Tại sao chụp MRI được ưu tiên sử dụng khi chẩn đoán rách sụn viền khớp vai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Việc chẩn đoán rách sụn viền khớp vai là rất cần thiết trong việc điều trị bệnh, tránh các biến chứng, tổn thương nặng ở khớp vai. Tuy nhiên, rách sụn viền khớp vai là tổn thương khó, vị trí nằm sâu trong khớp nên việc thăm khám chủ yếu là bằng những nghiệm pháp lâm sàng chuyên khoa và đặc biệt là chụp MRI khớp vai.

1. Rách sụn viền khớp vai là gì?

Khớp vai được cấu tạo gồm chỏm xương cánh tay và ổ chảo xương bả vai. Tuy nhiên, do ổ chảo xương cánh tay khá nông và chỉ bao phủ 1/3 chu vi của chỏm, vì vậy khớp vai dễ mất vững nếu không có sụn viền tăng cường. Sụn viền là cấu trúc rất vững chắc, cho phép khớp vai vận động với biên độ rất lớn, lớn nhất trong các khớp của cơ thể. Nguyên nhân rách sụn viền khớp vai có thể do:

  • Chấn thương ở khớp vai như té ngã chống tay, té đập vai, kéo giật vai...
  • Sụn viền khớp vai bị rách do thoái hóa, các động tác lặp đi lặp lại hay thoái hóa theo tuổi tác.

Rách sụn viền khớp vai là một tổn thương hay gặp, nhưng người bệnh lại thường bỏ qua triệu chứng và tiếp tục hoạt động hàng ngày khiến khớp vai ngày càng tổn thương nghiêm trọng hơn. Các biểu hiện của rách sụn viền khớp vai bao gồm:

  • Khớp vai thường xuyên bị đau, đau tăng khi khi đi ngủ, thực hiện một động tác như quay cánh tay,...
  • Khớp vai có tiếng lạo xạo khi cử động vai, giới hạn vận động ở khớp và cánh tay
  • Khớp vai luôn ở trong tình trạng tách rời không gắn kết, vai yếu, hay mỏi và đau dù người bệnh không vận động nặng nhiều ở vai.

Rách sụn viền khớp vai là một tổn thương hay gặp
Rách sụn viền khớp vai là một tổn thương hay gặp

2. Chẩn đoán rách sụn viền khớp vai

Rách sụn viền khớp vai có nhiều dạng, cụ thể như sau:

  • Rách sụn viền trước - dưới, tổn thương này làm cho khớp vai lỏng lẻo, dễ bị trật trở lại.
  • Rách sụn viền trên từ trước ra sau: Thường xảy ra ở những người hoạt động cần đưa tay lên trên cao quá đầu như chơi quần vợt, bóng chuyền,
  • Rách sụn viền sau: ít gặp hơn, thường xảy ra ở vận động viên.

Việc chẩn đoán rách sụn viền khớp vai là rất cần thiết trong việc điều trị bệnh, tránh các biến chứng, tổn thương nặng ở khớp vai. Tuy nhiên, việc thăm khám chủ yếu là bằng những nghiệm pháp lâm sàng chuyên khoa và đặc biệt là chụp MRI chẩn đoán rách sụn viền khớp vai, tốt hơn nếu có thể là tiêm thuốc tương phản nội khớp vì rách sụn viền khớp vai là tổn thương khó, vị trí nằm sâu trong khớp.


Việc chẩn đoán rách sụn viền khớp vai là rất cần thiết trong việc điều trị bệnh
Việc chẩn đoán rách sụn viền khớp vai là rất cần thiết trong việc điều trị bệnh

3. Điều trị, phòng tránh rách sụn viền khớp vai

3.1. Điều trị rách sụn viền khớp vai

  • Điều trị nội khoa kết hợp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng: Phương pháp này sử dụng trong trường hợp tổn thương nhẹ, không quá nghiêm trọng. Dùng thuốc giảm đau, giảm viêm, giảm căng cơ, thuốc an thần.
  • Phẫu thuật: Sử dụng trong trường hợp rách sụn viền lớn, tổn thương nặng. Có thể sử dụng phương pháp nội soi khớp vai để tiến hành khâu lại sụn bị rách.

3.2. Phòng tránh rách sụn viền khớp vai

Để phòng tránh các chấn thương khớp vai cũng như rách sụn viền khớp vai, mỗi người cần:

  • Vận động cơ thể, cử động vai theo cái bài tập nhẹ nhàng nhằm tăng độ dẻo dai, linh hoạt cho xương khớp,...
  • Trong sinh hoạt hàng ngày, tránh va chạm làm tổn thương đến sụn viền cũng như khớp vai.
  • Là vận động viên, nếu tham gia các môn thể thao thì khởi động thật kỹ trước khi tham gia và hạn chế tối đa các va chạm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe