Tác dụng của thuốc trị đau nhức cơ bắp

Đau nhức cơ bắp là một vấn đề thường gặp phát sinh trong quá trình sinh hoạt và làm việc. Đa số tình trạng đau nhức cơ bắp có thể tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên, một số trường hợp tình trạng đau kéo dài hoặc đau do một số bệnh lý cơ xương khớp thì cần dùng thuốc giúp làm giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Việc sử dụng thuốc giảm đau ở những người bị chứng đau cơ rất thường xuyên. Nhưng đôi khi việc sử dụng thuốc mà không hiểu rõ thuốc làm cho chúng ta sử dụng không đúng hoặc không biết sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra, các thuốc đều có những tác dụng phụ nhất định cho nên cần dùng đúng để tránh việc lạm dụng thuốc gây ảnh hưởng tới cơ thể.

Đau nhức cơ bắp có thể do các nguyên nhân chính do hoạt động cơ quá mức gây căng cơ, chấn thương vùng cơ, do một số bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp, viêm cơ.... Ngoài ra, yếu tố căng thẳng sẽ làm cho tình trạng đau nhức cơ tăng lên do tăng nhạy cảm với đau. Nếu như sau khi dùng các biện pháp không dùng thuốc như nghỉ ngơi, chườm ấm hay chườm mát...mà không cải thiện có thể cần dùng thuốc giúp giảm đau. Thuốc trị đau nhức cơ bắp được chia thành 2 nhóm chính bao gồm thuốc có tác dụng giảm đau và thuốc có tác dụng giãn cơ. Dưới đây là tác dụng của hai nhóm thuốc sử dụng chính trong việc trị đau nhức cơ bắp.

1. Thuốc giảm đau

  • Paracetamol

Paracetamol (acetaminophen) là loại thuốc giảm đau và hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nó được dùng trong các trường hợp đau từ nhẹ tới vừa.

Paracetamol có tác động giảm đau theo cả cơ chế tác động ngoại vi và trung ương, nhưng cơ chế chưa thực sự rõ ràng. Một số giả thiết cho rằng paracetamol hoạt động bằng cách ngăn chặn các enzym COX (cyclooxygenase) trên hệ thần kinh trung ương gồm não và tủy sống, ngăn cản tạo ra chất trung gian hóa học gây đau. Tuy nhiên, nó không có tác dụng chống viêm nên không được khuyến cáo dùng trong trường hợp đau do viêm.

Liều dùng: từ 10-15mg/kg cân nặng, uống cách nhau ít nhất 4-6 giờ nếu còn đau. Đối với người lớn không được dùng quá 3g/ ngày và trẻ em không quá 80mg/kg/ngày.

Tác dụng phụ: Gây ra những triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng khi dùng quá liều, dùng dài và liên tục làm tổn thương gan gây tăng men gan, suy gan cấp. Nên chú ý khi dùng cho người có chức năng gan suy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai.


Paracetamol (acetaminophen) là một trong các thuốc chữa đau cơ
Paracetamol (acetaminophen) là một trong các thuốc chữa đau cơ

  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid( NSAID)

Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế tác động của enzym cyclooxygenase (COX), ngăn cản quá trình tạo ra prostaglandin. Trong quá trình phản ứng viêm, prostaglandin có thể tác động lên vùng dưới đồi, dẫn đến nhiệt độ tăng cao và gây ra cảm giác đau. Do đó, việc thuốc giảm đau không steroid (NSAID) ức chế tác động của enzym COX sẽ làm giảm quá trình sản xuất prostaglandin khiến nhiệt độ cơ thể giảm nên có tác dụng hạ sốt và ngăn cản quá trình viêm, giảm đau.

Có hai loại enzym gồm COX-1 và COX-2. Mặc dù COX-1 có mặt trong hầu hết các mô, nhưng COX-2 chỉ xuất hiện trong phản ứng viêm. Nên nhóm thuốc này được chia thành nhóm thuốc tác dụng không chọn lọc và nhóm thuốc tác dụng chọn lọc trên cox-2.

Một số loại thuốc giảm đau chống viêm nhóm NSAID gồm: ibuprofen, diclofenac, meloxicam, naproxen, celecoxib...

Do đặc tính ức chế men COX nên nhóm thuốc này gây ra những tác động trên các cơ quan khác gây ra một số tác dụng phụ như tăng nguy cơ viêm loét dạ dày- tá tràng, biến chứng thủng tạng rỗng, xuất huyết tiêu hóa, nhạy cảm với ánh sáng, co thắt phế quản, chóng mặt...Nên chú ý khi sử dụng những người có tiền sử bệnh dạ dày, tá tràng.

  • Thuốc giảm đau nhóm opioid

Đây là thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện, có tình giảm đau mạnh. Thuốc có tác dụng giảm đau do cảm trở và ngăn các tín hiệu đau vào nào và làm thay đổi cảm giác đau. Tác dụng ức chế trung tâm đau làm cho người bệnh cảm thấy hết đau, có nghĩa là nó không thực sự loại bớt cơn đau mà có tác dụng làm thay đổi nhận thức của não về cơn đau.

Những loại giảm đau nhóm này có tác dụng vừa phải như codein, tramadol thì được kê đơn dùng khi có các cơn đau nặng mà các thuốc như paracetamol hoặc NSAID không có tác dụng. Còn loại giảm đau nhóm opioid mạnh được dùng trong cơn đau dữ dội, thường được dùng ở bệnh nhân ung thư, đau do phẫu thuật, chấn thương nặng...

Thuốc được dùng dưới sự chỉ dẫn của nhân viên y tế và được kiểm soát như những loại thuốc gây nghiện khác. Người bệnh không nên tự ý sử dụng khi chưa được sự đồng ý của nhân viên y tế.

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp như gây cảm giác buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, suy hô hấp, táo bón, gây cảm giác hưng phấn...


Thuốc trị đau nhức cơ bắp nhóm opioid có tính giảm đau mạnh
Thuốc trị đau nhức cơ bắp nhóm opioid có tính giảm đau mạnh

2. Thuốc giãn cơ

Nhóm thuốc giãn cơ thường được dùng cùng với thuốc giảm đau để nhằm giảm sự căng cứng cơ bắp gây ra đau. Chúng được dùng trong các trường hợp đau cơ và kèm theo tình trạng cơ bị co cứng. Các thuốc này có tác dụng ức chế chọn lọc trên các neuron trung gian kiểm soát trương lực cơ ở thần kinh trung ương do đó có tác dụng giảm trương lực cơ và giãn cơ vân.

Một số thuốc có tác dụng giãn cơ bao gồm: mydocalm, myonal, decontractyl...

Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như nhược cơ, đau đầu, hạ huyết áp, cảm giác buồn nôn, nôn, đau bụng...

Trên đây là tác dụng các thuốc trị đau nhức cơ bắp, khi dùng các thuốc đúng cách thì có thể mang lại hiệu quả cao và tránh được những tác dụng không mong muốn. Nhưng nếu lạm dung và dùng quá thường xuyên dẫn tới nguy cơ tác dụng phụ và biến chứng nguy hiểm. Khi dùng các loại giảm đau không kê đơn mà không mang lại hiệu quả bạn nên tới cơ sở thăm khám để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe