Rong biển là món ăn khá phổ biến đối với những người quan tâm đến sức khỏe. Bởi ăn rong biển được biết đến như một cách siêu lành mạnh và bổ dưỡng để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn uống. Sử dụng rong biển thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe và bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh.
1. Rong biển
Các loại rong biển xuất phát từ biển có thể sử dụng được nhưng ngược lại, những loại rong sống ở nước ngọt có thể gây độc hại cho cơ thể. Rong biển sử dụng được sẽ có màu sắc khác nhau như: Đỏ, xanh lá cây, xanh lam - xanh lá cây và nâu.
Hơn nữa, kích thước của rong biển cũng khác nhau. Thực vật phù du thì sẽ có kích thước cực nhỏ nhưng với tảo bẹ thì kích thước có thể phát triển và dài đến 65 mét, với bộ rễ bám chặt vào đáy đại dương.
Rong biển không chỉ được xem như thực phẩm cho con người sử dụng mà còn có vai trò quan trọng đối với các sinh vật biển, đồng thời cũng là nguồn thức ăn chính cho các loài sinh vật trong đại dương.
2. Các loại rong biển phổ biến
- Nori: Thuộc nhóm tảo đỏ, thường được sử dụng dưới dạng tấm khô và sử dụng để cuộn sushi.
- Tảo bẹ (tảo nâu) thường được chế biến bằng cách phơi khô thành từng tấm và được thêm vào các món ăn trong quá trình nấu nướng. Ngoài ra, tảo bẹ cũng có thể được sử dụng như một chất thay thế không chứa gluten của bột mì. Còn có một số tảo thuộc nhóm tảo bẹ như: Kombu, Arame,...
- Dulse (tảo đỏ) có kết cấu mềm hơn, dai hơn và được sử dụng để thêm hương vị cho nhiều món ăn. Tảo đỏ Dulse cũng có thể được ăn như một món ăn nhẹ khô.
- Chlorella: Tảo xanh lục sống ở nước ngọt và thường được sử dụng dưới dạng chất bổ sung ở dạng bột.
- Agar và carrageenan: Được tạo ra từ tảo, sử dụng làm chất liên kết và làm đặc có nguồn gốc thực vật trong nhiều loại sản phẩm thực phẩm.
- Spirulina: Tảo nước ngọt màu xanh lam, có thể ăn được và được sản xuất thành dạng viên, mảnh hoặc bột. Tuy nhiên, tảo spirulina có cấu trúc cấu tạo khác với các loại tảo khác.
3. Thành phần dinh dưỡng của rong biển
Rong biển thuộc nhóm thực phẩm rất giàu khoáng chất và nguyên tố vi lượng. Trong thành phần của rong biển thường chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn hầu hết các loại thực phẩm khác. Vì thế, nhiều người coi rong biển như loại loài rau của biển.
Hàm lượng chất dinh dưỡng của rong biển có thể thay đổi tùy vào nơi sống của nó. Vì vậy, mỗi loại rong biển khác nhau sẽ chứa lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Trong 100 gam rong biển thường cung cấp:
- Lượng calo: 45.
- Carbs: 10 gram.
- Chất đạm: 2 gam.
- Chất béo: 1 gram.
- Chất xơ: 14 – 35% RDI.
- Magie: 27 – 180% RDI.
- Vitamin K: 7 – 80% RDI.
- Mangan: 10 – 70% RDI.
- Iốt: 1 – 65% RDI.
- Natri: 10 – 70% RDI.
- Canxi: 15 – 60% RDI.
- Folate: 45 – 50% RDI.
- Kali: 1 – 45% RDI.
- Sắt: 3 – 20% RDI.
- Đồng: 6 – 15% RDI.
Ngoài ra, rong biển còn chứa các thành phần dinh dưỡng khác như: Axit béo omega-3 và omega-6, vitamin A, C, E, phốt pho, vitamin B và choline.
Tảo khô có thể chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Chỉ 8 gam tảo khô đã có thể đủ để cung cấp hầu hết các lượng chất dinh dưỡng được liệt kê ở trên.
Trong tảo Spirulina và chlorella chứa gấp đôi hàm lượng protein. Thành phần protein của hai loại tảo này cũng chứa tất cả các axit amin thiết yếu cần thiết cho cơ thể con người và khiến chúng trở thành nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh.
Một số người cho rằng rong biển là nguồn thực vật tuyệt vời cung cấp các vitamin như vitamin B12, một loại vitamin được tìm thấy tự nhiên trong thịt, gia cầm, trứng và sữa.
Rong biển còn cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể, đồng thời cũng chứa một lượng lớn polysaccharides sulfated (sPS) - những hợp chất thực vật có lợi được cho là đóng góp vào lợi ích sức khỏe của rong biển.
4. Một vài lợi ích của rong biển đối với sức khoẻ
4.1. Rong biển có thể giúp thúc đẩy chức năng tuyến giáp trong cơ thể
Trong cơ thể, tuyến giáp giữ vai trò quan trọng bao gồm cả việc điều hòa sự trao đổi chất của cơ thể. Tuyến giáp của bạn cần được cung cấp đủ lượng iốt để hoạt động bình thường. Thành phần iốt luôn có sẵn trong hầu hết các loại rong biển. Không bổ sung đủ iốt từ chế độ ăn uống có thể dẫn đến suy giáp, có thể tạo ra các triệu chứng như: Khô da, ngứa ran ở bàn tay và bàn chân, thậm chí có thể mắc chứng hay quên, trầm cảm và tăng cân mất kiểm soát. Thêm rong biển vào chế độ ăn có thể giúp bạn tiêu thụ đủ iốt để tuyến giáp của bạn hoạt động tối ưu.
Nhu cầu ăn hàng ngày của iốt cho người lớn là 150 microgam mỗi ngày. Nhu cầu này có thể đáp ứng được khi sử dụng rong biển trong bữa ăn.
4.2. Rong biển có thể cải thiện sức khỏe tim mạch
Ăn rong biển có tốt không? Rong biển có chứa thành phần của một số chất dinh dưỡng có lợi có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Đối với người mới bắt đầu sử dụng rong biển, đây có lẽ là nguồn chất xơ hòa tan tốt và chứa axit béo omega-3 chuỗi dài, cả hai đều có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho kết quả rằng, polysaccharides sulfated (sPS) được tìm thấy trong rong biển có thể có khả năng làm hạ huyết áp và ngăn ngừa tình trạng đông máu.
Rong biển cũng có thể giúp giảm mức cholesterol LDL xấu và tổng mức cholesterol.
4.3. Rong biển có thể ổn định lượng đường trong máu
Sử dụng rong biển trong chế độ ăn có thể giúp giảm các nguy cơ phát triển của bệnh đái tháo đường. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra và tin rằng, một số hợp chất trong trong biển có thể đóng vai trò có lợi trong việc kiểm soát và ổn định đường huyết đồng thời giúp ngăn ngừa đái tháo đường loại 2. Một trong số các hợp chất đó là fucoxanthin, một chất chống oxy hóa mang lại màu sắc đặc trưng cho tảo nâu. Đồng thời hợp chất này giúp giảm kháng insulin và ổn định lượng đường trong máu.
Ngoài ra, thành phần chất xơ trong rong biển còn có tác dụng làm chậm tốc độ hấp thụ carbs, giúp cơ thể kiểm soát được hàm lượng đường máu dễ dàng hơn.
Trong nghiên cứu thực hiện ở những bệnh nhân tiểu đường loại 2 được cho uống một lượng lớn rong biển bột mỗi ngày và kết quả cho thấy, các đối tượng này có lượng đường trong máu thấp hơn 15 - 20% vào cuối nghiên cứu kéo dài 4 tuần so với những người dùng giả dược.
Độ nhạy insulin liên quan đến phản ứng insulin trong cơ thể cũng như quá trình điều chỉnh lượng đường máu hiệu quả. Nghiên cứu ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường loại 2 khi bổ sung rong biển ở dạng bột hàng ngày cho kết quả sau hai tháng can thiệp giảm được 12% hàm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, kết quả này không có sự thay đổi ở nhóm đối chứng. Hơn nữa, trong nhóm can thiệp, ngoài hàm lượng đường máu giảm thì các chỉ số khác như hemoglobin A1C cũng xuống 1%. Hemoglobin A1C được sử dụng làm thước đo lượng đường trong máu trung bình trong 2 - 3 tháng qua. Khi hàm lượng hemoglobin A1C giảm 1% cho thấy lượng đường trong máu trung bình giảm là 130 mg / dl (1,5 mmol / l).
Rong biển có thể có mang lại nhiều lợi ích cho việc kiểm soát lượng đường trong máu nhưng mức liều lượng tối ưu của loại thực phẩm này để sử dụng cho người đái tháo đường loại 2 vẫn chưa có nghiên cứu rõ ràng. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu thêm đến sự ảnh hưởng của các giống rong biển dạng thô so với dạng bột.
4.4. Rong biển có thể giúp bạn giảm cân
Sử dụng rong biển thường xuyên có thể giúp bạn giảm cân. Các nhà nghiên cứu đã giải thích được điều này do khả năng của rong biển ảnh hưởng đến mức độ hormone điều chỉnh cân nặng leptin của bạn. Kết hợp với hàm lượng chất xơ khá phong phú có trong rong biển sẽ giúp giảm cảm giác đói và tăng cường cảm giác no.
Ngoài ra, fucoidan - một loại sPS có sẵn trong rong biển - có thể tăng cường phân hủy chất béo và ngăn chặn sự hình thành của chất béo.
Các nghiên cứu ở những người tham gia béo phì sử dụng rong biển trong bữa ăn hàng ngày cho kết quả những người được bổ sung rong biển trong 12 – 16 tuần đã giảm được khoảng 1,6kg so với những người dùng giả dược.
Hơn nữa, rong biển có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu thành phần glutamate - một loại axit amin - có thể mang đến cho nó vị ngon. Do đó, đồ ăn nhẹ được làm từ rong biển có thể giúp tăng cường giảm cân bằng cách cung cấp một sự thay thế đủ để thỏa mãn cho các lựa chọn đồ ăn nhẹ giàu calo hơn.
4.5. Rong biển có thể tăng cường hệ thống miễn dịch
Rong biển cũng có thể giúp bảo vệ cơ thể tránh một số bệnh do nhiễm trùng. Bởi vì thành phần của rong biển có chứa các hợp chất thực vật biển được cho là có đặc tính chống oxy hóa, chống dị ứng và bảo vệ bệnh tật.
Nghiên cứu sử dụng hợp chất này của rong biển đối với những người những nhiễm herpes và HIV cho thấy rằng, những hợp chất này có thể có khả năng chống lại virus herpes và HIV bằng cách ngăn chặn sự xâm nhập của chúng vào tế bào trong cơ thể.
Nghiên cứu xem xét tác động của việc bổ sung rong biển được tiến hành ở phụ nữ dương tính với HIV. Những người phụ nữ này được cung cấp 5 gam tảo xoắn mỗi ngày và kết quả cho thấy, dấu hiệu đã phát triển các triệu chứng liên quan đến bệnh tật ít hơn 27% so với nhóm dùng giả dược.
4.6. Rong biển có thể cải thiện sức khỏe đường ruột
Rong biển giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Thứ nhất, rong biển rất giàu chất xơ, có thể giúp ngăn ngừa táo bón và đảm bảo tiêu hóa trơn tru. Rong biển cũng chứa các thành phần như: Agars, carrageenans và fucoidan, được xem như hoạt động như prebiotics.
Prebiotics, một loại chất xơ không tiêu hóa giúp nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của cơ thể. Theo đó, các nghiên cứu tiến hành áp dụng việc bổ sung rong biển có thể cải thiện số lượng vi khuẩn lành mạnh và giảm lượng vi khuẩn có hại trong đường ruột hiệu quả hơn so với các loại prebiotics khác.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành và tin rằng, prebiotics được tìm thấy trong rong biển có thể có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn nhất định. Khi cho trẻ sử dụng sản phẩm prebiotics, vi khuẩn trong đường ruột của bạn sản xuất butyrate. Axit béo chuỗi ngắn này có tác dụng chống viêm bên trong ruột kết.
Ngoài ra, một số loại prebiotics nhất định có trong rong biển có thể có khả năng ngăn chặn vi khuẩn có hại như H. pylori bám vào thành ruột, đồng thời có thể ngăn ngừa sự hình thành của loét dạ dày.
4.7. Rong biển có thể làm giảm nguy cơ ung thư
Rong biển còn có khả năng làm giảm một số nguy cơ gây bệnh ung thư. Chẳng hạn như: Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu và cho rằng rong biển có thể giúp giảm mức độ estrogen, từ đó, sẽ có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú xảy ra ở phụ nữ. Ngoài ra, chất xơ hòa tan trong rong biển cũng có thể giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của ung thư ruột kết.
Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy rằng, một nhóm hợp chất được tìm thấy trong các giống màu nâu, chẳng hạn như tảo bẹ, wakame và kombu, có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư di căn trong cơ thể.
Tuy nhiên, vẫn còn khá ít các nghiên cứu điều tra tác động trực tiếp của rong biển đối với bệnh nhân ung thư. Sử dụng rong biển với hàm lượng quá cao cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp.
4.8. Các lợi ích tiềm năng khác của rong biển
Rong biển cũng có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại:
- Hội chứng chuyển hóa: Khả năng giúp giảm cân và hạ huyết áp, hàm lượng đường trong máu và cholesterol của rong biển có thể làm giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa của cơ thể.
- Tổn thương da: Các hợp chất trong rong biển có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB từ ánh nắng mặt trời. Rong biển cũng có thể giúp ngăn ngừa nếp nhăn, đốm nắng và các dấu hiệu liên quan đến lão hóa da sớm.
- Các bệnh về xương và viêm: Rong biển có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm của rong biển có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp và loãng xương, đặc biệt là ở phụ nữ.
5. Sử dụng rong biển có an toàn không?
Trẻ ăn nhiều rong biển có tốt không? Ăn rong biển tươi được coi là an toàn với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, tiêu thụ rong biển thường xuyên hoặc số lượng tiêu thụ lớn có thể gây ra một số tác dụng phụ do rong biển có thể chứa hàm lượng kim loại nặng cao.
Hơn nữa, một số loại rong biển có thể chứa hàm lượng thủy ngân, cadmium, chì và asen cao do vị trí mà rong biển sống.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có các quy định mức độ của các hóa chất và kim loại nặng đối với rong biển tươi. Tuy nhiên, các chất bổ sung lại không được kiểm soát và có thể chứa các hàm lượng gây hại cho sức khỏe. Lượng tiêu thụ rong biển cao có thể ảnh hưởng đến chức năng thận và làm loãng máu. Một số loại rong biển có thể chứa hàm lượng natri và kali cao, từ đó có thể gây yếu tố có hại cho những người bị bệnh thận.
Rong biển cũng chứa thành phần vitamin K, có thể gây trở ngại cho các loại thuốc làm loãng máu. Những người sử dụng thuốc làm loãng máu nên kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng rong biển trong chế độ ăn.
Hàm lượng iốt chứa trong rong biển rất cao và có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Mặc dù iốt được biết đến cần thiết cho hoạt động bình thường của tuyến giáp nhưng việc nạp quá nhiều iốt vào cơ thể có thể gây hại. Tảo bẹ, dulse và kombu thuộc những loại rong biển có xu hướng chứa hàm lượng iốt rất cao. Vì vậy, những loại rong biển này không nên được tiêu thụ quá thường xuyên hoặc với số lượng lớn.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: healthline.com