Các tác dụng phụ của xạ trị ung thư

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo - Bác sĩ xạ trị - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xạ trị sử dụng các hạt có năng lượng cao hoặc các sóng (tia X, tia gamma..) chiếu vào nhằm hủy diệt khối u ung thư. Tuy nhiên, tác dụng phụ của xạ trị cũng có rất nhiều, đòi hỏi có các phương pháp khắc phục đi kèm.

1. Xạ trị ung thư là gì?

Xạ trị là một trong những vũ khí điều trị ung thư, có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc thuốc. Xạ trị chùm tia phóng xạ ion hóa (tia gamma, tia photon, tia beta, tia proton...) chiếu vào khối bướu ác tính nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tác dụng của chùm tia phóng xạ ion hóa sẽ phá hủy vật chất di truyền trong các tế bào ung thư dẫn tới làm các tế bào này chết hoặc mất khả năng phân chia. Từ đó làm ngừng sự phát triển của khối bướu.

Đội ngũ xạ trị bao gồm bác sĩ xạ trị, kĩ sư vật lý, điều dưỡng và các kĩ thuật viên xạ trị. Tất cả đều cần được đào tạo chuyên sâu về xạ trị để đảm bảo liều xạ, thể tích xạ trị, kĩ thuật xạ trị phù hợp, liều xạ đến các cơ quan lành của từng bệnh nhân, từ đó đưa ra chỉ định chính xác, lên kế hoạch xạ trị tối ưu và thực hiện xạ trị an toàn. Về cơ bản liều lượng tia xạ cần căn cứ vào từng bệnh nhân cụ thể, thể trạng bệnh nhân, loại ung thư và vị trí sang thương, giai đoạn bệnh,... Cần đưa tia xạ với liều lượng phù hợp tới vùng có khối bướu càng chính xác càng tốt, đồng thời đảm bảo an toàn cho những mô cơ quan lành xung quanh.


Cần đưa tia xạ với liều lượng phù hợp tới vùng có khối u càng chính xác càng tốt, đồng thời đảm bảo an toàn cho những tế bào lành xung quanh
Cần đưa tia xạ với liều lượng phù hợp tới vùng có khối u càng chính xác càng tốt, đồng thời đảm bảo an toàn cho những tế bào lành xung quanh

2. Các biến chứng của xạ trị ở giai đoạn sớm và muộn

  • Biến chứng sớm hay cấp tính: Thường thấy trên các tế bào cơ thể có tốc độ tăng trưởng nhanh như tế bào niêm mạc, da, tủy xương. Xuất hiện trong lúc xạ hoặc ngay sau xạ trị và tăng dần nếu vẫn tiếp tục xạ, đạt mức cao nhất ở tuần thứ 5 đến tuần thứ 7. Thông thường sẽ hồi phục khi kết thúc xạ trị và không để lại di chứng. Tác dụng phụ này có thể kéo dài hoặc nặng hơn nếu có hóa trị kèm theo.
  • Biến chứng muộn hay mạn tính: Tế bào chết đi với biểu hiện là teo mô hoặc tạng hay xơ hóa. Thông thường việc này diễn tiến chậm trong nhiều tháng, nhiều năm nhưng không hồi phục, gây ảnh hưởng hoặc làm mất chức năng của tạng.

Ngoài biến chứng, các tác dụng phụ của xạ trị có khá nhiều, đòi hỏi cần có các hướng dẫn chăm sóc cụ thể cho người bệnh.

3. Tác dụng phụ của xạ trị

3.1. Rụng tóc


Rụng tóc là tác dụng phụ thường gặp khi xạ trị ung thư
Rụng tóc là tác dụng phụ thường gặp khi xạ trị ung thư

Tại sao xạ trị ung thư gây rụng tóc? Điều này có thể giải thích là do phương pháp xạ trị làm hủy hoại tế bào nhanh chóng, trong đó có chân tóc khiến tóc bị rụng. Tình trạng này có thể kéo dài trong 2-3 tuần sau lần xạ trị đầu tiên.

3.2. Mệt mỏi

Nhiều bệnh nhân thấy mệt mỏi sau khi bắt đầu xạ trị một vài tuần. Lý do xạ trị không chỉ diệt tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến các tế bào lành. Cảm giác mệt mỏi sẽ kéo dài và có thể nặng hơn nếu bệnh nhân tiếp tục xạ trị. Ngoài ra, những căng thẳng áp lực về tinh thần cùng với quá trình di chuyển đến bệnh viện điều trị hằng ngày thường cũng là nguyên nhân đáng kể gây nên tình trạng mệt mỏi.

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, hỗ trợ dinh dưỡng tốt, ngoài ra có thể tập một số bài tập thể dục nhẹ nhàng. Bênh nhân cũng cần hỗ trợ về mặt tâm lý, để có tinh thần thoải mái, giữ các mối quan hệ tốt với người thân bạn bè, và nếu đươc duy trì các hoạt động xã hội trước đó. Khi ấy có thể cải thiện đáng kể tình trạng mệt mỏi này.

3.3. Các tác dụng phụ của xạ trị đối với da

Các biểu hiện trên da xuất hiện khi xạ trị gồm khô, ngứa, phát ban, đỏ, sẫm màu, phồng rộp, nứt... thường xuất hiện khi bệnh nhân bắt đầu điều trị 3 đến 4 tuần. Đây là một phản ứng bình thường khi xạ trị, do tác dụng của tia xạ lên tế bào da. Có thể cải thiện bằng cách làm ẩm da bằng dầu lô hội, lanolin hoặc vitamin E.

Tình trạng viêm da sẽ nặng hơn khi bệnh nhân tiếp tục xạ trị và cải thiện sau khi ngưng xạ khoảng 4 đến 8 tuần. Bệnh nhân khi xạ trị nên tránh dùng nước hoa, chất khử mùi và thuốc bôi trên da có chứa cồn hoặc nước hoa. Ngoài ra cũng nên tránh bột phấn trừ phi đã được bác sĩ đồng ý. Bệnh nhân nên mặc quần áo rộng rãi, hạn chế ma sát lên vùng da xạ. Tránh xa tiếp xúc với tác nhân nóng hoặc lạnh quá. Nếu bạn cần phải đi ra ngoài, hãy đội mũ và mặc quần áo bảo hộ và dùng kem chống nắng để bảo vệ da tốt hơn.

3.4. Tác dụng phụ của xạ trị đối với miệng và họng

Viêm miệng, làm khô miệng và mất vị giác có thể là do tia xạ làm tổn thương các tế bào niêm mạc vùng họng miệng, các tuyến nước bọt và các nhú vị giác bên trong miệng. Thông thường tình trạng viêm niêm mạc và mất vị giác sẽ cải thiện sau khi ngưng xạ 4 đến 8 tuần. Khô miệng có thể cải thiện chậm hơn và trong một số trường hợp có thể giảm tiết nước bọt lâu dài do tuyến nước bọt bị tổn thương không hồi phục do xạ trị.


Viêm miệng, làm khô miệng và mất vị giác do phóng xạ làm tổn thương các tuyến nước bọt và các nhú vị giác bên trong miệng
Viêm miệng, làm khô miệng và mất vị giác do phóng xạ làm tổn thương các tuyến nước bọt và các nhú vị giác bên trong miệng

Việc giữ vệ sinh răng miệng là yếu tố quan trọng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Nếu miệng bắt đầu đau, bạn sẽ được cho thuốc làm tê miệng hoặc làm giảm đau. Thuốc nên được uống trước bữa ăn để giúp người bệnh ăn dễ hơn vì dinh dưỡng tốt rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư.

Xạ trị vùng đầu và cổ có thể ảnh hưởng đến răng. Việc chăm sóc răng miệng để phòng ngừa những di chứng lên răng miệng cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị.

3.4 Đối với não

Xạ trị trên một phạm vi lớn trong não đôi khi có thể gây thay đổi chức năng não có thể dẫn đến mất trí nhớ, giảm khả năng nhận thức, giảm ham muốn tình dục hoặc thích ứng kém với khí hậu lạnh. Người bệnh cũng có thể gặp những triệu chứng như buồn nôn, loạng choạng, thay đổi thị giác. Thông thường những triệu chứng này chỉ là thứ yếu nếu so với những triệu chứng gây ra bởi u não, nhưng chúng có thể gây phiền phức ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hằng ngày.

3.5 Đối với phổi

Khi xạ trị ở ngực, phổi có thể bị ảnh hưởng. Thay đổi sớm có thể gặp là giảm lượng surfactant, là một chất của phổi giúp đường dẫn khí được mở thông thoáng. Giảm surfactant làm cho phổi không thể nở ra hết mức dẫn đến thở ngắn hoặc ho. Tùy thuộc vào vị trí xạ trị, một số bệnh nhân còn có thể thấy khó nuốt. Bị xơ hóa phổi cũng là một tác dụng phụ nếu có một vùng lớn ở phổi tiếp xúc với phóng xạ.

3.6 Đối với ống tiêu hóa

Xạ trị ở ngực và bụng có thể gây phù nề và viêm thực quản, dạ dày, ruột gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, hoặc tiêu chảy.

Có thể điều trị nôn và buồn nôn bằng thuốc. Nếu nặng, bệnh nhân có thể cần phải truyền dịch qua tĩnh mạch để tránh hoặc điều trị mất nước. Tiêu chảy có thể được điều trị bằng thuốc và tránh những thức ăn có gia vị, chiên, hoặc có độ xơ cao.

3.7 Đối với cơ quan sinh dục

  • Khả năng sinh sản

Xạ trị ở tinh hoàn có thể gây mất khả năng sản xuất tinh trùng vĩnh viễn cho nam giới. Trừ trường hợp điều trị ung thư tinh hoàn, còn trong các trường hợp khác tinh hoàn thường sẽ được bảo vệ khỏi phóng xạ bằng cách dùng một tấm giáp che chắn.

Đối với nữ giới, bảo vệ buồng trứng khi xạ trị ở bụng sẽ khó hơn. Nếu cả 2 buồng trứng đều bị tiếp xúc với phóng xạ, bệnh nhân sẽ mất khả năng sinh sản vĩnh viễn cùng với hiện tượng mãn kinh sớm. Tránh cho 1 buồng trứng tiếp xúc phóng xạ có thể ngăn ngừa được tác dụng phụ này.

  • Giảm chức năng tình dục ở nữ giới khi xạ trị

Xạ trị ở vùng chậu có thể làm cho âm đạo bị nhạy cảm và viêm trong suốt vài tuần sau điều trị. Khi tình trạng này lành có thể để lại sẹo, cản trở khả năng co giãn của âm đạo. Niêm mạc âm đạo cũng sẽ mỏng hơn, có thể gây chảy máu nhẹ sau khi quan hệ. Một số bệnh nhân còn bị loét gây đau ở âm đạo. Cần phải mất vài tháng sau điều trị, khu vực này mới có thể lành lại được.

  • Giảm chức năng tình dục ở nam giới khi xạ trị

Xạ trị ở khung chậu có thể làm tổn thương các động mạch và dây thần kinh cung cấp cho dương vật và gây ra những vấn đề về cương cứng. Liều xạ trị càng cao và vùng xạ trị ở khung chậu càng rộng thì bệnh nhân càng có nhiều khả năng gặp rắc rối về cương dương hơn.

3.8 Ung thư thứ phát

Một số trường hợp bị bệnh bạch cầu có liên quan đến tiếp xúc phóng xạ trước đó. Hầu hết các trường hợp xuất hiện bệnh trong vòng vài năm tiếp xúc với xạ trị, nguy cơ đạt đỉnh điểm vào khoảng thời gian từ 5 đến 9 năm sau tiếp xúc rồi sau đó giảm xuống dần. Những loại ung thư khác sau tiếp xúc với phóng xạ cần phải có nhiều thời gian hơn mới xuất hiện ví dụ ung thư vú, hoặc ung thư phổi.


Ung thư vú, hoặc ung thư phổi là những loại ung thư tiếp xúc với phóng xạ cần phải có nhiều thời gian hơn mới xuất hiện
Ung thư vú, hoặc ung thư phổi là những loại ung thư tiếp xúc với phóng xạ cần phải có nhiều thời gian hơn mới xuất hiện

4. Xạ trị ung thư sống được bao lâu?

Xạ trị là một trong những vũ khí điều trị ung thư. Do đó khi điều trị ung thư thường phải phối hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ, dinh dưỡng, vật lý trị liêu, ... để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Kết quả điều trị, khả năng chữa khỏi, thời gian sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Giai đoạn phát hiện và điều trị bệnh
  • Tính chất và kích thước khối u
  • Thể trạng và bệnh kèm theo của bệnh nhân
  • Chế độ dinh dưỡng và tinh thần người bệnh
  • Sự quan tâm động viên và chăm sóc từ người thân

Vì vậy thời gian sống từ vài tháng đến vài năm hoặc hơn nữa đều tùy thuộc vào sự cố gắng, kết hợp giữa của bệnh nhân, bác sĩ, phương pháp điều trị và cả người chăm sóc cho bệnh nhân.

5. Tại sao nên xạ trị ung thư tại Vinmec?


Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, trang bị đầy đủ các mô thức trong điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ
Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, trang bị đầy đủ các mô thức trong điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ

Thấu hiểu những khó khăn trong điều trị ung thư, đặc biệt là những tác dụng phụ không mong muốn của xạ trị gây ra cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã đầu tư xây dựng Trung tâm Ung Bướu hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, trang bị đầy đủ các mô thức trong điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ.

Đặc biệt, tại Trung tâm có ứng dụng các phương pháp xạ trị hiện đại vừa nâng cao tính hiệu quả trong điều trị ung thư vừa giúp giảm tác dụng phụ không mong muốn, giúp bệnh nhân vượt qua căn bệnh ung thư nhẹ nhàng nhất có thể.

Phòng bệnh đạt chuẩn theo chuẩn quốc tế cùng không gian bệnh viện văn minh, lịch sự không chỉ phục vụ việc điều trị hiệu quả mà còn mang tới tâm lý thoải mái, dễ chịu cho bệnh nhân, giảm tải những áp lực trong quá trình điều trị bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Lê Phước Thu Thảo có kinh nghiệm gần 15 năm trong việc điều trị trực tiếp bệnh nhân ung thư, đặc biệt là xạ trị ung thư và chăm sóc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chăm sóc giảm nhẹ và giảm đau. Bác sĩ Thảo đã từng tham gia nhiều khóa đào tạo nâng cao trong và ngoài nước như xạ trị nâng cao tại Singapore và Hàn Quốc, khóa đào tạo Giảng viên quốc gia Chăm sóc giảm nhẹ của Đại học Harvard. Hiện nay bác sĩ Thảo đang công tác tại Trung tâm Ung thư - Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02836221166 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe