Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Central Park.
Phương pháp hóa trị từ lâu đã trở thành một mô thức điều trị không thể thiếu trong việc quản lý hầu hết các loại ung thư, đặc biệt khi bệnh ở giai đoạn tiến xa và di căn. Với hóa trị, bên cạnh mong muốn tiêu diệt tế bào ung thư, nó còn phần nào gây ảnh hưởng đến các tế bào lành của cơ thể, gây ra các tác động bất lợi hay còn gọi là các tác dụng phụ.
1. Hóa trị là gì?
Hóa trị là phương pháp điều trị bằng cách đưa thuốc hóa chất vào cơ thể người bệnh thông qua đường tiêm (truyền) tĩnh mạch hoặc đường uống nhằm gây chết và loại bỏ các tế bào ung thư. Đây có thể là một lựa chọn phù hợp cho những người bị ung thư gan không thể điều trị bằng phẫu thuật, không thể hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị phá hủy như đốt sóng cao tần, đốt vi sóng, thuyên tắc hay điều trị nhắm trúng đích.
Không giống như phẫu thuật và xạ trị, thay vì chỉ có thể điều trị khối ung thư tại gan, hóa trị đi vào trong máu và có thể ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể; từ đó giúp loại bỏ cả các tế bào ung thư nếu chúng đã di chuyển đến các cơ quan khác.
Ngoài ra, trong điều trị ung thư gan, hóa trị còn có thể được sử dụng khu trú tại gan bằng cách truyền thuốc vào động mạch gan. Phương pháp này có thể thực hiện đơn thuần, gọi là truyền hóa chất qua động mạch gan (HAIC-Hepatic Arterial Infusion Chemotherapy) hay phối hợp với tắc mạch, gọi là hóa tắc mạch (TACE-TransArterial Chemo-Embolization). Với hóa trị khu trú, nồng độ thuốc sẽ tập trung cao hơn tại khối u và người bệnh có thể giảm nguy cơ tác dụng phụ toàn thân.
2. Hóa trị có tác dụng như thế nào trong điều trị ung thư gan?
Thực hiện hóa trị cho điều trị ung thư gan có thể đem lại những tác dụng chính sau đây:
- Điều trị dứt điểm ung thư gan:
Trong một số trường hợp bệnh được phát hiện sớm, khối u gan nhỏ có thể được tiêu diệt nhờ vào phương pháp TACE. Đây cũng là biện pháp để điều trị ung thư gan nguyên phát phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên phương pháp điều trị này không hoàn toàn triệt để và có thể cần phải thực hiện nhiều lần.
- Làm chậm quá trình diễn tiến bệnh ung thư gan:
Nếu ung thư gan đã chuyển sang giai đoạn tiến xa hay di căn, sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể người bệnh. Lúc này, hóa trị toàn thân sẽ được thực hiện nhằm kiểm soát và ngăn không cho các khối u phát triển, xâm lấn sang các cơ quan khác của cơ thể, từ đó kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
- Làm giảm triệu chứng đau do ung thư gan:
Khi bệnh bước sang giai đoạn cuối, các triệu chứng cũng dần xuất hiện ngày càng rõ rệt và có tần suất “ghé thăm” nhiều hơn. Triệu chứng khó chịu thường gặp nhất là đau bụng do khối u gây ra. Các loại thuốc hóa trị khi được đưa vào cơ thể có thể sẽ giúp kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng này. Do đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy ít đau hơn và từ đó chất lượng cuộc sống cũng được cải thiện hơn.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng hầu hết các thuốc hóa trị có hiệu quả rất hạn chế trong điều trị ung thư gan nguyên phát và không có ích trong việc kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Việc phối hợp các thuốc hóa trị với nhau có thể giúp tăng hiệu quả kiểm soát khối u hơn so với chỉ sử dụng một thuốc, nhưng hiệu quả này cũng không thể kéo dài được lâu. Do vậy, theo các hướng dẫn điều trị hiện nay, trong điều trị ung thư gan nguyên phát giai đoạn tiến xa, di căn, phương pháp hóa trị toàn thân không nên được ưu tiên sử dụng, thay vào đó là vai trò của các thuốc nhắm trúng đích và thuốc miễn dịch.
3. Những loại thuốc được sử dụng cho ung thư gan
Dưới đây là một số loại thuốc hóa trị phổ biến nhất thường được sử dụng trong điều trị ung thư gan, bao gồm:
- Oxaliplatin
- 5-Fluorouracil (5-FU)
- Gemcitabine
- Cisplatin
- Capecitabine
- Doxorubicin (pegylated liposomal doxorubicin)
- Mitoxantrone
Trong một số trường hợp nhất định, có thể kết hợp cùng lúc từ 2-3 loại thuốc với nhau nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Đối với những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tương đối tốt và có khả năng dung nạp được nhiều loại thuốc hơn thì GEMOX (gồm gemcitabine và oxaliplatin) sẽ là một lựa chọn thích hợp. Những người mắc bệnh nền về gan có thể lựa chọn sử dụng FOLFOX (gồm 5-FU, oxaliplatin và leucovorin).
4. Hóa trị ung thư gan được thực hiện như thế nào?
Có thể đưa hóa trị vào cơ thể người bệnh theo nhiều cách khác nhau, cụ thể là:
4.1 Hóa trị toàn thân
Hóa trị liệu toàn thân là hình thức đưa thuốc vào cơ thể người bệnh thông qua đường tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc đường uống. Thuốc sau khi được đưa vào cơ thể sẽ đi vào trong máu và đến toàn bộ các cơ quan. Do đó, phương pháp này rất hữu ích cho các trường hợp ung thư gan đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Đối với trường hợp hóa trị qua đường tiêm tĩnh mạch (IV), bệnh nhân sẽ được đặt một ống thông vào trong hệ thống tĩnh mạch trung tâm nhằm đưa thuốc hóa trị vào cơ thể. Ống thông này có tên gọi là đường truyền tĩnh mạch trung tâm (CVC). Công dụng chính của chúng là đưa thuốc, chất lỏng hoặc các chất dinh dưỡng vào máu của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể dùng chúng để lấy mẫu máu xét nghiệm. Các đường truyền thuốc khác có thể là đường truyền tĩnh mạch ngoại vi hoặc qua một dụng cụ gọi là buồng tiêm dưới da.
Liệu trình hóa trị dành cho ung thư gan thường được thực hiện theo chu kỳ. Một chu kỳ điều trị sẽ kéo dài 2-3 tuần, tùy thuộc vào loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Sau mỗi giai đoạn điều trị, bệnh nhân sẽ có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, giúp cơ thể phục hồi sau khi dùng thuốc.
4.2 Hóa trị nội động mạch gan
Truyền hóa chất qua động mạch gan (HAIC) là kỹ thuật đưa trực tiếp thuốc vào động mạch gan nhằm đưa thuốc đến trực tiếp tại chỗ khối u. Phương pháp này cần phải thực hiện phẫu thuật để có thể đặt buồng tiêm dưới da bụng của người bệnh. Bác sĩ sẽ kết nối buồng tiêm với một ống thông nối với động mạch gan. Trong suốt quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Thuốc hóa trị được tiêm bằng kim xuyên qua da vào bể chứa của buồng tiêm, sau đó nó được phóng thích chậm và đều đặn vào động mạch gan.
Các tế bào gan khỏe mạnh sẽ chuyển hóa hầu hết các thuốc hóa trị trước khi chúng có thể đi đến các phần còn lại của cơ thể. Do đó, mặc dù phương pháp này người bệnh được sử dụng liều thuốc hóa trị cao hơn so với hóa trị toàn thân nhưng nó không làm tăng các tác dụng phụ. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho HAIC là floxuridine (FUDR), oxaliplatin và cisplatin.
HAIC có thể được lựa chọn điều trị trong những trường hợp khối u gan lớn xâm lấn tĩnh mạch cửa. Mặc dù HAIC giúp giảm tác dụng phụ toàn thân nhưng vì là thủ thuật xâm lấn nên người bệnh vẫn có thể gặp các biến chứng như viêm tắc mạch, loét dạ dày ruột do rò thuốc và nhiễm khuẩn hoặc tắc dây truyền. Không phải tất cả các trường hợp đều có thể sử dụng kỹ thuật này bởi đa phần người bệnh ung thư gan không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật để đặt buồng tiêm truyền vào động mạch gan.
5. Các tác dụng phụ của hóa trị
Hóa trị toàn thân là một liệu pháp có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, cho nên khi sử dụng các loại thuốc hóa trị để điều trị ung thư gan, việc xảy ra các tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi. Mỗi bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng khác nhau, và những tác dụng phụ này thường phụ thuộc vào loại, thời gian và liều lượng sử dụng thuốc.
Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến nhất, bao gồm:
- Loét miệng
- Rụng tóc
- Tiêu chảy
- Ăn không có cảm giác ngon miệng
- Thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn
- Dễ bị nhiễm trùng do số lượng bạch cầu bị giảm
- Dễ bị bầm tím và chảy máu do số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm
Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên quá lo lắng khi xảy ra các triệu chứng này, vì chúng thường không kéo dài và sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị. Bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng buồn nôn hay ói mửa bằng việc sử dụng thuốc hỗ trợ. Khi thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào xảy ra do thuốc, bạn nên báo ngay với bác sĩ để có biện pháp khắc phục kịp thời trước khi mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Làm thế nào để kiểm soát các tác dụng phụ của hóa trị
Để kiểm soát các tác dụng phụ không mong muốn có thể gây ra do hóa trị, người bệnh nên thực hiện theo các biện pháp sau:
6.1 Dành thời gian để nghỉ ngơi
Điều trị ung thư là một cuộc chiến trường kỳ, nó khiến cho người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi. Để khắc phục được điều này, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để tiếp thêm năng lượng cho cơ thể.
6.2 Chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối
Các tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ thuốc hóa trị, vì vậy bạn cần nạp đủ lượng calo và protein để giúp cơ thể tái tạo lại các tế bào khỏe mạnh này trong suốt quá trình trị liệu. Một chế độ ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng sẽ bao gồm nhiều rau xanh, hoa quả và ít chất béo.
6.3 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, đồng thời kích thích vị giác, giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
6.4 Tránh lạm dụng rượu bia
Các loại thức uống có cồn không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tổng thể mà còn làm giảm tác dụng của các loại thuốc kháng ung thư, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
6.5 Bổ sung vitamin
Việc bổ sung vitamin là điều rất cần thiết nó giúp người bệnh tăng cường sức khỏe và thể trạng.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư gan
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.