Polyp là một tình trạng khá phổ biến, gặp ở nhiều cơ quan trên cơ thể. Các khối polyp có thể tiến triển với nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới sức khỏe của bệnh nhân.
1. Polyp là gì?
Polyp là một cụm tế bào nhỏ phát triển bên trong cơ thể. Có 2 loại polyp là: Loại có cuống (pedunculated) và loại phẳng, phát triển trực tiếp từ mô xung quanh (sessile). Một số polyp lành tính không thể chuyển thành ung thư nhưng một số khối polyp khác thì có thể tiến triển ác tính thành ung thư (polyp tiền ung thư). Tỷ lệ tiến triển ác tính phụ thuộc vào vị trí, nguyên nhân và thời gian hình thành khối polyp.
2. Các loại polyp phổ biến
2.1 Polyp đại tràng
Polyp đại tràng phổ biến hơn bạn nghĩ. Có gần 50% người trên thế giới bị polyp đại tràng. Có 2 loại chính gồm:
- Polyp tăng sản: Có kích thước nhỏ, phát triển gần cuối đại tràng và không chuyển thành ung thư;
- Polyp tuyến: Ảnh hưởng tới nhiều người hơn. Khi khối polyp lớn, chúng có nhiều khả năng phát triển thành ung thư (nhưng thường mất nhiều năm). Hầu hết khối polyp vẫn không phải là ung thư.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ nội soi luồn 1 camera nhỏ vào hậu môn của bệnh nhân để quan sát đại tràng. Nếu phát hiện có polyp, bác sĩ sẽ loại bỏ chúng. Đồng thời, bác sĩ cũng gửi mẫu mô polyp đưa đi sinh thiết để xác định xem có phải ung thư hay không. Tỷ lệ polyp tiến triển thành ung thư sẽ thấp hơn nếu bạn được phát hiện và loại bỏ các polyp sớm. Bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên về thời điểm chẩn đoán và loại bỏ polyp, thông thường là khi bạn ở độ tuổi 50.
2.2 Polyp ngoài màng cứng
Những cụm polyp giống như quả nho này phát triển trong tai giữa hoặc ống tai. Chúng thường có màu đỏ, dễ chảy máu nếu chạm vào. Đôi khi các polyp này cũng là dấu hiệu ung thư. Ban đầu, bác sĩ sẽ khó có thể xác định xem các khối polyp này là tự mọc hay do nhiễm trùng hoặc một số tình trạng khác.
Nếu bác sĩ cho rằng khối polyp hình thành do nhiễm trùng, họ có thể kê cho bạn sử dụng thuốc kháng sinh để loại bỏ polyp. Nếu không hiệu quả, bác sĩ có thể sinh thiết polyp để xác định xem đó có phải là ung thư không. Nếu các khối polyp không biến mất thì bạn có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ chúng.
2.3 Polyp mũi
Hầu hết các khối polyp mũi không phải là ung thư. Chúng hình thành bên trong đường mũi hoặc xoang của bạn khi lớp niêm mạc bị viêm và sưng trong thời gian dài. Polyp mũi có thể gây ảnh hưởng tới vị giác hoặc khứu giác, đồng thời gây chảy nước mũi, đau đầu và ngáy ngủ. Thông thường, khi phát triển tới kích thước lớn, chúng sẽ gây nhiễm trùng hoặc khó thở.
Dựa trên các triệu chứng mà bạn chia sẻ, bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị polyp mũi. Họ sẽ sử dụng ống nội soi mũi để quan sát mũi và khẳng định chẩn đoán. Để loại bỏ polyp mũi, bạn có thể dùng thuốc uống hoặc thuốc xịt mũi. Thuốc kháng sinh cũng có thể có hiệu quả nếu nhiễm trùng là nguyên nhân hình thành polyp mũi. Trường hợp các phương pháp điều trị trên không có hiệu quả, bác sĩ có thể loại bỏ các polyp bằng phẫu thuật nội soi.
2.4 Polyp tử cung
Tình trạng này còn được gọi là polyp nội mạc tử cung. Khối polyp phát triển bên trong niêm mạc tử cung của bạn. Một số polyp có cuống và một số polyp không cuống. Chúng có hình dạng hơi tròn, có thể nhỏ như hạt vừng hoặc lớn như quả bóng golf. Chúng thường không phải là ung thư nhưng có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, khiến bạn khó mang thai.
Cùng với việc kiểm tra, chia sẻ thông tin về chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, lượng máu,... bác sĩ có thể chẩn đoán sơ bộ xem bạn có bị polyp tử cung hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kiểm tra tử cung hoặc lấy mẫu mô polyp để kiểm tra. Nếu không có triệu chứng, bệnh nhân có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các khối polyp gây chảy nhiều máu, ảnh hưởng tới khả năng có thai hoặc sau khi mãn kinh, bạn có thể muốn loại bỏ polyp. Sử dụng thuốc sẽ làm dịu các triệu chứng polyp tử cung, nhưng phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ polyp hoàn toàn.
2.5 Polyp dây thanh
Đây là một sự phát triển hoặc tổn thương không phải ung thư trên vỏ dây thanh quản. Nó thường chỉ mọc ở 1 bên của dây thanh âm. Khi có polyp dây thanh, giọng của bạn có thể bị khàn, trầm hơn bình thường hoặc ngắt quãng giữa câu, mất nhiều sức hơn khi nói hoặc hát,...
Để chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ hỏi về các vấn đề liên quan tới giọng nói. Ngoài ra, họ sẽ đưa một ống nội soi qua miệng bệnh nhân để quan sát dây thanh quản. Đồng thời, bác sĩ sẽ kiểm tra chứng trào ngược dạ dày, dị ứng hay các vấn đề về hormone của người bệnh. Đây là những nguyên nhân có thể khiến giọng nói của bạn trở nên trầm, khàn hơn. Bạn có thể nghỉ ngơi, tập các bài luyện thanh để giọng nói trong trẻo hơn. Thậm chí, nếu muốn giữ giọng, có thể bạn cần phải phẫu thuật.
2.6 Polyp dạ dày
Polyp dạ dày hình thành trên niêm mạc dạ dày. Hầu hết polyp dạ dày không phát triển thành ung thư nhưng nếu mắc nhiều loại polyp thì bạn sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn. Polyp dạ dày thường không có bất kỳ biểu hiện nào. Hầu hết bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám một vấn đề sức khỏe khác.
Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh có polyp dạ dày, họ sẽ kiểm tra dạ dày bằng thiết bị nội soi. Nếu polyp dạ dày là dạng u tuyến, có thể tiến triển thành ung thư, bác sĩ có thể cắt bỏ khối u hoặc lấy mẫu mô kiểm tra. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori trong dạ dày, kê đơn thuốc kháng sinh nếu bạn mắc phải. Với những khối polyp nhỏ không phải u tuyến bệnh nhân chỉ cần định kỳ kiểm tra sức khỏe là được. Với các khối polyp lớn, có thể bác sĩ sẽ lựa chọn cắt bỏ.
Khi phát hiện có polyp ở bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, người bệnh cần bình tĩnh, tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ để có phương án can thiệp thích hợp nhất
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.