Hỏi
Chào bác sĩ,
Em bị bệnh trầm cảm, đã điều trị được hơn 1 năm. Tuy nhiên, khi em uống thuốc chống trầm cảm thì bệnh dường như nặng hơn, nếu ngưng thuốc thì thấy đỡ hẳn. Bác sĩ cho em hỏi điều trị trầm cảm hơn 1 năm không thuyên giảm có nên ngừng thuốc không? Nếu ngưng thuốc có sao không? Em cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường- Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Điều trị trầm cảm hơn 1 năm không thuyên giảm có nên ngừng thuốc không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Nguyên nhân đưa tới tái phát trầm cảm phần lớn do ngưng thuốc quá sớm. Hiện rất khó tiên lượng bệnh nhân nào không tái phát, bệnh nhân nào sẽ tái phát khi ngừng thuốc. Do đó, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc từ 6- 9 tháng sau khi đã hết bệnh. Tới lúc này, thay đổi sinh hóa trong não đã trở lại bình thường và người bệnh ít bị tái phát sau khi ngưng thuốc.
Nếu không tiếp tục điều trị thì tỷ lệ tái phát có thể lên tới 25% trong vòng hai tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những bệnh nhân bỏ thuốc. Với các trường hợp trầm cảm kinh niên hoặc trải qua nhiều giai đoạn buồn rầu, cần phải uống thuốc lâu hơn vì ở họ, trầm cảm cũng tương tự như các bệnh mạn tính cao huyết áp, cao đường huyết,...
Để bệnh nhân hiểu rõ hơn về việc vì sao phải dùng thuốc kéo dài, do hầu hết các thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm chậm sự mất mát một vài hóa chất ở não bộ (các chất là serotonin, norepinephrine). Các chất này có công dụng gây hưng phấn tinh thần và nhiều chức năng khác như ăn ngon, ngủ say, suy nghĩ tốt. Ở người bị bệnh trầm cảm, sau khi được sản xuất, hóa chất chưa kịp tác dụng đã bị tế bào lấy lại (reuptake) quá sớm, do đó dẫn truyền tín hiệu thần kinh bị gián đoạn và gây ra tâm bệnh. Thuốc chống trầm cảm nhằm chặn sự lấy lại quá sớm các chất này, tăng serotonin ở não và giúp bệnh nhân giảm cảm giác buồn rầu, thất vọng, chán nản. Nhưng thuốc không có tác dụng ngay, mà phải từ 2-4 tuần lễ sau khi dùng mới thấy hiệu quả. Nếu một loại thuốc có tác dụng tốt mà ngưng quá sớm thì thuốc mất cơ hội chữa bệnh.
Một số chú ý khi điều trị thuốc trầm cảm:
- Bền bỉ khi điều trị: Khi mắc bệnh trầm cảm, bạn sẽ không thể điều trị khỏi ngay được, bởi các loại thuốc chống trầm cảm có thể không có hiệu lực trong vòng 4-6 tuần đầu sau khi sử dụng. Thậm chí, trong một số trường hợp, một số loại thuốc có thể không có tác dụng và bạn cần phải thử thay thế bằng một loại thuốc khác. Tuy nhiên, bạn đừng tuyệt vọng. Thông thường một người bị trầm cảm khi điều trị thuốc đúng cách, đúng liều phải trải qua một thời gian khá lâu (khoảng 70% thời gian điều trị). Bạn thường phải trải qua nhiều liệu pháp điều trị khác nhau trước khi có được liệu pháp điều trị phù hợp nhất với mình.
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn: Bạn nên có thói quen uống thuốc tại cùng một thời điểm trong ngày. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy dễ nhớ hơn việc uống thuốc không có giờ giấc hoặc cùng với các hoạt động khác như đánh răng, ăn sáng...
- Hãy chắc chắn, bạn không bao giờ bỏ lỡ một liều thuốc nào và sử dụng theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ dẫn. Không ngừng thuốc mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ Nếu bạn cần ngừng uống một loại thuốc điều trị trầm cảm nào đó vì bất cứ lý do nào hãy thông báo với bác sĩ để họ có thể giảm dần liều lượng cho bạn. Nếu bạn dừng thuốc đột ngột, bạn có thể gặp tác dụng phụ của thuốc ngay. Ngoài ra, ngừng thuốc đột ngột cũng có thể khiến bạn bị trầm cảm trở lại. Đừng cho rằng bạn có thể ngừng dùng thuốc khi cảm thấy tình trạng bệnh tốt hơn. Thực tế, nhiều người vẫn cần phải điều trị liên tục ngay cả khi tình trạng bệnh của họ đã được cải thiện. Do đó, nếu hiện tại bạn cảm thấy tốt hơn thì có thể là do thuốc điều trị đang làm việc, do vậy bạn nên tiếp tục uống.
- Thay đổi lối sống: Để điều trị thành công, bạn cần phải thay đổi lối sống của mình bằng việc ăn nhiều những thực phẩm lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau quả - những thực phẩm ít đường và ít chất béo. Ngoài ra, bạn nên chú ý để có được một giấc ngủ ngon ban đêm.
- Giảm căng thẳng trong công việc: Nếu như những công việc ở nhà hay ở cơ quan đang quá tải với bạn, đừng ngần ngại yêu cầu sự chia sẻ, trợ giúp từ người thân, đồng nghiệp. Đừng để áp lực công việc lại biến nguy cơ trầm cảm của bạn trở nên trầm trọng thêm.
- Hãy trung thực khi điều trị bệnh: Để nhận biết và đến bác sĩ điều trị bệnh trầm cảm không phải là một điều dễ dàng đối với những người bị trầm cảm. Nhưng nếu bạn không trung thực thì quá trình trị liệu sẽ dài và không thành công.
- Nếu bạn nghi ngờ về quá trình trị liệu hoặc phương pháp trị liệu của bạn, đừng giấu bác sĩ. Bác sĩ sẽ cùng với bạn tạo ra một phương pháp điều trị mới để việc điều trị đúng hướng. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình trị liệu, bạn có những ý tưởng mới, hãy cởi mở nói cho bác sĩ biết và cho bạn thử tiếp cận phương pháp này.
- Không bao giờ tuyệt vọng: Có thể bạn cảm thấy tuyệt vọng ngay trong quá trình điều trị vì cảm thấy dường như không bao giờ bệnh có thể tốt hơn được. Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ khiến cho triệu chứng tình trạng bệnh hiện nay của bạn tồi tệ. Hãy tự cho mình thêm thời gian và chăm chỉ điều trị nhé.
- Tránh gây tổn thương cho người bệnh: Khi người bệnh tham gia liệu pháp đối thoại để chữa bệnh trầm cảm, bởi tinh thần người bệnh rất u uất và thiếu lạc quan, phản ứng lại chậm chạp, do đó, với vai trò là người trò chuyện, bạn nên để ý cách nói chuyện và thái độ của bạn, tránh bực bội, thiếu kiên nhẫn,... gây nên sự sợ hãi và sợ nói chuyện hơn ở người bệnh. Luôn cười và tạo không khí vui tươi, hài hước là điều rất cần thiết.
Nếu bạn còn thắc mắc về điều trị trầm cảm hơn 1 năm không thuyên giảm, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.