Biến dạng cột sống làm cho hình dáng cơ thể của trẻ bị biến dạng, không những ảnh hưởng đến tỉnh thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng vận động, đặc biệt cả vấn đề tim mạch, hô hấp. Thậm chí, nếu là bé gái bị biến dạng cột sống còn có thể ảnh hưởng chức năng sinh đẻ sau này. Tập vận động cho trẻ bị biến dạng cột sống sẽ giúp đề phòng những biến chứng có thể xảy ra, cũng như giúp trẻ phát triển tốt, cân bằng hơn.
1. Các biến dạng cột sống ở trẻ thường gặp
Theo đánh giá, trẻ có thể mắc các vấn đề gây biến dạng tới cột sống sau:
- Cong vẹo cột sống: Đây là tình trạng cột sống lệch sang bên phải hoặc trái so với đường giữa của cột sống nếu nhìn thẳng từ phía sau lưng.
- Gù cột sống: Đây là tình trạng đoạn cột sống lưng cong quá mức ra phía sau so với đường cong cơ thể nếu nhìn từ phía bên của người bệnh.
- Ưỡn cột sống: Đây là tình trạng đoạn cột sống thắt lưng cong quá mức ra phía trước(ưỡn) so với đường cong sinh lý nếu nhìn từ phía bên người bệnh.
2. Nguyên nhân biến dạng cột sống ở trẻ
Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị biến dạng cột sống bao gồm:
- Ngồi sai tư thế
- Bàn, ghế ngồi không phù hợp
- Ngồi học quá lâu, ít thay đổi tư thế
- Thói quen đi đứng xấu (cúi người về phía trước,...)
- Cong vẹo tự phát thường do di truyền
- Cong vẹo do trẻ bị mắc các bệnh thần kinh cơ (Neuromuscular scoliosis): Các bất thường của tổ chức thần kinh và cơ sẽ khiến trị bị vẹo cơ. Thường gặp ở bệnh nhi bị bại não, bại liệt, nhược cơ, và các trình trạng bệnh lý của cơ và thần kinh ngoại biên.
3. Biến chứng khi trẻ bị biến dạng cột sống
Một số ảnh hưởng của biến dạng cột sống ở trẻ có thể kể đến như:
- Tổn thương tới tim, phổi: Trong trường hợp khi trẻ bị vẹo cột sống nặng, khung sườn bị biến dạng có thể đè ép vào phổi và tim, gây ra tình trạng trẻ bị khó thở, giảm sức co bóp của tim, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Biến dạng khung chậu ở trẻ là nữ có thể ảnh hưởng đến sinh đẻ. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ do hình thể cơ thể không cân đối. Ảnh hưởng tới tinh thần, tâm lý của trẻ. Ảnh hưởng tới khả năng vận động, sinh hoạt hàng ngày và trẻ hay đau lưng...
4. Tập vận động cho trẻ bị biến dạng cột sống
Chỉ định với các trường hợp trẻ bị các biến dạng cột sống sau:
- Vẹo cột sống
- Gù cột sống
- Ưỡn cột sống
Người thực hiện cần là 1 bác sĩ phục hồi chức năng, 1 kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Dung cụ nên sử dụng đệm tập, dụng cụ đo góc.
Khi tiến hành tập vận động cho trẻ bị biến dạng cột sống, cha mẹ có thể tham khảo những bài sau:
- Bài tập 1: Tăng khả năng vận động của cột sống lưng
Mục tiêu giúp gia tăng tầm vận động gập của cột sống lưng. Kéo giãn nhóm cơ duỗi lưng.
Kỹ thuật: Tư thế bệnh nhi: ngồi, 2 chân duỗi thẳng và áp sát, 2 tay đưa ra phía trước. Tư thế kỹ thuật viên: ngồi cạnh và hướng dẫn làm mẫu. Khi thực hiện bệnh nhi cần duỗi thẳng 2 chân áp. Hai tay đưa ra trước lưng gập, càng gần các ngón càng tốt.
- Bài tập 2: Tăng cơ lực của nhóm cơ gập và xoay thân
Mục tiêu giúp tăng cơ lực nhóm cơ gập và xoay thân. Tăng cường tính linh hoạt của cột sống
Kỹ thuật, tư thế bệnh nhi: nằm ngửa, 2 tay đan sau gáy, 2 chân duỗi thẳng. Tư thế kỹ thuật viên: đứng hoặc quỳ bên cạnh, 1 tay cố định trên 2 đùi và 1 tay cố định trên 2 cẳng chân bệnh nhi.
Tiến hành: kỹ thuật viên giữ cố định 2 chân của trẻ, bệnh nhi đặt 2 tay đan để sau gáy, gập thân lại, xoay thân, khuỷu sang bên đối diện.
- Bài tập 3: Kéo giãn cơ ở phần lõm của đường cong
Mục tiêu nhằm kéo giãn nhóm cơ phía lõm của đường cong của thắt lưng trái. Phòng ngừa co rút cột sống thắt lưng.
Kỹ thuật: Tư thế bệnh nhi: nằm sấp, 2 tay bám chặt 2 bên cạnh bàn. Đối với kỹ thuật viên nên đứng cạnh bệnh nhi và đỡ 2 tay mặt trước đùi bệnh nhi. Khi tiến hành bệnh nhi giữ thân trên của mình cố định. Kỹ thuật viên kéo giãn đốt sống vùng thắt lưng sang trái.
- Bài tập 4: Kéo giãn cơ ở phần lõm đường cong cột sống
Mục tiêu kéo giãn phần lõm của đường cong ngực phải, tăng tính linh hoạt và duy trì tầm vận động của cột sống lưng.
Để trẻ nằm nghiêng sang phía có đường cong, thả người xuống mép bàn. Kỹ thuật viên đứng và giữ phần hông bệnh nhi. Tiến hành bệnh nhi thả người xuống mép bàn, tay phía trên duỗi thẳng qua đầu, cuộn khăn tắm kê vào đúng đỉnh đường cong cột sống. Giữ nguyên tư thế từ 3 đến 5 phút.
- Bài tập 5: Kéo giãn cột sống
Mục tiêu giúp kéo giãn cột sống, tăng cường tính đàn hồi của thân mình.
Kỹ thuật tư thế bệnh nhi: đứng 2 tay gập 180 độ, duỗi thẳng. Kỹ thuật viên đứng cạnh trẻ. Tiến hành hai tay bệnh nhi bám vào xà ngang, gắng cho gót chân rời khỏi sàn.
- Bài tập 6
Mục tiêu, tập mạnh nhóm cơ nghiêng thân, kéo giãn phía lồi của đường cong ngực phải.
Tư thế bệnh nhi: nằm nghiêng và kỹ thuật viên đứng sau. Khi tiến hành bệnh nhi nằm nghiêng về phía trái và nhấc thân lên khỏi sàn để kéo giãn phía lồi của đường cong ngực phải.
- Bài tập 7:
Mục tiêu nhằm cải thiện chức năng hô hấp và tim mạch, tăng cường độ giãn nở của lồng ngực.
Tư thế bệnh nhi: nằm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi và kỹ thuật viên đứng cạnh. Tiến hành: Bệnh nhi hít sâu và thở ra từ từ. Hai tay bệnh nhi đặt dưới cơ hoành.
Lưu ý khi thực hiện kỹ thuật viên ghi chép vào phiếu tập, bao gồm ngày, giờ tập, số lần thực hiện để theo dõi quá trình tập luyện và tiến triển của trẻ. Theo dõi huyết áp, mạch, nhiệt độ, nhịp thở trong quá trình tập.
Có thể thấy, tập phục hồi chức năng trẻ bị biến dạng cột sống đóng vai trò rất quan trọng, vì thế cha mẹ nên lưu ý đưa trẻ đi điều trị khi con gặp tình trạng biến dạng cột sống. Việc điều trị sớm luôn mang đến kết quả tốt cũng như hạn chế những ảnh hưởng về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Bộ y tế