Hiện nay có nhiều biện pháp giúp điều trị ung thư tuyến cận giáp, chẳng hạn như phẫu thuật (thông dụng nhất), hoá trị, xạ trị và liệu pháp chăm sóc hỗ trợ. Mỗi phương pháp điều trị đều có mặt lợi và hại song hành, do đó để lựa chọn được cách xử trí ung thư tốt, bệnh nhân cần tham khảo quan điểm của bác sĩ.
1. Đôi nét về bệnh ung thư tuyến cận giáp
Các khối u tuyến cận giáp thường ở dạng lành tính (không phải ung thư) và được gọi chung là u tuyến cận giáp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể tồn tại dưới dạng ác tính (ung thư tuyến cận giáp), nhưng rất hiếm gặp.
Theo quan điểm của chuyên gia, việc mắc một số rối loạn di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến cận giáp, chẳng hạn như hội chứng đa sản nội tiết tuýp 1 (MEN1) và cường cận giáp biệt lập có tính chất gia đình (FIHP). Nhìn chung, nhận biết sớm nguyên nhân và triệu chứng sẽ giúp bệnh nhân có biện pháp điều trị đúng đắn cho tình trạng sức khoẻ của bản thân.
2. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh ung thư cận tuyến giáp?
Việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán là điều quan trọng, giúp xác định giai đoạn và mức độ di căn của ung thư trong cơ thể bệnh nhân. Đối với ung thư cận tuyến giáp, các xét nghiệm chẩn đoán thường bao gồm:
- Khám sức khỏe tổng quát: Kiểm tra sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân và tiền sử mắc bệnh trong quá khứ.
- Xét nghiệm huyết thanh: Lấy mẫu máu để kiểm tra nồng độ canxi huyết và tuyến cận giáp. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tĩnh mạch, trong đó các mẫu máu sẽ được lấy từ các tĩnh mạch cụ thể.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm chụp X quang có thể giúp quan sát bên trong cơ thể người bệnh và đánh giá xem ung thư có di căn hay không. Những chẩn đoán hình ảnh được sử dụng bao gồm siêu âm, chụp CT scan (quét CAT), chụp cắt lớp vi tính phát xạ Photon (quét SPECT), chiếu tia X, kiểm tra mật độ xương, chụp cộng hưởng từ (MRI), quét Sestamibi hoặc động mạch đồ.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm nước tiểu để đánh giá ung thư tuyến cận giáp. Nhìn chung, việc chẩn đoán ung thư tuyến cận giáp còn tương đối khó khăn bởi các tế bào ác tính và tế bào của u tuyến cận giáp lành tính trông tương tự nhau. Tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư tuyến cận giáp thường bao gồm các triệu chứng, nồng độ hormone tuyến cận giáp, canxi huyết thanh và các đặc điểm của khối u.
Ung thư tuyến cận giáp có thể lây lan đến các vị trí khác thông qua bạch huyết, hệ thống mô và máu. Giai đoạn ung thư có thể xác định được mức độ lan rộng của khối u, từ đó xem xét liệu trình điều trị cụ thể. Thực tế, ung thư tuyến cận giáp không có quá trình phân giai đoạn tiêu chuẩn mà chỉ được mô tả là khu trú (tại chỗ) hoặc di căn.
3. Một số lựa chọn điều trị ung thư tuyến cận giáp
Hiện nay có nhiều loại điều trị khác nhau dành cho bệnh nhân mắc ung thư tuyến cận giáp. Điều trị bao gồm kiểm soát tốt tình trạng tăng canxi huyết ở những bệnh nhân có tuyến cận giáp hoạt động quá mức. Hiện nay có 4 cách chữa ung thư tuyến cận giáp được sử dụng, bao gồm:
- Phẫu thuật.
- Xạ trị.
- Hoá trị.
- Chăm sóc hỗ trợ.
Một số loại điều trị mới đang được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư tuyến cận giáp nào cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng trước, trong hoặc sau khi bắt đầu điều trị ung thư để đánh giá phương pháp điều trị tốt cho bản thân.
4. Các biện pháp được áp dụng trong điều trị ung thư tuyến cận giáp
4.1. Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến cận giáp
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến cận giáp phổ biến nhất, được dùng cho ung thư khu trú hoặc đã di căn đến vị trí khác. Vì ung thư tuyến cận giáp có tốc độ phát triển rất chậm, khi ung thư đã lây lan sang những bộ phận khác có thể được loại bỏ bằng hình thức phẫu thuật, giúp bệnh nhân kiểm soát các ảnh hưởng của bệnh trong thời gian dài. Trước khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần phải kiểm soát tình trạng tăng canxi huyết.
Một số biện pháp phẫu thuật được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến cận giáp, bao gồm:
- Cắt bỏ tuyến cận giáp: Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ tuyến cận giáp và các mô bao quanh nó. Đôi khi loại bỏ kèm theo các hạch bạch huyết, các mô, cơ, nửa tuyến giáp ở cùng bên cơ thể bị ung thư hoặc dây thần kinh ở cổ.
- Mổ khối u: Phẫu thuật cắt bỏ càng nhiều khối u càng tốt, dành cho những bệnh nhân có khối u không thể loại bỏ hoàn toàn.
- Cắt bỏ di căn: Phẫu thuật loại bỏ bất kỳ khối ung thư nào đã xâm lấn sang các cơ quan xa như phổi.
Phẫu thuật ung thư tuyến cận giáp có thể làm tổn thương dây thần kinh ở dây thanh, gây mất giọng nói. Do đó, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện thêm các phương pháp giúp giải quyết vấn đề về giọng nói gây ra do sự tổn thương này.
4.2. Xạ trị điều trị ung thư tuyến cận giáp
Xạ trị là cách điều trị ung thư tuyến cận giáp có sử dụng tia X năng lượng cao hay các loại bức xạ khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ức chế sự phát triển của chúng. Có 2 loại xạ trị chính cho bệnh nhân ung thư tuyến cận giáp, bao gồm:
- Xạ trị bên ngoài: Sử dụng máy bên ngoài cơ thể để gửi bức xạ đến vị trí bị ung thư.
- Xạ trị bên trong: Sử dụng chất phóng xạ thông qua kim tiêm, ống thông,... được đặt trực tiếp vào hoặc gần vị trí có khối ung thư.
Cách thức xạ trị được thực hiện dựa vào loại cũng như giai đoạn ung thư được điều trị. Phương pháp xạ trị bên ngoài thường được áp dụng rộng rãi nhất trong điều trị ung thư tuyến cận giáp.
4.3. Hoá trị ung thư tuyến cận giáp
Hoá trị liệu là cách sử dụng thuốc điều trị ung thư tuyến cận giáp, giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư nhờ cơ chế giết chết tế bào hoặc ngăn không cho chúng phân chia trong cơ thể. Khi hoá trị được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm vào cơ / tĩnh mạch, thuốc sẽ đi vào trong máu và tiếp cận các tế bào ung thư ở khắp cơ thể (gọi là hoá trị toàn thân). Nếu hoá trị liệu được đặt trực tiếp vào dịch não tuỷ, khoang cơ thể (như bụng) hoặc một cơ quan nhất định, thuốc chủ yếu tác động vào các tế bào ung thư ở khu vực đó (hoá trị vùng). Nhìn chung, cách thức hoá trị sẽ được thực hiện dựa trên loại và giai đoạn của ung thư tuyến cận giáp.
4.4. Chăm sóc hỗ trợ cho người bệnh
Chăm sóc hỗ trợ được áp dụng nhằm giúp giảm bớt các vấn đề do ung thư tuyến cận giáp hoặc phương pháp điều trị bệnh gây ra. Chăm sóc hỗ trợ tập trung giảm nhẹ các triệu chứng của tình trạng tăng canxi huyết, bao gồm:
- Cho bệnh nhân dùng thuốc tăng lượng nước tiểu.
- Sử dụng dịch truyền tĩnh mạch (IV).
- Sử dụng thuốc ức chế tạo hormone tuyến cận giáp.
- Sử dụng thuốc ngăn sự hấp thụ canxi từ thực phẩm vào cơ thể.
5. Các tác dụng phụ khi điều trị ung thư tuyến cận giáp
Bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ ngoài ý. Những vấn đề này thường xảy ra khi phương pháp điều trị làm ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khỏe mạnh trong cơ thể. Dưới đây là những tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải trong quá trình điều trị ung thư tuyến cận giáp, bao gồm:
- Thiếu máu.
- Giảm / mất cảm giác ngon miệng.
- Chảy máu / bầm tím do giảm tiểu cầu.
- Mê sảng.
- Táo bón.
- Phù, tiêu chảy và mệt mỏi.
- Mắc các vấn đề về khả năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới.
- Rụng tóc.
- Có các triệu chứng như cúm.
- Giảm bạch cầu trung tính.
- Nhiễm trùng.
- Có vấn đề về trí nhớ / giảm tập trung.
- Phù bạch huyết.
- Buồn nôn / ói mửa.
- Bệnh thần kinh ngoại biên.
- Đau đớn.
- Thay đổi về da, móng, giấc ngủ.
- Vấn đề về bàng quang / tiết niệu.
Khi xảy ra bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ ngay để có phương hướng trị liệu thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.gov, oncolink.org