Những người bị ung thư hoặc đang điều trị ung thư thường có nguy cơ mắc phải nhiễm trùng cao hơn so với người bình thường. Các tác nhân gây nhiễm trùng có thể là virus, vi khuẩn hoặc nấm. Bằng cách tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây nhiễm trùng, bạn và gia đình có thể ngăn ngừa được các biến chứng mà chúng gây ra, nhất là đối với bệnh nhân bị ung thư.
1.Nguyên nhân gây nhiễm trùng ở những người mắc bệnh ung thư
Nhiễm trùng là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh ung thư và các phương pháp điều trị ung thư. Điều này là do ung thư, cũng như những phương pháp điều trị của nó có thể làm suy yếu dần hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Thông thường, hệ thống miễn dịch là một nhóm cơ quan, mô và tế bào kết hợp với nhau để chống lại sự nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng là do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, sinh sôi và gây bệnh tật.
Một số căn bệnh nhiễm trùng có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm. Dưới đây là các loại vi trùng phổ biến có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, bao gồm:
- Vi khuẩn
- Virus
- Động vật nguyên sinh (một số loại hoạt động như ký sinh trùng)
- Nấm
Trên thực tế, bản thân một số loại ung thư cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị căn bệnh ung thư của mình. Một khi các tế bào ung thư được loại bỏ và quá trình điều trị kết thúc, nguy cơ nhiễm trùng sẽ giảm xuống đáng kể.
Đối với hầu hết những người mắc bệnh ung thư, nguy cơ cao nhất bị nhiễm trùng nghiêm trọng chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân đều khác nhau và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư cũng tương tự như thế. Vì vậy, nguy cơ nhiễm trùng của bạn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào loại ung thư mà bạn mắc phải, cũng như loại phương pháp điều trị mà bạn thực hiện.
Ngoài ra, nhiễm trùng phát triển ở những người bị ung thư hoặc đang điều trị ung thư cũng có thể nghiêm trọng hơn so với những người khỏe mạnh khác. Hơn nữa, nhiễm trùng cũng làm cho ung thư trở nên khó điều trị hơn. Nếu bạn bị ung thư, tốt nhất cần theo dõi chặt chẽ, phát hiện và điều trị nhiễm trùng ngay từ sớm trước khi chúng trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Các bộ phận cơ thể dễ bị nhiễm trùng nhất
Dưới đây là các vị trí bị nhiễm trùng phổ biến nhất ở những người mắc ung thư, bao gồm:
- Da và niêm mạc (bên trong miệng, âm đạo và ruột)
- Hệ tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày và ruột)
- Phổi và đường thở (xoang và cổ họng)
- Hệ thống tiết niệu (bàng quang và thận)
- Hệ thần kinh (não và tủy sống)
- Da và mô xung quanh ống thông tĩnh mạch trung tâm (CVC).
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
*Giảm bạch cầu trung tính: một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị, xạ trị, cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép tủy xương có thể dẫn đến tình trạng giảm bạch cầu trung tính (một thành phần của tế bào bạch cầu trong máu). Điều này đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch của bạn đã trở nên suy yếu hơn, và cơ thể không đủ khả năng để chống lại nhiễm trùng hiệu quả như bình thường.
*Các loại thuốc: ví dụ như steroid có thể khiến cho hệ thống miễn dịch của bạn dần suy yếu, và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
*Một số loại ung thư: chẳng hạn như ung thư ảnh hưởng đến tủy xương, hoặc những loại di căn vào xương có thế làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
*Viêm niêm mạc: là tình trạng kích ứng hoặc đau niêm mạc đường tiêu hóa. Những bệnh nhân mắc phải tình trạng này thường dễ bị lở miệng do nhiễm trùng.
*Một số bệnh mãn tính: như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hoặc bệnh tự miễn dịch.
*Các yếu tố khác: chẳng hạn như dinh dưỡng kém, căng thẳng hoặc thiếu ngủ.
4. Dấu hiệu nhiễm trùng ở những người bị ung thư
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng ở những bệnh nhân bị ung thư, bao gồm:
- Sốt cao
- Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi
- Đau họng
- Xuất hiện vết loét hoặc lớp phủ màu trắng ở trên lưỡi và trong miệng
- Ho hoặc khó thở
- Nghẹt mũi
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, nước tiểu có máu hoặc đục
- Đỏ, sưng tấy, chảy dịch hoặc nóng tại vị trí bị chấn thương, vết thương phẫu thuật hoặc bất kỳ vùng da nào, bao gồm cả vùng sinh dục và trực tràng.
- Đau hoặc căng ở dạ dày và bụng
- Cứng gáy
- Đau xoang, đau tai hoặc đau đầu
Sốt được xem là dấu hiệu nhiễm trùng đầu tiên ở những người bị ung thư. Đối với những bệnh nhân bị giảm bạch cầu có thể không xuất hiện các triệu chứng khác của bệnh nhiễm trùng, ngoại trừ sốt. Để kiểm tra thân nhiệt, bạn có thể sử dụng nhiệt kế hoặc nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Tuyệt đối không tự tiện dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ từ trước.
Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
5. Làm thế nào để kiểm soát và điều trị nhiễm trùng
*Xác định được nguyên nhân gây nhiễm trùng: đây là bước quan trọng đầu tiên để kiểm soát được nguy cơ nhiễm trùng đối với các bệnh nhân ung thư. Hầu hết các loại vi trùng đều lợi dụng cơ hội phòng thủ yếu của hệ miễn dịch để xâm nhập và gây bệnh. Khi biết được chính xác tác nhân nào dẫn đến nhiễm trùng sẽ giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra các lựa chọn điều trị hơn cho bệnh nhân.
Một số loại xét nghiệm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây ra nhiễm trùng, ví dụ như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, xét nghiệm kháng nguyên virus, xét nghiệm nhuộm gram, hoặc xét nghiệm vi nấm nuôi cấy định danh. Những loại xét nghiệm này có thể xác định chính xác được loại vi rút hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng.
*Sử dụng thuốc: ban đầu, các loại thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định sử dụng để điều trị cho các tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc điều trị có thể thay đổi sau khi bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và xác định rõ được tác nhân cũng như loại thuốc nào sẽ hoạt động hiệu quả nhất trong điều trị.
Nhiễm trùng ở bệnh nhân ung thư thường được điều trị dựa theo mầm mống gây ra chúng. Một số loại thuốc chống nhiễm trùng được sử dụng phổ biến giúp ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn
- Thuốc chống nấm được sử dụng để điều trị nhiễm nấm
- Thuốc chống virus được sử dụng để điều trị nhiễm vi rút
- Thuốc chống động vật nguyên sinh để điều trị nhiễm trùng động vật nguyên sinh
*Điều trị nhiễm khuẩn: khi điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn ở những người có hệ thống miễn dịch yếu, một số loại thuốc kháng sinh sẽ được lựa chọn đầu tiên, đặc biệt khi bác sĩ chưa chắc chắn chính xác được nguyên nhân gây ra nhiễm trùng. Những loại thuốc này thường là thuốc kháng sinh phổ rộng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng cùng lúc nhiều loại kháng sinh khác nhau để điều trị nhiễm trùng.
Tuy nhiên, có một số loại vi khuẩn có khả năng kháng thuốc, vì chúng không còn phản ứng với những loại thuốc kháng sinh đã tiêu diệt chúng trước đó, ví dụ như chủng Staphylococcus (tụ cầu).
Vì vậy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh không phải là một phương pháp hiệu quả khi điều trị nhiễm trùng. Khi đó, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để thay đổi sang loại thuốc có khả năng tiêu diệt mạnh mẽ hơn.
6. Các biện pháp giúp phòng ngừa nhiễm trùng ở bệnh nhân ung thư
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc nhiễm trùng, những bệnh nhân bị ung thư cần lưu ý những điều sau đây:
- Vệ sinh tay chân, răng miệng thường xuyên
- Sát trùng vết thương để tránh nhiễm trùng
- Áp dụng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng, chú ý uống nhiều nước
- Ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên
- Dùng thuốc theo đúng sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian uống thuốc
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: cancer.org