Triglyceride hay còn gọi là chất béo trung tính, có tác dụng trong việc dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng nếu nồng độ của hợp chất này trong máu tăng cao mà không được kiểm soát có thể gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe toàn thân. Vì thế, tình trạng tăng Triglyceride máu đơn thuần cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
1. Triglyceride là gì ?
Triglyceride là một dạng chất béo trung tính, cấu tạo như một este có nguồn gốc từ 3 axit béo và glycerin. Triglyceride khi vào ruột non sẽ phân tách rồi tái kết hợp với Cholesterol để tạo thành Chylomicrons. Đây là nguồn năng lượng được dự trữ tại tế bào mỡ và tế bào gan, sau đó sẽ phóng thích mỗi khi cơ thể cần tới.
Triglyceride có trong mỡ động vật và thực vật. Đối với động vật sống trên cạn mỡ thường ở dạng rắn có cấu tạo là các Axit béo bão hòa, mạch cacbon dài và có nhiệt độ nóng chảy cao. Đối với động vật dưới nước, mỡ thường ở lỏng có cấu tạo là các Axit béo không bão hòa. Ở thực vật, Triglyceride thường tồn tại trong một số loại thực phẩm như đậu phộng, bông, lanh, thầu dầu, hạt hòa thảo.
2. Tăng Triglyceride máu đơn thuần là gì?
Một rối loạn Lipid máu nguyên phát hay thứ phát thường bao gồm các dạng rối loạn như tăng Triglyceride máu đơn thuần, tăng Cholesterol máu đơn thuần hoặc kết hợp của việc tăng Triglyceride máu và Cholesterol máu.
Tăng triglyceride đơn thuần là trong 4 chỉ số Lipid bao gồm Triglyceride, Cholesterol, HDL-C, LDL-C chỉ có một mình nồng độ Triglyceride tăng cao.
Mặc dù nồng độ Triglyceride chỉ chiếm một phần nhỏ vào chỉ số Cholesterol toàn phần, nhưng mức Triglyceride rất cao trong máu có thể làm lệch đáng kể giá trị Cholesterol toàn phần và sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nồng độ Triglyceride trong máu tăng cao, đặc biệt là không kèm tình trang tăng nồng độ HDL-C hoặc LDL-C có thể chỉ điểm được có những vấn đề tại gan, nơi mà Triglyceride được sản xuất và lưu trữ.
Khi chỉ số Triglyceride tăng cao bất thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định kiểm tra men gan để xác định liệu trên thực tế gan của họ có đang gặp vấn đề gì không. Khi đó, nồng độ của các enzyme gan sẽ tăng cao trong trường hợp có những tổn thương trong gan. Triglyceride tăng cao, mặc dù không kết hợp với nồng độ cao Cholesterol vẫn có thể gây ra những biến chứng cho hệ thống tim mạch, mạch máu, não...đồng thời dễ dẫn đến một hậu quả nguy hiểm là tình trạng viêm tụy cấp, lúc này bệnh nhân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Tăng Triglyceride máu nguyên phát thường liên quan đến các vấn đề về gen di truyền, các bệnh lý rối loạn các chất tạo nên Triglyceride. Ngược lại, tăng Triglyceride máu thứ phát thường là biến chứng của các bệnh lý như đái tháo đường, suy giáp, suy thận, béo phì, tổn thương gan, chế độ ăn uống không hợp lý, stress...
3. Phương pháp chẩn đoán tăng Triglyceride máu đơn thuần
Việc chẩn đoán tăng Triglyceride đơn thuần trong máu được thực hiện bằng cách đo nồng độ Lipid huyết thanh lúc bụng đói. Bệnh nhân sẽ được dặn không nên ăn trong khoảng 9 - 14 giờ và không uống rượu trước 24h trước khi được lấy máu xét nghiệm. Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc gì cần phải báo với bác sĩ vì chúng có thể ảnh hưởng tới kết quả.
Ở người lớn, tăng Triglyceride máu được định nghĩa là nồng độ Triglyceride > 200 mg/dL (> 2,3 mmol/L). Tăng nồng độ Triglyceride máu đơn thuần biểu thị cho việc tăng Chylomicrons hoặc/và tăng nồng độ Lipoprotein tỷ trọng rất thấp - VLDL.
Về dấu hiệu nhận biết, tăng triglyceride máu có thể gặp phải bệnh u vàng mí mắt và u vàng gân, bệnh u vàng phát ban là những sẩn nhỏ màu đỏ hoặc cam có thể xuất hiện trên mặt, thân mình và tứ chi. Khi nồng độ Triglyceride trong máu lớn hơn >1000mg/dL (>11,3 mmol/L) có thể gặp phải tình trạng nhiễm Lipid võng mạc, dấu hiệu mạch máu võng mạc màu cam vàng. Viêm tụy cấp thường sẽ xuất hiện khi nồng độ Triglycerid máu cao > 1000mg/dL (>11,3 mmol/L).
4. Điều trị tăng Triglyceride máu
4.1. Mục tiêu điều trị
Người bệnh bị tăng Triglyceride đơn thuần ở mức độ nhẹ nên áp dụng phương pháp thay đổi lối sống, chế độ ăn và tập luyện lành mạnh, khoa học nhằm đưa chỉ số Triglyceride dần về ngưỡng an toàn. Trường hợp không đáp ứng với điều trị không dùng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định những thuốc điều trị nhằm làm giảm nồng độ Triglyceride.
Mục tiêu khi điều trị tăng Triglyceride đơn thuần ổn định nồng độ Triglyceride máu, phòng ngừa viêm tụy cấp, dự phòng các biến cố tim mạch, mạch máu, đột quỵ não, rối loạn chuyển hóa.
4.2. Phân loại ngưỡng điều trị
Các ngưỡng điều trị tăng nồng độ Triglyceride như sau :
- Từ 150 – 200 mg/dl: điều trị thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và kết hợp chế độ luyện tập, sinh hoạt.
- Từ 200 – 499 mg/dL: Điều trị theo mục tiêu non-HDL-C sau khi tính được nồng độ và kết hợp thay đổi lối sống, ăn uống và tập luyện.
- ≥ 500 mg/dl: Dùng thuốc giảm Triglyceride phối hợp với thay đổi lối sống, ăn uống và tập luyện với mục đích dự phòng viêm tụy cấp.
4.3. Điều trị thay đổi lối sống
Với phương pháp thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể áp dụng các cách dưới đây :
- Tăng cường vận động thể lực: Thiết lập thói quen tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe cũng như có thể làm giảm Triglyceride. Mỗi ngày, cố gắng dành ra 30 phút tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội...
- Tránh sử dụng thực phẩm chứa đường và Carbohydrate tinh chế.
- Bổ sung chất béo tốt hay chất béo không bão hòa có trong các loại thực phẩm bao gồm cá thu, cá hồi, hạt dẻ, óc chó, bơ... Tránh chất béo bão hòa, thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế tiêu thụ rượu, bia, cai rượu, nước ngọt và thay thế bằng các loại thức uống tốt hơn như nước lọc, nước cam, nước chanh, trà xanh...
- Hạn chế ăn uống về đêm vì sau thời điểm này thức ăn thường khó hấp thu hơn khi đưa vào cơ thể. Đồng thời, lúc đi ngủ cơ thể thường không sử dụng năng lượng khiến cho lượng calo này thành dư thừa và chuyển hóa thành mỡ
- Không nên thức khuya, vì nó có thể làm chỉ số Triglyceride cao dẫn đến tích tụ chất béo ở thành bụng, mông, đùi.
4.4. Điều trị bằng thuốc
Sử dụng một số loại thuốc dưới đây có thể hỗ trợ làm giảm Triglyceride :
- Fibrate : Bao gồm thuốc Fenofibrate và Gemfibrozil có tác dụng làm tăng nồng độ HDL-C và giảm nồng độ Triglyceride khoảng 30 - 50%. Fibrate hoạt động thông qua cơ chế giảm sản sinh Triglyceride trong gan. Chống chỉ định ở các bệnh nhân có bệnh gan và túi mật.
- Axit béo omega-3 : Thường được kê đơn dưới dạng viên dầu cá, có tác dụng làm giảm nồng độ Triglyceride khoảng 20 - 50%. Sử dụng với liều cao có thể giúp giảm Triglyceride nhiều hơn nhưng cần có sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.
- Niacin (Axit nicotinic) : Sử dụng với liều 500 - 2000 mg/ngày có thể làm giảm nồng độ Triglyceride khoảng 10 - 30%.
- Statin : Một số thuốc thuộc nhóm Statin như Rosuvastatin, Fluvastatin, Pitavastatin, Lovastatin, Pravastatin và Simvastatin. Nhóm Statin thường có tác dụng giảm Triglyceride khoảng 10 - 15% phụ thuộc liều.
- Orlistat : Có tác dụng ức chế lipase ruột từ đó làm giảm nồng độ Triglyceride sau ăn. Có thể sử dụng Orlistat cùng với Fibrate để làm tăng hiệu quả điều trị.
Tăng Triglyceride máu đơn thuần là một tình trạng thường gặp và có thể gây ra những bệnh lý liên quan đến tim mạch, huyết áp, đột quỵ...Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát để kịp thời phát hiện những trường hợp tăng Triglyceride máu sớm, từ đó đưa ra được những phương pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.