Thuốc Ziac được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Bisoprolol fumarat và Hydrochlorothiazide. Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng tăng huyết áp.
1. Thuốc Ziac công dụng là gì?
Thuốc Ziac có nhiều hàm lượng bào chế khác nhau, với thành phần chính là Bisoprolol fumarat và Hydrochlorothiazide.
- Bisoprolol fumarate là loại thuốc chẹn thụ thể adrenergic chọn lọc beta 1 (chọn lọc trên tim). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của một số loại hóa chất tự nhiên như epinephrine trên tim và mạch máu. Điều này giúp làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp và giảm căng thẳng cho tim;
- Hydrochlorothiazide là loại thuốc lợi tiểu benzothiadiazine. Thành phần này hoạt động theo cơ chế tăng lượng nước tiểu cơ thể sản xuất ra. Điều này khiến cơ thể đào thải thêm muối và nước, giúp làm giãn các mạch máu để máu lưu thông dễ dàng hơn.
2 thành phần trên được kết hợp khi 1 trong 2 loại thuốc không thể kiểm soát được huyết áp. Thuốc kết hợp giúp hạ huyết áp, ngăn ngừa đau tim, đột quỵ và các vấn đề về thận. Việc sử dụng 2 thành phần này giúp làm giảm lượng của mỗi loại thuốc sử dụng, từ đó làm giảm tác dụng phụ.
Chỉ định sử dụng thuốc Ziac:
- Điều trị tăng huyết áp.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Ziac:
- Bệnh nhân sốc tim, suy tim, block nhĩ thất độ 2 hoặc độ 3, vô niệu, nhịp xoang chậm rõ rệt;
- Người bị quá mẫn với 1 trong 2 thành phần chính của thuốc hoặc với các loại thuốc có nguồn gốc sulfonamide khác.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ziac
Cách dùng: Đường uống. Nên uống thuốc cùng hoặc không cùng thức ăn đều được, theo chỉ định của bác sĩ, thường là 1 lần/ngày. Tốt nhất nên tránh dùng thuốc trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ để hạn chế việc phải đi tiểu. Nếu đang dùng cholestyramine hoặc colestipol, người bệnh hãy dùng thuốc Ziac ít nhất 4 giờ trước hoặc ít nhất 4 - 6 giờ sau khi dùng 1 trong 2 loại thuốc đó.
Liều dùng: Thành phần Bisoprolol điều trị tăng huyết áp hiệu quả với liều 2,5 - 40mg/lần/ngày. Còn hydrochlorothiazide có hiệu quả với liều 12,5 - 50mg/lần/ngày. Liều dùng cụ thể như sau:
- Điều trị ban đầu: Bắt đầu với liều thuốc Ziac thấp nhất: 1 viên 2,5/6,25mg/lần/ngày. Có thể điều chỉnh liều dùng tiếp theo với khoảng cách 14 ngày tới liều khuyến cáo tối đa là 20/12,5mg (tức 2 viên 10/6,25 mg) x 1 lần/ngày khi thích hợp;
- Ngừng điều trị: Khi có kế hoạch ngừng dùng thuốc Ziac, người bệnh nên giảm liều dần dần trong khoảng 2 tuần, kết hợp với theo dõi sức khỏe cẩn thận;
- Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Ziac cho bệnh nhân suy gan hoặc rối loạn chức năng thận. Không cần thay thế thuốc này ở những người bệnh đang thẩm tách;
- Người cao tuổi: Thông thường không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Ziac cho người cao tuổi, trừ khi bệnh nhân có rối loạn chức năng gan hoặc thận;
- Trẻ em: Chưa có kinh nghiệm sử dụng thuốc Ziac ở trẻ em.
Quá liều: Hiện các dữ liệu về việc sử dụng thuốc Ziac quá liều còn hạn chế. Tuy nhiên, một số trường hợp quá liều với các thành phần riêng của thuốc đã được báo cáo. Cụ thể:
- Thành phần Bisoprolol fumarate: Biểu hiện chủ yếu là nhịp tim chậm, hạ huyết áp. Khi dùng quá liều nghiêm trọng, thuốc có thể gây hôn mê, co giật, mê sảng, ngừng hô hấp, co thắt phế quản, suy tim sung huyết,...;
- Thành phần Hydrochlorothiazide: Mất nước và điện giải cấp tính. Các triệu chứng là tim đập nhanh, sốc, hạ huyết áp, yếu cơ, lú lẫn, chuột rút cơ bắp chân, chóng mặt, mệt mỏi, dị cảm, suy giảm ý thức, buồn nôn, ói mửa, khát nước, đa niệu, thiểu niệu, vô niệu, hạ kali máu,...
Nếu nghi ngờ dùng thuốc Ziac quá liều, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ, kết hợp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Các biện pháp chung được đề xuất gồm gây nôn, rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh sự mất cân bằng điện giải, điều trị co giật.
Quên liều: Nếu quên 1 liều dùng thuốc Ziac, người bệnh nên uống thuốc càng sớm càng tốt. Trường hợp đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo thì bỏ qua liều mà bệnh nhân đã quên. Không nên uống bù 2 liều cùng 1 lúc để tránh gây quá liều.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ziac
Khi sử dụng thuốc Ziac, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Hệ thần kinh trung ương: Hoa mắt, nhức đầu, chóng mặt, trầm cảm, ngất xỉu, dị cảm, tăng/giảm cảm giác, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, buồn ngủ, lo lắng, bồn chồn, giảm tập trung, giảm trí nhớ;
- Tim mạch: Nhịp tim chậm, đánh trống ngực, lạnh đầu chi, hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế đứng, khó thở khi gắng sức, đau ngực, suy tim sung huyết;
- Tiêu hóa: Viêm dạ dày, buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, khô miệng, đau dạ dày, đau bụng, đau thượng vị;
- Cơ - xương - khớp: Co giật, run rẩy, đau khớp, đau cơ, đau lưng, đau cổ, chuột rút cơ;
- Da: Phát ban, mụn trứng cá, vảy nến, chàm, ngứa da, kích ứng da, ban xuất huyết, đỏ bừng da, rụng tóc, viêm da, đổ mồ hôi, viêm da tróc vảy, viêm mạch da;
- Giác quan: Đau, tăng áp lực nội nhãn, rối loạn thị giác, chảy nước mắt bất thường, đau tai, ù tai, giảm thính lực, vị giác bất thường;
- Trao đổi chất: Bệnh gout;
- Hô hấp: Co thắt phế quản, khó thở, viêm phế quản, hen suyễn, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp trên;
- Sinh dục: Suy giảm ham muốn, bất lực, đa niệu, đau quặn thận, viêm bàng quang;
- Toàn thân: Suy nhược, khó chịu, mệt mỏi, tăng cân, phù mạch, phù nề.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Ziac, người bệnh nên kịp thời báo cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về biện pháp can thiệp xử trí phù hợp nhất.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ziac
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Ziac:
- Nên tránh sử dụng thuốc chẹn beta ở người bệnh suy tim sung huyết nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân suy tim còn bù có thể cần sử dụng thuốc này. Nếu cần dùng, nên sử dụng thuốc một cách thận trọng;
- Ở một số bệnh nhân không có tiền sử suy tim, nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng suy tim thì nên cân nhắc ngừng dùng thuốc Ziac. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc này nếu bệnh suy tim được điều trị bằng các thuốc khác;
- Người mắc bệnh động mạch vành khi ngừng dùng thuốc chẹn beta đột ngột có thể bị đau thắt ngực trầm trọng hơn, thậm chí là rối loạn nhịp thất và nhồi máu cơ tim. Do đó, những bệnh nhân này không được ngừng dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, ở những người bệnh không có bệnh động mạch vành, có thể cần giảm liều dùng thuốc Ziac trong khoảng 1 tuần, theo dõi cẩn thận trước khi ngưng thuốc. Nếu xảy ra triệu chứng cai nghiện thì nên sử dụng lại thuốc chẹn beta;
- Thuốc chẹn beta có thể thúc đẩy, làm trầm trọng thêm triệu chứng suy động mạch ở người mắc bệnh mạch máu ngoại vi. Do đó, nên thận trọng khi dùng thuốc Ziac ở nhóm bệnh nhân này;
- Có thể sử dụng thuốc Ziac thận trọng ở những bệnh nhân không đáp ứng/không dung nạp với việc điều trị hạ huyết áp bằng các thuốc khác. Nên sử dụng thuốc Ziac với liều thấp nhất có thể, cần chuẩn bị sẵn thuốc giãn phế quản khi cần thiết;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Ziac ngay trước khi thực hiện các ca phẫu thuật lớn;
- Thuốc chẹn beta như Ziac có thể che lấp một số triệu chứng của hạ đường huyết, ví dụ như nhịp tim nhanh. Người bệnh tiểu đường hoặc đang dùng thuốc điều trị tiểu đường nên thận trọng khi dùng thuốc Ziac;
- Thuốc chẹn beta như Ziac có thể che lấp các triệu chứng của cường giáp, ví dụ như nhịp tim nhanh. Việc ngừng thuốc đột ngột có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cường giáp hoặc thúc đẩy cơn bão giáp;
- Nếu bệnh nhân bị suy thận tiến triển thì nên ngưng sử dụng thuốc Ziac;
- Nên sử dụng thuốc Ziac thận trọng ở người bị suy giảm chức năng gan hoặc bệnh gan tiến triển;
- Thuốc Ziac có thể dẫn tới bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính và tăng áp lực nội nhãn hoặc tràn dịch màng mạch. Các triệu chứng bao gồm giảm thị lực cấp tính, đau mắt,... Nếu không được điều trị, bệnh tăng nhãn áp góc đóng có thể dẫn tới mất thị trường vĩnh viễn. Cách can thiệp là ngừng thuốc ngay, điều trị y tế hoặc phẫu thuật kịp thời;
- Tránh uống rượu trong thời gian dùng thuốc Ziac vì rượu có thể làm tăng nồng độ Bisoprolol trong máu;
- Tránh đứng dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm vì bạn có thể bị chóng mặt. Nên đứng dậy từ từ và ổn định để tránh bị ngã;
- Thành phần Hydrochlorothiazide có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, bệnh nhân nên tránh ánh nắng mặt trời, mặc quần áo bảo hộ và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên khi ra ngoài trời. Người bệnh cũng nên đi kiểm tra da thường xuyên;
- Hiện chưa có đầy đủ nghiên cứu về việc sử dụng thuốc Ziac ỏ phụ nữ mang thai. Chỉ nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ đối với thai nhi;
- Do có khả năng gây ra những phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ đang bú mẹ nên cần cân nhắc giữa việc ngừng thuốc Ziac hoặc ngưng cho trẻ bú;
- Thuốc Ziac có thể gây chóng mặt nên cần thận trọng khi sử dụng cho người lái xe, vận hành máy móc hay thực hiện bất cứ công việc nào đòi hỏi sự tỉnh táo.
5. Tương tác thuốc Ziac
Tương tác thuốc có thể gây nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của thuốc hoặc gia tăng các tác dụng phụ nguy hiểm. Do vậy, bệnh nhân không được tự ý dùng 1 loại thuốc mới hoặc thay đổi liều dùng, cách dùng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép. Một số tương tác thuốc của Ziac là:
- Thuốc Ziac có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc hạ huyết áp khác nếu sử dụng kết hợp với nhau;
- Không nên kết hợp thuốc Ziac với các loại thuốc chẹn beta khác;
- Người bệnh sử dụng thuốc làm cạn kiệt catecholamine như reserpine hoặc guanethidine nên được theo dõi sức khỏe chặt chẽ vì có thể bị giảm quá mức hoạt động giao cảm;
- Ở những bệnh nhân dùng đồng thời thuốc Ziac và clonidine, nếu phải ngưng điều trị thì nên ngừng thuốc Ziac vài ngày trước khi ngừng sử dụng clonidine;
- Nên sử dụng thuốc Ziac thận trọng nếu dùng đồng thời với các thuốc ức chế cơ tim hoặc ức chế dẫn truyền AV như một số thuốc đối kháng canxi (nhóm phenylalkylamine và benzothiazepine) hoặc thuốc chống loạn nhịp tim (disopyramide);
- Sử dụng đồng thời thuốc Ziac với glycoside digitalis có thể làm chậm dẫn truyền nhĩ thất, giảm nhịp tim và làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm.
Khi sử dụng thuốc Ziac, người bệnh cần tuân thủ đúng theo mọi hướng dẫn, chỉ định chi tiết của bác sĩ. Việc này đảm bảo hiệu quả hạ huyết áp tối ưu, hạn chế được nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch. Đồng thời, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bệnh nhân cũng nên liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.