Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên có thể xảy ra do chèn ép từ bên ngoài, hẹp nội tại hoặc huyết khối ngay trong lòng mạch. Trong đó, các khối u ác tính thường là nguyên nhân chính gây tắc tĩnh mạch chủ trên và được coi là một cấp cứu của chuyên ngành ung thư. Vì vậy, nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tắc tĩnh mạch chủ trên sẽ nhanh chóng đe dọa tính mạng người bệnh.
1. Hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên là gì?
Tĩnh mạch chủ trên là mạch dẫn lưu chính cho máu của hệ tĩnh mạch từ đầu, cổ, chi trên và ngực trên về tâm nhĩ phải. Vị trí tĩnh mạch chủ trên nằm ở trung thất giữa và được bao quanh bởi các cấu trúc tương đối cứng như xương ức, khí quản, phế quản phải, động mạch chủ, động mạch phổi và các hạch bạch huyết quanh miệng và ống khí quản. Cấu trúc thành mạch mỏng, có áp suất thấp nên tĩnh mạch chủ trên sẽ trở nên dễ vỡ khi bị đè nén, tắc nghẽn.
Tắc tĩnh mạch chủ trên là tình trạng tắc nghẽn dòng máu qua tĩnh mạch chủ trên. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và thường biểu hiện ở những bệnh nhân có quá trình bệnh ác tính trong lồng ngực. Do đó, khi một bệnh nhân nhập viện với các dấu hiệu nghi ngờ của tắc tĩnh mạch chủ trên thì cần được đánh giá chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.
Sự tắc nghẽn của tĩnh mạch chủ trên có thể được gây ra bởi sự xâm lấn tân sinh của thành tĩnh mạch liên quan đến huyết khối trong lòng mạch hoặc đơn giản hơn là do áp lực bên ngoài của một khối u lên tĩnh mạch chủ trên. Đặc biệt, đối với tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên hoàn toàn, đây là kết quả của huyết khối trong lòng mạch kết hợp đồng thời cả với áp lực bên ngoài. Ngược lại, tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên không hoàn toàn thường do thứ phát hơn, vì từ áp lực bên ngoài mà không có huyết khối.
Ngoài ra, các tình trạng không ác tính có thể gây ra tắc tĩnh mạch chủ trên như xơ hóa trung thất; các bệnh mạch máu, chẳng hạn như chứng phình động mạch chủ, viêm mạch và rò động mạch; các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao, bệnh giang mai; các khối u trung thất lành tính như u quái, u nang, u tuyến ức và u nang bìu...
Tiên lượng ở bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch chủ trên phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của bệnh cơ bản. Nếu vì nguyên nhân lành tính, tuổi thọ bệnh nhân không thay đổi. Ngược lại, nếu là thứ phát của một bệnh lý ác tính, thời gian sống còn của bệnh nhân tương quan với mô bệnh học của khối u. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tắc tĩnh mạch hoàn toàn và có các dấu hiệu, triệu chứng của phù thanh quản và phù não, tính mạng sẽ bị đe dọa nhanh chóng, nguy cơ đột tử rất cao.
2. Cách tiếp cận chẩn đoán lâm sàng tắc tĩnh mạch chủ trên
2.1. Bệnh sử
Ở giai đoạn đầu của quá trình lâm sàng trong hội chứng tĩnh mạch chủ trên, tắc nghẽn một phần của tĩnh mạch chủ trên có thể không có triệu chứng gì hay thường bị bỏ qua các triệu chứng mơ hồ.
Khi hội chứng tiến triển tới tới tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên toàn bộ, các triệu chứng và dấu hiệu cổ điển trở nên rõ ràng hơn. Cụ thể, khó thở là triệu chứng phổ biến nhất, các triệu chứng khác bao gồm sưng mặt, nhức đầu, ho, sưng cánh tay, đau ngực, khó nuốt, rối loạn thị trường, khàn giọng, nói lắp, nghẹt mũi, buồn nôn, tràn dịch màng phổi và choáng váng.
2.2. Thăm khám
Các dấu hiệu thực thể đặc trưng của tắc tĩnh mạch chủ trên bao gồm căng phồng tĩnh mạch cổ và thành ngực, phù mặt, phù chi trên, thay đổi tri giác, tràn dịch màng phổi, tím tái, phù gai thị, sững sờ và thậm chí hôn mê.
Đôi khi, các triệu chứng thay đổi theo tư thế người bệnh như cúi người về phía trước hoặc nằm xuống có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng này.
2.3. Biến chứng
Các biến chứng của tắc tĩnh mạch chủ trên có thể bao gồm:
- Phù thanh quản
- Phù não
- Giảm cung lượng tim kèm theo hạ huyết áp
- Thuyên tắc phổi (khi có huyết khối kèm theo)
3. Các phương tiện hình ảnh chẩn đoán lâm sàng tắc tĩnh mạch chủ trên
Bệnh nhân có hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên có thể được chẩn đoán bằng cách khám sức khỏe đơn thuần. Tuy nhiên, các bằng chứng thuyết phục vẫn yêu cầu cần có hình ảnh chẩn đoán
3.1. Chụp X quang ngực
Chụp X quang ngực có thể cho thấy một trung thất giãn rộng hoặc một khối ở bên phải của ngực.
3.2. Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp điện toán vi tính (CT) có ưu điểm là cung cấp thông tin chính xác hơn về vị trí của yếu tố gây tắc nghẽn và có thể hướng dẫn cách thức sinh thiết bằng nội soi trung thất, nội soi phế quản hoặc chọc hút kim nhỏ qua da. Công cụ này cũng cung cấp thông tin về các cấu trúc quan trọng khác, chẳng hạn như phế quản và dây thanh âm.
Theo đó, so với chụp xquang thông thường, chụp CT ngực là xét nghiệm thường được lựa chọn ban đầu để xác định tắc nghẽn là do chèn ép bên ngoài hay do huyết khối. Thông tin bổ sung là cần thiết vì sự hiện diện của các cấu trúc này định hướng cần can thiệp nhanh chóng để giảm áp lực cho vùng đầu – mặt - cổ.
3.3. Chụp cộng hưởng từ
Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong bối cảnh nhằm chẩn đoán tắc tĩnh mạch chủ trên nhưng đây cũng là công cụ đầy hứa hẹn. MRI có một số lợi thế tiềm năng vượt trội hơn so với CT ở ưu điểm cung cấp hình ảnh qua nhiều góc nhìn, cho phép hình dung trực tiếp dòng máu và không yêu cầu chất cản quang iốt như chụp CT.
Do đó, MRI là một phương pháp thay thế có thể chấp nhận được cho bệnh nhân suy thận hoặc những người bị dị ứng thuốc cản quang. Những bất lợi tiềm ẩn khi dùng MRI là mất thời gian hơn và tốn kém chi phí hơn.
3.4. Chụp tĩnh mạch
Chụp tĩnh mạch (venography) là công cụ chẩn đoán chuẩn xác nhất, đặc biệt còn giúp xác định chính xác căn nguyên của tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên.
Điều này đặc biệt quan trọng nếu xử trí phẫu thuật đang được xem xét đối với tĩnh mạch chủ bị tắc nghẽn cấp tính.
Ngày nay, chụp tĩnh mạch bằng tia phóng xạ technetium-99m là một phương pháp xâm lấn tối thiểu thay thế để tạo dựng hình ảnh hệ thống tĩnh mạch. Mặc dù hình ảnh thu được bằng phương pháp này không được xác định rõ ràng như hình ảnh đạt được bằng kỹ thuật chụp tĩnh mạch cản quang như trước đây, công cụ này vẫn cho thấy hiệu lực và lưu lượng của các dòng chảy.
3.5. Các công cụ khác
Hầu hết bệnh nhân có tình trạng tắc tĩnh mạch chủ trên xuất hiện trước khi chẩn đoán bệnh nguyên được thiết lập. Chính vì vậy, việc điều trị mà không có chẩn đoán xác định chỉ nên được bắt đầu ở những bệnh nhân có các triệu chứng tiến triển nhanh chóng hoặc ở những người bệnh đã cố gắng chẩn đoán mô học nhiều lần nhưng không thành công.
May mắn thay, các biện pháp tương đối không xâm lấn hay bán xâm lấn khác cũng giúp xác định bệnh nguyên trong bệnh cảnh tắc tĩnh mạch chủ trên như xét nghiệm tế bào đờm, nội soi phế quản...
4. Điều trị tắc tĩnh mạch chủ trên như thế nào?
Trong điều trị hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên, mục tiêu được đặt ra là làm giảm các triệu chứng và cố gắng chữa khỏi quá trình ác tính nguyên phát. Thực sự, chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên là khởi phát nhanh và có nguy cơ bị các biến chứng đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân có bệnh cảnh tắc tĩnh mạch chủ trên lâm sàng sẽ thường cải thiện đáng kể triệu chứng từ các biện pháp điều trị bảo tồn, bao gồm kê cao đầu giường và bổ sung oxy. Điều trị cấp cứu được chỉ định khi có phù não, giảm cung lượng tim hoặc phù đường hô hấp trên. Corticosteroid và thuốc lợi tiểu thường được sử dụng để giảm phù nề thanh quản hoặc phù não. Song song đó, xạ trị cũng đã được chấp thuận như một phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho hầu hết các bệnh nhân này. Ngoài ra, hóa trị có thể thích hợp hơn xạ trị cho bệnh nhân có khối u nhạy cảm hơn với hóa chất.
Các điều trị chống huyết khối được đặt ra khi tắc tĩnh mạch chủ trên là do huyết khối quanh ống tĩnh mạch chủ với thuốc làm tan huyết khối (ví dụ, streptokinase, urokinase, hoặc chất kích hoạt plasminogen mô tái tổ hợp) hoặc thuốc chống đông máu (ví dụ, heparin hoặc thuốc chống đông máu đường uống). Các thuốc này có hiệu quả nhất là khi bệnh nhân được điều trị trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Các điều trị can thiệp trong tắc tĩnh mạch chủ trên bao gồm đặt stent nội mạch qua da, phẫu thuật tạo hình tĩnh mạch kết hợp đặt stent... cần phải được tham vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân, nhất là trong các tình huống ung thư giai đoạn muộn và phải có sự đồng thuận của nhiều chuyên gia như phẫu thuật lồng ngực, huyết học và ung bướu.
Tóm lại, hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên là tập hợp các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng do tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dòng máu đi trong lòng mạch. Sự tắc nghẽn này thường là kết quả của quá trình hình thành huyết khối trong tĩnh mạch hoặc sự thâm nhập của khối u vào thành mạch, dựa theo các phương tiện chẩn đoán tắc tĩnh mạch chủ trên. Từ đó, các cách thức điều trị sẽ được cân nhắc, vừa cải thiện triệu chứng và vừa duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang tiếp tục trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI..., xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử, cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị các bệnh lý. Theo đó, quy trình thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh đều được thực hiện bởi các bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm.
Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Quá trình điều trị luôn được phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch, chuyên khoa tim mạch, Tế bào gốc và công nghệ gen; khoa Phục hồi chức năng, khoa tâm lý, khoa Dinh dưỡng... để đem lại hiệu quả cũng như sự thoải mái cao nhất cho người bệnh.
Đặc biệt, hiện nay để nâng cao chất lượng dịch vụ, Vinmec còn triển khai nhiều gói Khám sức khỏe tổng quát có thể sớm phát hiện các bệnh lý để có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: emedicine.medscape.com