Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Theo một thống kê gần đây tại Hoa Kỳ, hơn 1/4 người cao tuổi (trên 65 tuổi) từng bị ngã và 1/10 số bệnh nhân này bị chấn thương do ngã. Trong số người cao tuổi, té ngã chiếm khoảng 60% tổng số lần khám cấp cứu liên quan đến chấn thương và hơn 50% số ca liên quan đến chấn thương bị tử vong hàng năm. Dân số thế giới ngày càng già hoá, số lượng người cao tuổi ngày càng đông.
Theo đó, tỷ lệ té ngã ở người cao tuổi được điều trị y tế đang tăng dần. Điều này sẽ dẫn đến gánh nặng đáng kể cho hệ thống y tế nếu chúng ta không chú ý đến vấn đề ngăn ngừa té ngã.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây té ngã ở người cao tuổi như rối loạn tiền đình, hạ huyết áp tư thế, suy giảm thị lực, các vấn đề ở chi dưới và tác dụng phụ của thuốc. Ít người để ý rằng, sử dụng thuốc là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây té ngã ở người cao tuổi.
1. Sử dụng thuốc: Phổ biến ở người cao tuổi
Sử dụng thuốc là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi trong việc kiểm soát các vấn đề bệnh tật. Theo một thống kê cho thấy, hơn 80% người cao tuổi dùng ít nhất một loại thuốc theo toa mỗi ngày và hơn một phần ba bệnh nhân cao tuổi dùng từ năm loại thuốc trở lên.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn một nửa số tất cả người lớn tuổi (53%) đã sử dụng ít nhất một loại thuốc có tác dụng phụ liên quan đến té ngã. Điều này làm cho chúng ta phải nhận thức rằng việc quản lý thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa giảm nguy cơ ngã ở người cao tuổi.
Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ bị ngã liên quan đến thuốc cao hơn so với nam giới lớn tuổi vì phụ nữ sử dụng nhiều thuốc có thể gây té ngã (57% ở phụ nữ so với 49% ở nam giới). Cụ thể, phụ nữ lớn tuổi sử dụng nhiều thuốc giảm đau gây nghiện opioid hơn (37% giới nữ so với 33% giới nam) và benzodiazepine (19% giới nữ so với 11% giới nam).
2. Thuốc men gây nguy cơ té ngã tiềm ẩn
Sử dụng nhiều thuốc trong điều trị là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây té ngã, đặc biệt là trên đối tượng người cao tuổi. Thống kê cho thấy sử dụng nhiều thuốc cùng lúc có liên quan đến 67,9% bệnh nhân có tiền sử té ngã.
Do đó, té ngã có thể xảy ra do hậu quả trực tiếp của bệnh lý cơ địa của bệnh nhân hoặc có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc, hoặc kết hợp cả hai yếu tố này.
Các nhóm thuốc có liên quan đến tăng nguy cơ té ngã bao gồm: thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống lo âu và thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc hạ đường huyết và thuốc chống viêm không steroid...
Trong số này, nhóm thuốc hướng thần kinh sử dụng điều trị rối loạn tâm thần, lo lắng, trầm cảm, đau và rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương và có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng nguy cơ té ngã.
Các thuốc hướng thần tác động theo cơ chế ức chế cholinesterase có liên quan đến việc tăng tỷ lệ ngất, nhịp tim chậm, gây té ngã và gãy xương hông ở người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ. Những phát hiện trên làm nổi bật nhóm thuốc này như một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với té ngã. Các rủi ro này nên được cân nhắc cẩn thận và thảo luận với bệnh nhân và người chăm sóc.
Như vậy, các loại thuốc điều trị thần kinh là những thuốc gây nguy cơ té ngã cao. Các loại thuốc khác như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chống viêm không steroid, thuốc lợi tiểu... gây nguy cơ té ngã ít hơn.
3. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc
Thuốc men là một yếu tố nguy cơ gây té ngã. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân nhắc lý do dùng thuốc khi điều trị các bệnh lý ở người cao tuổi. Các bác sĩ quyết định ngừng hoặc giảm bớt thuốc với mục đích phòng ngừa té ngã cũng phải hết sức thận trọng.
Bởi lẽ bản thân các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lý nền của người cao tuổi lại rất cần thiết. Vì một khi các bệnh lý nền không được kiểm soát tốt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến té ngã ở người cao tuổi. Chẳng hạ như bệnh lý đau nhức xương khớp ở hai chân có thể gây rối loạn dáng đi, thăng bằng cơ thể và gây ngã.
Do đó, mỗi loại thuốc nên được cân nhắc cẩn thận về lợi ích và nguy cơ khi ngừng hoặc tiếp tục sử dụng cho người cao tuổi.
Đối với các thuốc hướng tâm thần và gây nghiện, việc giảm liều và ngừng dần dần làm giảm đáng kể nguy cơ bị ngã ở bệnh nhân cao tuổi. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng và kiên nhẫn khi ngừng các thuốc này cho bệnh nhân, đặc biệt là khi họ đã được sử dụng lâu dài.
Vấn đề giảm kê đơn benzodiazepine dẫn đến việc giảm sử dụng benzodiazepine ngay lập tức nhưng không làm giảm gãy xương hông do té ngã. Có thể khi ngưng đột ngột benzodiazepine đã khiến người bệnh cần phải sử dụng thuốc an thần khác thay thế. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc quản lý thuốc ở từng bệnh nhân và cá thể hoá trong điều trị.
Té ngã ở người cao tuổi đòi hỏi các biện pháp can thiệp đa yếu tố, nhất là ở những người có nguy cơ cao. Ba vấn đề chính cần được chú trọng cải thiện ở những người cao tuổi nguy cơ té ngã cao bao gồm tăng sức mạnh cơ bắp và thăng bằng, kiểm soát sử dụng thuốc, tạo lập không gian sống an toàn ở nhà cho người lớn tuổi. Nếu ba vấn đề này được giải quyết đồng bộ có thể giảm tỷ lệ té ngã ở người cao tuổi khoảng 25%.
Tóm lại, té ngã là biến cố phổ biến ở người cao tuổi. Các thầy thuốc nên tư vấn, giáo dục bệnh nhân cao tuổi và gia đình của họ về các biện pháp phòng ngừa té ngã. Trong đó, các bác sĩ cũng cần xem xét các loại thuốc được kê cho người cao tuổi có thể gây ngã, tránh các tương tác thuốc - thuốc và giảm thiểu tác dụng phụ. Việc sử dụng thuốc một cách khoa học, hợp lý có thể làm giảm đáng kể nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.