Thuốc Ebitac 25 có thành phần chính Enalapril maleate 10mg; Hydrochlorothiazide 25mg được chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp và người bệnh bị suy tim sung huyết, giúp làm giảm nguy cơ tử vong và biến chứng. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
1. Thuốc thuốc huyết áp Ebitac có thành phần như thế nào?
Thuốc Ebitac 25 được sản xuất từ Farmak JSC, được bào chế dưới dạng viên nén với quy cách đóng gói là hộp 2 vỉ x 10 viên.
Thành phần trong mỗi viên nén của thuốc bao gồm:
- Enalapril Maleate 10 mg.
- Hydrochlorothiazid 25 mg.
- Tá dược vừa đủ 1 viên.
Tác dụng của các thành chính trong công thức của thuốc là:
- Hoạt chất Enalapril Maleate khi vào cơ thể được chuyển hóa thành Enalapril. Chúng có khả năng ức chế hệ Renin - Angiotensin - Aldosteron qua men chuyển Angiotensin, từ đó gây tác dụng hạ huyết áp. Ngoài ra, Enalapril còn giúp cơ thể giảm giữ Natri, đồng thời ức chế phân hủy Bradykinin, tăng giãn mạch Kallikrein - Kinin.
- Hydrochlorothiazid thuộc vào nhóm thuốc lợi tiểu Thiazid, có tác dụng giúp tăng đào thải muối, đồng thời giảm tái hấp thu. Hoạt tính Carbonic Anhydrase bị giảm nên Bicarbonat bị tăng thải trừ. Theo đó, hoạt chất này sẽ không làm thay đổi độ pH nước tiểu nên có thể phối hợp với các loại thuốc điều trị huyết áp cao để tăng tác dụng điều trị hạ huyết áp.
2. Chỉ định thuốc huyết áp Ebitac trong trường hợp nào?
2.1. Chỉ định thuốc Ebitac
Nhờ những hoạt chất trên, thuốc Ebitac được chỉ định trong cả những trường hợp sau đây:
- Huyết áp cao.
- Suy tim (suy tim có xảy ra biến chứng, loạn năng thất trái không biến chứng).
2.2.Chống chỉ định thuốc
Thuốc Ebitac chống chỉ định với những trường hợp sau đây:
- Người bệnh quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc thuốc sử dụng có nguồn gốc Sulfonamide.
- Người bệnh gút, mắc bệnh tiểu đường nặng.
- Người bệnh bị hẹp động mạch thận.
- Hẹp van động mạch chủ, người bị bệnh cơ tim tắc nghẽn nặng.
- Hạ huyết áp có trước.
- Vô niệu, suy thận nặng.
- Rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
- Phụ nữ có thai ≥ 4 tháng.
- Tiền sử phù mạch liên quan đến thuốc ức chế men chuyển ACE.
- Phù mạch di truyền, vô căn.
3. Cách dùng thuốc Ebitac
3.1. Cách sử dụng Ebitac
Người bệnh cần uống nguyên viên thuốc với một cốc nước vừa đủ. Người bệnh cần chú ý không được bẻ, nhai, nghiền viên thuốc.
Thời điểm dùng thuốc có thể vào buổi sáng hoặc buổi tối. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tránh bị quên thuốc.
3.2. Liều dùng của thuốc Ebitac
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tham khảo liều dùng thuốc sau đây:
Liều điều trị bệnh tăng huyết áp: Dùng 1 viên/ngày. Nếu cần có thể tăng 2 viên/ngày.
Liều trị cùng với thuốc lợi tiểu: Ngừng dùng thuốc lợi tiểu từ 2 - 3 ngày trước khi điều trị với thuốc Ebitac 25.
Liều điều trị với người bệnh suy thận:
- CC từ 30 - 80 ml/phút: Sử dụng ngay sau khi định lượng các thành phần có trong thuốc.
- Nếu sử dụng thuốc trong 4 tuần nhưng người bệnh không có cải thiện lâm sàng thì tăng liều thuốc hoặc dùng thuốc thay thế khác theo chỉ định của bác sĩ.
Liều điều trị với người bệnh suy tim:
- Liều khởi đầu 2,5 mg Enalapril mỗi lần trong 3 ngày và tăng lên 2 lần/ngày trong 4 ngày tiếp theo.
- Liều duy trì 2 viên/ngày, có thể tăng đến 4 viên/ngày và hiệu chỉnh trong vòng 2 - 4 tuần.
Liều dùng cho bệnh nhân suy thất trái không triệu chứng:
- Liều dùng ban đầu: 2,5 mg Enalapril/lần, 2 lần/ngày.
- Thực hiện tăng liều điều trị dần dần đến khi dùng 2 viên thuốc Ebitac 25 mỗi ngày.
4. Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Ebitac
4.1. Cách xử trí khi quên liều thuốc Ebitac
Trong trường hợp quên liều thuốc Ebitac thì có thể uống bù ngay khi nhớ ra. Nếu gần thời gian uống liều tiếp theo thì uống theo liều tiếp như bình thường và không được tự ý tăng gấp đôi liều thuốc.
4.2. Quá liều thuốc Ebitac xử trí như thế nào?
Trường hợp người bệnh sử dụng quá liều thuốc có thể gây tình trạng hạ huyết áp nặng, lợi niệu nhiều gây ra tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải.
Trong trường hợp này thì người bệnh cần xử trí như sau:
- Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn.
- Người bệnh cần ngừng thuốc và điều trị triệu chứng phối hợp hỗ trợ phục hồi. Có thể xử trí quá liều bằng cách gây nôn, rửa dạ dày, cấp nước và điện giải, thẩm phân máu cũng có thể loại bỏ được thuốc.
5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ebitac
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Ebitac thì người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
- Tác dụng thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, nhạy cảm, tiêu chảy, buồn nôn, phù mạch, hạ huyết áp thế đứng, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, phát ban, ho khan, suy thận.
- Tác dụng ít gặp: Làm giảm Hemoglobin, Hematocrit, bạch cầu trung tính, bạch cầu hạt, Protein niệu, trầm cảm nặng, kích động.
- Tác dụng hiếm gặp: Viêm tụy, viêm gan ứ mật, quá mẫn, ngạt mũi, tắc ruột, hen suyễn, đau cơ, mờ mắt.
Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ về các phản ứng phụ gặp phải để có biện pháp điều trị và xử trí khi cần thiết.
6. Tương tác thuốc Ebitac
Thuốc Ebitac có thể gây ra một số tương tác sau:
- Thuốc giãn mạch, gây mê, hạ huyết áp, lợi tiểu, giải phóng Renin: Tác dụng làm hạ huyết áp có thể quá mức và gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và hiệu chỉnh liều thuốc trong liệu pháp phối hợp.
- Thuốc tăng Kali máu: Lượng Kali máu có thể tăng cao hơn bình thường, đặc biệt với người bệnh suy thận. Theo đó, nên thường xuyên theo dõi nồng độ Kali khi điều trị.
- Lithi: làm tăng tích lũy trong cơ thể, do đó người bệnh rất dễ xảy ra phản ứng phụ và gây ngộ độc thuốc.
- Thuốc giãn phế quản kiểu giao cảm, NSAID: Nếu sử dụng đồng thời có thể làm giảm khả năng hạ huyết áp, cũng như lợi niệu của thuốc.
- Thuốc tránh thai: làm tăng nguy cơ tổn thương mạch, rối loạn huyết áp lớn hơn khi dùng đồng thời cả hai loại thuốc.
- Rượu, Barbiturat: Tương tác với hoạt chất Hydrochlorothiazid gây hạ huyết áp thế đứng.
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Làm tăng nồng độ Glucose huyết thanh. Cần phải hiệu chỉnh liều thuốc nếu phải dùng với nhau.
- Corticosteroid, ACTH: Tác dụng hiệp động làm mất cân bằng điện giải, bên cạnh đó lượng Kali huyết có thể bị suy giảm trầm trọng.
- Thuốc chống đông, thuốc điều trị bệnh gout, Amin tăng huyết áp bị giảm đáp ứng. Ngược lại tác dụng của các loại thuốc giãn cơ, Glycosid, Vitamin D sẽ tăng. Do đó, cần hết sức thận trọng trong liệu pháp dùng phối hợp.
- Quinidin: Làm tăng khả năng gặp các triệu chứng xoắn đỉnh, rung thất. Trong trường hợp nặng có thể gây nguy cơ tử vong.
- Nhựa Cholestyramin, Colestipol có thể làm giảm hấp thu Hydrochlorothiazid ở trong đường tiêu hóa.
Người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về các thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược đang sử dụng để có hướng điều trị tốt nhất và tránh gây ra các tác dụng phụ.
7. Lưu ý khi sử dụng thuốc và cách bảo quản thuốc Ebitac
Trong quá trình sử dụng thuốc Ebitac thì người bệnh cần chú ý:
- Phụ nữ có thai: Thuốc Ebitac có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, thai chết lưu. Vì thế, nếu phát hiện có thai thì người bệnh cần ngừng thuốc ngay.
- Phụ nữ cho con bú: Thuốc Ebitac có thể bài tiết qua sữa mẹ, nhưng những ảnh hưởng của thuốc đến trẻ sơ sinh ở liều điều trị khá thấp. Do đó, hãy cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc đối với người mẹ và trẻ. Tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Những người lái xe và vận hành máy móc: Hiện nay chưa có đầy đủ thông tin về ảnh hưởng của thuốc Ebitac đến khả năng lái xe, vận hành máy móc. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể gây chóng mặt, ngủ gà, mất ngủ nên cần hết sức thận trọng khi sử dụng.
- Những người có tiền sử bệnh tim, bệnh suy thận, bệnh gout cần được giám sát chặt chẽ trước khi điều trị.
- Người bệnh bị hẹp động mạch thận cần thực hiện định lượng Creatinin máu trước khi dùng thuốc Ebitac
- Người cao tuổi có nguy cơ rối loạn điện giải cao hơn khi điều trị bằng thuốc này.
Ngoài những lưu ý trên, trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng. Hiện nay, tính an toàn và hiệu quả của thuốc Ebitac khi dùng cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chưa được thiết lập rõ ràng. Vì vậy, không nên dùng thuốc cho đối tượng này.
Để đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất thì cần bảo quản thuốc Ebitac ở những nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ánh sáng. Để xa tầm tay của trẻ. em và vật nuôi.
Tóm lại, thuốc Ebitac 25 có thành phần chính Enalapril maleate 10mg; Hydrochlorothiazide 25mg được chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp và người bệnh bị suy tim sung huyết, giúp làm giảm nguy cơ tử vong và biến chứng. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.