chưa được xác định. Những người mắc bệnh đa u nội tiết loại I hoặc những người bị bức xạ đầu cổ có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

1. Ung thư tuyến cận giáp là gì?

Tuyến cận giáp có kích thước bằng hạt đậu ở cổ gần tuyến giáp. Tuyến cận giáp sản xuất ra một loại hormone gọi là hormone PTH. Hormone giúp cơ thể lưu trữ và sử dụng canxi, giúp giữ cho xương chắc khỏe, giúp các cơ và dây thần kinh đảm bảo chức năng bình thường. Ung thư tuyến cận giáp là do các tế bào tuyến cận giáp phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành một khối u. Ung thư tuyến cận giáp được chia thành khu trú hoặc di căn. Khu trú có nghĩa là ung thư được tìm thấy trong các tuyến và có thể đã lan đến các mô gần các tuyến. Di căn có nghĩa là ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan và xương. Hầu hết những người bị ung thư tuyến cận giáp tạo ra quá nhiều PTH, từ đó dẫn đến quá nhiều canxi trong máu (gọi là tăng canxi huyết).

Một số người có nguy cơ phát triển ung thư tuyến cận giáp cao hơn những người khác, bao gồm những người có rối loạn di truyền như cường tuyến cận giáp biệt lập trong gia đình (FIHP) và hội chứng đa sản nội tiết loại 1 (MEN1)

2. Dấu hiệu của ung thư tuyến cận giáp

Các dấu hiệu của ung thư tuyến cận giáp thường do quá nhiều canxi trong máu (tăng canxi huyết) bao gồm:

  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Giảm cân và thèm ăn.
  • Cảm thấy khát.
  • Khó khăn khi suy nghĩ
  • Đi tiểu nhiều hơn
  • Táo bón
  • Các dấu hiệu khác của bệnh ung thư tuyến cận giáp do chính khối ung thư gây ra là một khối u ở cổ, yếu và cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.

3. Chẩn đoán ung thư tuyến cận giáp

Khi bác sĩ nghĩ rằng bệnh nhân có thể bị ung thư tuyến cận giáp, họ sẽ chỉ định một số xét nghiệm bao gồm:

  • Khám sức khỏe: Khám kiểm tra các dấu hiệu sức khỏe chung, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu bệnh tật, chẳng hạn như cục u hoặc bất kỳ thứ gì bất thường.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ hormone và mức độ hoạt động của tuyến cận giáp.
  • Các xét nghiệm hình ảnh để xem tuyến nào hoạt động quá mức và để xem liệu ung thư có di căn hay không.

4. Điều trị ung thư tuyến cận giáp như thế nào?

Thông thường, các phương pháp điều trị này được sử dụng trong ung thư tuyến cận giáp là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

4.1 Phẫu thuật

Các thủ tục phẫu thuật được sử dụng để điều trị ung thư tuyến cận giáp bao gồm:

  • Cắt bỏ toàn bộ tuyến: Còn được gọi là phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp. Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến cận giáp, bao xung quanh và đôi khi là một nửa tuyến giáp mà ung thư được tìm thấy, cơ, mô và dây thần kinh. Thủ thuật này có thể được thực hiện như một thủ thuật mở với một vết rạch ở cổ hoặc như một thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng ống soi sợi quang.
  • Cắt bỏ khối u: Loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt. Đôi khi toàn bộ khối u không thể được loại bỏ.
  • Cắt bỏ di căn: Cắt bỏ di căn là một thủ thuật để loại bỏ ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

4.2 Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn không cho chúng phát triển. Có hai phương pháp xạ trị thường được sử dụng trong điều trị ung thư:

  • Xạ trị bên ngoài sử dụng một máy bên ngoài cơ thể để gửi bức xạ đến vùng cơ thể bị ung thư.
  • Xạ trị bên trong sử dụng chất phóng xạ được đặt trực tiếp vào hoặc gần khối ung thư

Cách thức xạ trị sẽ tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư đang điều trị. Xạ trị bên ngoài thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến cận giáp.

4.3 Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, giết chết các tế bào hoặc ngăn chúng phân chia. Khi hóa trị được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch/cơ, thuốc sẽ đi vào máu và có thể tiếp cận các tế bào ung thư khắp cơ thể, được gọi là hóa trị toàn thân. Khi hóa trị liệu được đặt trực tiếp vào dịch não tủy, một cơ quan hoặc khoang cơ thể như bụng, thuốc chủ yếu tác động vào các tế bào ung thư ở những khu vực đó và được gọi là hóa trị vùng. Cách thức hóa trị sẽ tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh ung thư.

4.4 Điều trị hỗ trợ

Đây là các phương pháp điều trị được sử dụng để kiểm soát mức canxi trong cơ thể, bao gồm:

  • Dịch truyền tĩnh mạch
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc ngăn cơ thể hấp thụ quá nhiều canxi từ thực phẩm.
  • Thuốc ngăn tuyến cận giáp tạo ra quá nhiều hormone.

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh ung thư tuyến cận giáp. Nếu muốn tìm hiểu thêm về cách thức chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến cận giáp, bệnh nhân đừng ngần ngại đến các cơ sở y tế để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: oncolink

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe