Tại sao không thể trị khỏi viêm gan B mà viêm gan C lại có thể?

Viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Theo các cuộc điều tra dịch tễ, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở nước ta là từ 10 - 12%, trong khi tỷ lệ nhiễm viêm gan C là từ 2 - 4%. Ở những người tiêm chích ma túy, tỷ lệ nhiễm viêm gan C lên đến 80 - 90%. Cả viêm gan B và viêm gan C đều có thể dẫn đến các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Sự nguy hiểm của virus viêm gan B và viêm gan C

Virus viêm gan B và C đều là những virus có diễn biến chậm và thời gian ủ bệnh kéo dài trung bình từ 1 đến 3 tháng. Cả hai loại viêm gan này đều tiến triển âm thầm và thường không có triệu chứng đặc hiệu, ngoại trừ giai đoạn cấp tính. Ở giai đoạn cấp, viêm gan B thường có triệu chứng rõ ràng hơn viêm gan C, với các biểu hiện như: mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, vàng da, nước tiểu sẫm màu.

90% người mắc viêm gan B và C không biết tình trạng bệnh của mình do không có triệu chứng lâm sàng. Người bệnh chỉ đi khám khi đã có triệu chứng nên khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Cụ thể, nhiều bệnh nhân chỉ biết mình mắc bệnh khi cảm thấy đau tức vùng gan, đi khám và siêu âm phát hiện khối u gan lớn, gây đau tức ở vùng hạ sườn phải.

Một số bệnh nhân tình cờ phát hiện mình mắc viêm gan B hoặc C khi đi khám bệnh khác và làm xét nghiệm men gan, thấy men gan tăng cao gấp 3-4 lần bình thường. Kết quả đo độ xơ hoá của gan đã là F4, tức là xơ gan. Mặc dù viêm gan B đã có vắc xin phòng bệnh, tỷ lệ tiêm phòng ở người lớn vẫn còn rất thấp.

Cả viêm gan B và viêm gan C đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan và suy gan cấp tính. Theo thống kê, tử vong do xơ gan và ung thư gan đứng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong, trong đó khoảng 80% bệnh nhân mắc ung thư gan do viêm gan B và viêm gan C.

Virus viêm gan B và C có các đường lây truyền tương tự nhau, bao gồm đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Viêm gan B chủ yếu lây qua đường từ mẹ sang con, trong khi viêm gan C chủ yếu lây qua đường máu, đặc biệt là do dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích qua da.


Virus viêm gan B, viêm gan C tiến triển chậm và ủ bệnh trong thời gian dài.
Virus viêm gan B, viêm gan C tiến triển chậm và ủ bệnh trong thời gian dài.

Trong gia đình, nếu có một người mắc viêm gan B hoặc C, các thành viên khác cũng có nguy cơ cao bị nhiễm virus này do lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Đường lây qua máu là dễ nhất, có thể xảy ra khi dùng chung hoặc dùng nhầm bàn chải đánh răng. Vậy viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn?

2. Viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn?

Khi xét về khả năng lây nhiễm, virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao gấp 5 - 10 lần so với viêm gan C, do đó, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B thường cao hơn viêm gan C.

Triệu chứng bệnh của viêm gan C thường khó nhận biết hơn viêm gan B vì người mắc viêm gan C ít có biểu hiện vàng da rõ rệt. Triệu chứng viêm gan C thường rất mơ hồ, giống cảm cúm như sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau vùng hạ sườn phải. Viêm gan C thường chỉ được phát hiện khi tình cờ hoặc khi bệnh đã tiến triển và gây ra biến chứng.

Về biện pháp phòng ngừa, hiện nay viêm gan B có khả năng lây lan nhanh nhưng chúng ta có thể chủ động phòng tránh bằng việc tiêm ngừa vắc-xin. Trong khi đó, viêm gan C hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Bên cạnh đó, virus viêm gan C luôn ở dạng hoạt động và tấn công liên tục tế bào gan. Ngược lại, virus viêm gan B có thể tồn tại ở dạng thể ngủ. Khi virus HCV tấn công liên tục và kèm theo thói quen lạm dụng rượu bia, có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, khoảng hơn 70% người nhiễm virus viêm gan C tiến triển sang giai đoạn mạn tính, hệ miễn dịch cơ thể khó có thể tự đào thải virus.

Cuối cùng, cả viêm gan B và viêm gan C mạn tính hiện nay đều có thể điều trị bằng các thuốc kháng virus khác nhau. Điều trị viêm gan B với thuốc kháng virus có thể làm chậm sự tiến triển của xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan, cải thiện thời gian sống và thường phải dùng thuốc suốt đời. Trong khi đó, viêm gan C có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phác đồ điều trị thuốc kháng virus đường uống trong 12 tuần, đạt hiệu quả với hơn 95% số người bệnh, từ đó giảm nguy cơ tử vong do xơ gan và ung thư gan. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan C vẫn còn hạn chế. 


Để giải đáp viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn, chuyên gia cho biết viêm gan C có thể tiến triển sang giai đoạn mạn tính cao hơn, nhưng lại có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Để giải đáp viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn, chuyên gia cho biết viêm gan C có thể tiến triển sang giai đoạn mạn tính cao hơn, nhưng lại có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Theo các chuyên gia, viêm gan C nguy hiểm hơn viêm gan B do tính chất bệnh phát triển âm thầm và khả năng tiến triển thành mạn tính cao. Tuy nhiên, viêm gan C hiện đã có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn.

3. Viêm gan B, viêm gan C có chữa khỏi được không?

Hiện nay, các thuốc điều trị viêm gan B chỉ làm giảm và khống chế sự nhân lên của virus chứ không thể tiêu diệt sạch hoàn toàn virus viêm gan B. Điều này được giải thích là do khi virus viêm gan B xâm nhập vào tế bào gan, lúc này đoạn gen của virus viêm gan B sẽ được phóng thích vào trong nhân của tế bào gan rồi cuộn tròn trong đó, chưa có loại thuốc nào hiện nay có thể ngấm vào bên trong nhân của tế bào gan. Vì vậy, bệnh viêm gan B không thể điều trị khỏi hoàn toàn được.

Ngược lại với virus viêm gan B, viêm gan C có thể điều trị khỏi là do virus viêm gan C khi xâm nhập vào tế bào gan người thì chỉ nhân lên trong tế bào chất, không xâm nhập vào nhân tế bào gan giống như virus viêm gan B. Vì vậy, các thuốc điều trị virus viêm gan C hiện nay có thể tiêu diệt sạch hoàn toàn các virus trong tế bào gan. Bệnh nhân nhiễm viêm gan C hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh.

4. Các biện pháp phòng chống và điều trị nhiễm viêm gan B và viêm gan C

4.1. Đối với người chưa nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C

  • Tiêm vắc xin viêm gan B: Đây là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất để phòng ngừa viêm gan B. Trẻ sơ sinh nên được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh tại bệnh viện. Trẻ lớn và người lớn chưa tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng nên được tiêm bổ sung. Trẻ em khi được 2, 3 và 4 tháng tuổi cần tiếp tục tiêm vắc xin 5 trong 1, bao gồm thành phần vắc xin viêm gan B.
  • Phòng ngừa nhiễm virus viêm gan B và C: Nếu chưa được tiêm vắc xin viêm gan B, mọi người cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm qua đường máu và đường tình dục.  
  • Phòng chống ma túy: Tránh xa ma túy và không sử dụng chung kim tiêm. Những người nghiện ma túy cần thực hiện cai nghiện tại các cơ sở điều trị Methadone.
  • An toàn truyền máu và tiêm chích: Thực hiện các biện pháp an toàn khi truyền máu và tiêm chích qua da là cách tốt nhất để phòng chống nhiễm virus viêm gan C.
  • Xét nghiệm sàng lọc cho phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong các kỳ khám thai để kịp thời phát hiện và quản lý bệnh.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần mỗi năm để kiểm tra và phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus viêm gan B và C (nếu có). 

Khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để xác định bản thân có nhiễm virus gây viêm gan hay không.
Khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để xác định bản thân có nhiễm virus gây viêm gan hay không.

4.2. Với người đã nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C chưa dùng thuốc kháng virus

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Người nhiễm viêm gan B mãn tính cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng một lần. Với người nhiễm viêm gan C trên 6 tháng, cần đo tải lượng virus HCV-RNA để xác định viêm gan C mãn tính hay đã tự khỏi. Nếu được chẩn đoán viêm gan C mãn tính, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc kháng virus ngay.
  • Phòng ngừa lây truyền: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền virus viêm gan B và C sang người khác.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh sử dụng rượu, bia. Lựa chọn thực phẩm không độc hại cho gan, thận trọng khi dùng các thuốc điều trị bệnh lý khác có hại cho gan và không dùng thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc.

4.3. Với người nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C đang dùng thuốc kháng virus

  • Tuân thủ điều trị: Tuân thủ điều trị thuốc kháng virus viêm gan B và viêm gan C theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám định kỳ: Định kỳ tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
  • Tránh tự ý ngưng thuốc: Không dùng thuốc thảo dược, thuốc nam mà tự ý bỏ thuốc kháng virus.
  • Điều trị lâu dài: Viêm gan B mãn tính hiện chưa có thuốc điều trị triệt để, việc điều trị phải tiến hành lâu dài. Ngược lại, viêm gan C mãn tính đã có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn.

Hy vọng qua bài viết này, người đọc đã hiểu rõ hơn những thông tin cần thiết về bệnh viêm gan B và viêm gan C, cũng như giải đáp được câu hỏi "viêm gan B và viêm gan C cái nào nguy hiểm hơn?". Mỗi loại viêm gan đều có những đặc tính nguy hiểm riêng và đều là những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Do đó, cần duy trì thói quen sống lành mạnh để phòng ngừa, và khi phát hiện bệnh, cần tiến hành điều trị ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe