Nhiều người vẫn luôn thắc mắc về công dụng cũng như cách dùng, tác dụng của thuốc Venlafaxine. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý đọc giả một số thông tin về loại thuốc này.
1. Tác dụng của thuốc Venlafaxine là gì?
Venlafaxine là một thuốc chống trầm cảm dẫn xuất từ phenylethylamine, thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin. Venlafaxine hấp thu tốt qua đường uống, thức ăn có thể làm chậm hấp thu nhưng không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu. Sau khi uống, thuốc bị chuyển hóa bước một ở gan chủ yếu tạo thành O-desmethylvenlafaxine (ODV) còn hoạt tính. Venlafaxine thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa và thải trừ qua phân chỉ 2%. Thuốc có dạng viên nén hoặc viên nang với các hàm lượng khác nhau. Venlafaxine có thể chỉ định để điều trị các trường hợp sau:
- Bệnh trầm cảm.
- Bệnh lo sợ tiếp xúc xã hội, bệnh lo âu toàn thể,.
- Các bệnh lý lo âu khác như bệnh ám ảnh - xung lực, chứng hoảng sợ hay stress sau chấn thương.
2. Chống chỉ định của thuốc Venlafaxine là gì?
Không được sử dụng thuốc chống trầm cảm Venlafaxine trong các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với Venlafaxine hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Các trường hợp có nguy cơ cao về rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp không kiểm soát được.
- Dùng đồng thời với thuốc ức chế MAO.
- Phụ nữ có thai.
- Trẻ em dưới 18 tuổi.
3. Liều lượng của thuốc chống trầm cảm Venlafaxine
- Trường hợp điều trị bệnh trầm cảm: Đối với người lớn và trẻ trên 18 tuổi (dùng viên tác dụng nhanh) với liều khởi đầu là 75mg/ngày chia 2 - 3 lần trong bữa ăn (một số bệnh nhân có thể dùng liều khởi đầu thấp hơn 37,5 mg/ngày trong 4 - 7 ngày đầu sau đó tăng dần đến 75 mg/ngày), nếu cần thiết liều có thể tăng tới 150mg/ngày sau vài tuần để đạt hiệu quả điều trị. Liều tối đa 225 mg/ngày.
- Trầm cảm nặng hoặc nằm viện: Có thể khởi đầu với liều tới 150mg/ngày, sau 2 - 3 ngày có thể tăng thêm 75mg/ngày đến liều tối đa là 375mg/ngày. Sau đó phải giảm liều dần.
- Điều trị trạng thái lo âu: Dùng dạng viên giải phóng kéo dài với liều khởi đầu là 75mg/lần/ngày (một số trường hợp có thể phải khởi đầu với liều thấp 37,5 mg/ngày trong khoảng 4 - 7 ngày đầu, sau đó tăng liều đến 75 mg/ngày). Tăng dần liều mỗi 4 ngày cho tới liều tối đa là 225 mg/ngày. Ngưng thuốc dần nếu không đáp ứng tốt sau 8 tuần điều trị.
- Điều trị trạng thái hoảng sợ: Sử dụng dạng thuốc giải phóng kéo dài, liều khởi đầu là 37,5 mg/lần/ngày trong 7 ngày, sau đó tăng lên tới 75mg/lần/ngày. Liều có thể tăng thêm 75mg/ngày, cách 7 ngày một lần tới khi đạt yêu cầu trị liệu. Liều tối đa là 225 mg/ngày.
- Đối với bệnh nhân suy giảm chức năng gan/thận: bệnh nhân suy gan, suy thận nhẹ không cần phải điều chỉnh liều. Còn bệnh nhân suy gan, suy thận mức độ trung bình, liều giảm một nửa và dùng 1 lần/ngày. Không dùng Venlafaxine cho bệnh nhân suy gan, suy thận nặng.
4. Các tác dụng không mong muốn của thuốc Venlafaxine
4.1 Các tác dụng phụ thường gặp
- Thần kinh: Chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, buồn ngủ, suy nhược, căng thẳng, lo âu, kích động, gặp ác mộng.
- Tim mạch: Giãn mạch máu, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng huyết áp phụ thuộc liều. Venlafaxine có thể gây tăng huyết áp ở khi dùng liều vượt quá 200 mg/ngày. Do đó nếu người bệnh đã bị tăng huyết áp trước đó thì cần điều trị tăng huyết áp trước khi dùng venlafaxin, lưu ý phải kiểm tra huyết áp thường xuyên trong suốt quá trình điều trị. Một số trường hợp cần phải giảm liều hoặc ngừng thuốc do tăng huyết áp trong quá trình điều trị.
- Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón, chán ăn, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy. Vì thức ăn không làm giảm hấp thu thuốc qua đường uống nên để giảm tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn có thể uống thuốc cùng với thức ăn.
- Chuyển hóa và nội tiết: Tăng hoặc giảm cân, tăng cholesterol, rối loạn chức năng sinh dục.
- Dị ứng: Ngứa, phát ban da hoặc thậm chí là khó thở
- Dấu hiệu khác: Có cảm giác ớn lạnh hoặc sốt, tăng tiết mồ hôi, tiểu nhiều, rối loạn thị lực, đau cơ, viêm khớp và ù tai.
4.2 Các tác dụng phụ ít gặp
- Tim mạch: Hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim, tim nhanh.
- Thần kinh: Rối loạn vận ngôn, rối loạn ngoại tháp, dấu hiệu hưng cảm nhẹ, gặp ảo giác, co giật, ngất xỉu. Nếu xuất hiện co giật trong khi điều trị thì cần ngừng thuốc ngay lập tức, vì co giật có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân bị quá liều.
- Gan: viêm gan, tăng men gan có hồi phục.
- Dị ứng: Quá mẫn, nổi ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens - Johnson, phù mạch
- Dấu hiệu khác: Xuất hiện vết bầm tím trên da, thay đổi vị giác, rong kinh, xuất huyết tiêu hóa, bí tiểu, nhạy cảm với ánh sáng.
4.3 Các tác dụng không mong muốn hiếm gặp
- Máu: Rối loạn tạo máu như thiếu máu bất sản, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu và giảm tiểu cầu
- Tim mạch: kéo dài QT, xoắn đỉnh, nhịp nhanh thất, rung thất
- Khác: viêm tụy và tăng tế bào ưa eosin ở phổi, tăng tiết sữa, ly giải cơ vân, hạ natri huyết, xuất hiện ý nghĩ tự tử đặc biệt là ở trẻ em.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Venlafaxine
Venlafaxine có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn và nhiều biến cố nghiêm trọng nếu sử dụng quá liều. Do đó khi sử dụng thuốc bệnh nhân cần đặc biệt thận trọng và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Một số lưu ý khi dùng thuốc bao gồm:
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc chống trầm cảm Venlafaxine cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận mức độ trung bình và nặng. Phải hiệu chỉnh liều dùng tương ứng với chức năng gan, thận của bệnh nhân.
- Đối với bệnh nhân có bệnh tim mạch: thận trọng sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim gần đây, bệnh tim không ổn định
- Bệnh nhân động kinh: Cẩn thận ở những bệnh nhân mắc chứng động kinh trước đó, ngừng thuốc ở bất kỳ bệnh nhân nào xuất hiện co giật.
- Vì thuốc có nguy cơ gây tăng huyết áp phụ thuộc liều nên cần theo dõi huyết áp trong quá trình điều trị khi dùng liều quá 200 mg/ngày. Khuyến cáo theo dõi nồng độ cholesterol máu nếu dùng thuốc trong thời gian dài.
- Thận trọng với người bệnh tăng áp lực nội nhãn hoặc glaucoma góc đóng, người bệnh hưng cảm hoặc bệnh nhân rối loạn xuất huyết.
- Bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tự sát cao nên cần giám sát chặt chẽ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, đặc biệt là trong giai đoạn đầu dùng thuốc.
- Nếu ngừng thuốc hoặc giảm liều một cách đột ngột có thể gây các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, ngủ gà, buồn nôn, chán ăn, khô miệng, lo âu, căng thẳng, lú lẫn, kích động, hưng cảm nhẹ, tăng tiết mồ hôi. Vì vậy, phải giảm liều từ từ ít nhất trong một tuần sau đợt điều trị kéo dài trên một tuần trước khi ngừng thuốc. Đồng thời phải giám sát người bệnh chặt chẽ để kịp thời xử trí các phản ứng bất lợi khi ngưng thuốc.
- Đối với phụ nữ có thai: Venlafaxine và chất chuyển hóa có hoạt tính có thể đi qua nhau thai. Việc sử dụng venlafaxine gần ngày sinh có thể gặp các phản ứng ngưng thuốc ở trẻ sơ sinh. Các nhà sản xuất khuyến cáo không dùng venlafaxine cho phụ nữ mang thai trừ trường hợp thật sự cần thiết.
- Đối với phụ nữ cho con bú: Venlafaxine và chất chuyển hóa có hoạt tính có thể bài tiết trong sữa mẹ. Do khả năng xảy ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ, nhà sản xuất khuyến cáo nên quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc, xem xét tầm quan trọng của việc điều trị đối với người mẹ. Khi mới bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm ở phụ nữ đang cho con bú, các thuốc khác ngoài venlafaxine nên được ưu tiên sử dụng.
- Đối với những người thường xuyên lái xe và vận hành máy móc: Vì Venlafaxine có thể gây chóng mặt, hạ huyết áp tư thế đặc biệt là ở người cao tuổi. Do vậy khi sử dụng thuốc không nên lái tàu xe hoặc vận hành máy móc.
- Tương tác với các thuốc khác: Một số thuốc khi dùng đồng thời với venlafaxine có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi. Chẳng hạn như dùng Venlafaxine cùng với các thuốc cường serotonin, thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin, thuốc làm giảm chuyển hóa serotonin có thể gây ra hội chứng serotonin. Nếu bạn bắt buộc phải dùng đồng thời venlafaxine với một trong các thuốc trên, các bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ đặc biệt là trong giai đoạn đầu điều trị. Đặc biệt không sử dụng đồng thời venlafaxine với thuốc ức chế MAO, vì có thể gây ra tương tác nguy hiểm đến tính mạng. Phải ngừng dùng thuốc ức chế MAO ít nhất 14 ngày trước khi bắt đầu dùng venlafaxine, phải ngừng dùng venlafaxine ít nhất 7 ngày mới bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm khác. Tốt nhất bạn phải thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng để được tư vấn thích hợp.
6. Cách xử trí khi quên liều hoặc quá liều Venlafaxine
6.1 Quá liều và cách xử trí
Quá liều thuốc Venlafaxine có thể gây ra các triệu chứng bao gồm hôn mê, ngủ gà, ngủ lịm, chóng mặt, thay đổi điện tâm đồ, rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, giãn đồng tử, co giật, nôn mửa, hạ huyết áp hay thậm chí là tử vong. Tình trạng quá liều với venlafaxine thường xảy ra khi bệnh nhân sử dụng thuốc cùng với rượu và/hoặc thuốc khác gây tương tác.
Cách xử lý khi quá liều: Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu khi quá liều Venlafaxine. Khi có các dấu hiệu ngộ độc do quá liều Venlafaxine, cần lập tức đưa người bệnh tới các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Bác sĩ có thể chỉ định gây nôn, sử dụng than hoạt hoặc rửa dạ dày nếu phát hiện sớm. Biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ hô hấp.
6.2 Quên liều và cách xử trí
Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn nhớ gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp theo như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều.
Tóm lại, Venlafaxine được sử dụng trong điều trị trầm cảm và có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc mà cần gặp bác sĩ để thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.