Làn da trẻ vốn rất nhạy cảm do đó, việc mọc mụn trên đầu ở trẻ em thường xuyên xảy ra. Có một số mụn sẽ tự khỏi mà không cần điều trị nhưng cũng không ít trường hợp tình trạng này là dấu hiệu của bệnh lý nào đó. Các bậc phụ huynh hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân trẻ mọc mụn ở đầu qua bài viết dưới đây!
1. Trẻ mọc mụn ở đầu có nguy hiểm không?
Mùa hè nóng bức đến là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn xâm nhập và phát triển trên cơ thể con người. Trẻ em vốn có sức đề kháng kém do đó dễ bị vi khuẩn tấn công. Dấu hiệu của tình trạng này là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nổi mụn nước, mụn mủ, phát ban... ở các bộ phận trên cơ thể.
Khi mọc mụn trên đầu ở trẻ nhỏ, ba mẹ thường vô cùng lo lắng và tự hỏi: “Trẻ mọc mụn ở đầu có nguy hiểm không?”. Bởi đầu là vị trí quan trọng, nếu việc điều trị mụn ở đầu sai cách có thể dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng.
Thực tế, nếu các bé mọc mụn ở đầu vì nóng trong thì ba mẹ không nên quá lo lắng. Bởi chỉ cần duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh các mụn nhọt trên đầu sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy vậy, nếu trẻ bị mụn ở đầu do vi khuẩn tụ cầu gây ra thì sẽ rất nguy hiểm. Đây là tình trạng các các đám nhỏ vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi trên bề mặt da đầu của trẻ. Chứng bệnh này được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não.
Khi mụn trên đầu vỡ ra khiến vi khuẩn xâm nhập vào phần mô mềm của não dẫn đến các dấu hiệu: Sốt cao, buồn nôn và hôn mê kéo dài,... Khi đó, các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, khi bị mụn nhọt trên đầu do các bệnh lý như: Sởi, thủy đậu, vẩy nến,... cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển của các bé.
2. Nguyên nhân mọc mụn trên đầu ở trẻ nhỏ?
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh mọc mụn ở đầu có thể xuất phát từ các nguyên nhân gián tiếp hoặc nguyên nhân trực tiếp.
2.1 Điều kiện môi trường sống
Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào da đầu. Theo nghiên cứu, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng núi cao có tỷ lệ mắc bệnh lý này cao hơn do môi trường sống có nhiều ao hồ, rừng núi.
2.2 Vệ sinh cơ thể không đảm bảo
Một số bậc phụ huynh xem nhẹ việc giữ gìn vệ sinh cơ thể cho các bé. Điều này khiến trẻ đổ mồ hôi đầu nhiều hơn, các lỗ chân lông bị tắc và không đào thải được độc tố ra ngoài dẫn đến mụn nhọt.
2.3. Nóng trong người
Nóng trong là hiện tượng gây mụn cả ở người lớn lẫn trẻ nhỏ. Đa số trẻ em có các chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện, trong đó có lá gan. Khi gan chưa hoàn thiện sẽ khiến việc đào thải chất độc gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một chế độ ăn bị mất cân bằng do có lượng đạm cao khiến trẻ bị nóng trong và gây ra tình trạng mụn nhọt.
2.4 Các nguyên nhân khác
- Trẻ sơ sinh mọc mụn ở đầu có thể do việc bú nhiều sữa mẹ chứa nhiều thành phần hormone thay đổi.
- Trẻ có thể bị dị ứng một số thành phần trong sữa tắm, dầu gội đầu dẫn đến tình trạng mọc mụn trên đầu.
3. Cách chăm sóc khi trẻ mọc mụn ở đầu
Dù trên đầu trẻ xuất hiện bất cứ mụn to hay mụn nhỏ, ba mẹ cũng nên quan sát kỹ càng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các hệ lụy không đáng có. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc trẻ mọc mụn ở đầu.
- Tuyệt đối việc tránh mua thuốc kháng sinh để tiêu độc cho trẻ khi chưa có sự kê đơn của bác sĩ. Đây là sai lầm mà nhiều phụ huynh mắc phải có thể khiến mụn trên đầu trở nên nghiêm trọng hơn.
- Một số phương pháp, bài thuốc dân gian được truyền miệng có thể không hiệu quả trong điều trị mọc mụn trên đầu ở trẻ nhỏ. Do đó, bạn nên thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các phương pháp này. Bởi các loại lá, bài thuốc dân gian có thể là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào bề mặt da bị tổn thương.
- Không được tự ý bóp, nặn mụn ở vị trí trên đầu. Điều này có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Các hóa chất trong thành phần dầu gội, sữa tắm có thể gây kích ứng cho các bé. Do đó, bạn nên hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm này cho trẻ khi bị mụn ở đầu.
- Luôn bổ sung đủ nước và chế độ dinh dưỡng cho các bé
- Lựa chọn các trang phục thoải mái và có chất liệu thấm hút tốt để các bé mặc sẽ thoải mái hơn.
- Luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể cho các bé bằng việc lâu rửa và tắm hàng ngày.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nhất là khu vực phòng ngủ, phòng chơi đùa của các bé.
- Khi trẻ bị mụn ở đầu kèm theo các dấu hiệu như: Mụn mủ, sốt cao, buồn nôn,... thì cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.
Như vậy có thể thấy ba mẹ không nên chủ quan khi trẻ mọc mụn ở đầu. Bởi vi khuẩn có thể từ đây đi vào máu gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: dalieu.vn