Thuốc Nutrios 750 được bào chế dưới dạng viên nang mềm với thành phần chính là Calcium Carbonate và Vitamin D3100IU. Thuốc Nutrios được sử dụng trong điều trị một số bệnh về dạ dày và bổ sung calci cho cơ thể.
1. Thuốc Nutrios 750 có công dụng gì?
Mỗi viên thuốc Nutrios 750 có chứa 750mg Calcium Carbonate và 100IU Vitamin D3.
Calcium carbonate có công dụng trung hòa acid dịch vị, ngăn ngừa tình trạng trào ngược axit dạ dày, loét dạ dày,... Đồng thời, thành phần này còn bổ sung calci, giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng nồng độ calci ở trong máu thấp trên những đối tượng thiếu calci huyết.
Vitamin D3 giúp tăng sự hấp thụ calci ở ruột, tăng hấp thụ phospho và calci ở xương. Nhờ vậy thành phần này có công dụng chống còi xương.
Chỉ định sử dụng thuốc Nutrios 750:
- Bổ sung ion calci trong máu trong các trường hợp: Co thắt thanh quản do hạ calci huyết, co giật do hạ calci huyết ở đối tượng trẻ sơ sinh, hạ calci huyết do tái khoáng hóa, thiểu năng cận giáp trạng gây tetani, hạ calci huyết do thiếu vitamin D, sau phẫu thuật cường cận giáp, nhiễm kiềm. Sau khi truyền máu khối lượng lớn chứa calci citrat gây giảm Ca2+ máu;
- Phòng và điều trị bệnh còi xương do dinh dưỡng, bệnh loãng xương;
- Điều trị còi xương và nhuyễn xương do chuyển hóa (còi xương giảm photphat huyết kháng vitamin D, còi xương phụ thuộc vào vitamin D, loạn dưỡng xương do thận hay còi xương do thận);
- Điều trị giảm năng cận giáp;
- Điều trị nhuyễn xương do thuốc chống co giật.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Nutrios 750:
- Người quá mẫn cảm với một trong bất cứ thành phần nào của thuốc;
- Người dùng quá liều vitamin D, loạn dưỡng xương do thận kèm theo tăng phosphat huyết;
- Bệnh nhân tăng calci huyết, rung thất trong hồi sức tim, sỏi thận và suy thận nặng, người bị tăng năng cận giáp, bệnh nhân đang sử dụng digitalis, epinephrine, có u ác tính tiêu xương, loãng xương do bất động, calci niệu nặng.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Nutrios 750
Cách dùng: Thuốc Nutrios 750 được bào chế dưới dạng viên nang mềm nên được sử dụng theo đường uống. Người bệnh có thể uống thuốc bằng nước lọc, trước hoặc sau bữa ăn đều được.
Liều dùng:
- Người lớn: Dùng 1 - 2 viên/lần x 2 lần/ngày;
- Trẻ em: Sử dụng bằng 1/2 liều của người lớn;
Liều dùng như trên chỉ mang tính chất tham khảo, liều dùng cụ thể của thuốc Nutrios 750 phụ thuộc vào mức độ diễn tiến của bệnh cũng như thể trạng người bệnh. Do đó, bệnh nhân tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có liều dùng phù hợp nhất.
Quá liều:
- Nếu quá liều thuốc Nutrios 750, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ được biết, nhất là khi có các triệu chứng xảy ra như cường calci huyết thanh do vitamin D;
- Điều trị nhiễm độc vitamin D: Dừng uống thuốc, dừng bổ sung calci, duy trì khẩu phần ăn có chứa ít calci, uống nhiều nước hoặc thực hiện truyền dịch;
- Nếu cần thiết, có thể sử dụng corticosteroid hay các thuốc khác, đặc biệt là thuốc lợi tiểu tăng thải calci như ethacrynic và furosemide để giảm nồng độ calci trong huyết thanh;
- Có thể sử dụng cách lọc máu thận nhân tạo hoặc thẩm tách màng bụng để thải trừ calci tự do ra khỏi cơ thể;
- Nếu ngộ độc vitamin D cấp, khi vừa uống xong thì có thể ngăn ngừa tiếp tục hấp thụ vitamin D bằng cách rửa dạ dày hoặc gây nôn;
- Nếu thuốc Nutrios đã qua dạ dày, thực hiện điều trị bằng dầu khoáng có thể thúc đẩy thải trừ vitamin D qua phân. Bởi vì những chất chuyển hóa 25-OH của ergocalciferol và cholecalciferol được tích lũy trong cơ thể kéo dài 2 tháng hoặc lâu hơn sau khi điều trị dài ngày với liều lớn của những loại thuốc này;
- Sau khi dừng điều trị bằng calcifediol hoặc dihydrotachysterol, tình trạng tăng calci máu vẫn còn tồn tại trong khoảng 2 - 4 tuần;
- Sau khi dừng điều trị bằng calcitriol, nồng độ calci huyết thanh sẽ trở về mức bình thường trong vòng 2 - 7 ngày.
Quên liều: Nếu bệnh nhân quên một liều thuốc Nutrios 750, hãy sử dụng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều tiếp theo, người bệnh hãy bỏ qua liều đã lỡ và sử dụng liều kế tiếp như bình thường. Bệnh nhân chú ý không nên sử dụng gấp đôi liều đã quy định.
3. Tác dụng phụ của thuốc Nutrios 750
Trong quá trình sử dụng thuốc Nutrios 750, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp:
- Ít gặp:
- Niệu - sinh dục: Nhiễm calci thận, giảm ham muốn và năng lực tình dục, rối loạn chức năng thận (dẫn đến tiểu đêm, đa niệu, khát nhiều, protein niệu, giảm tỷ trọng nước tiểu);
- Khác: Ngứa da, sổ mũi, loãng xương ở người lớn, giảm phát triển ở trẻ em, thiếu máu, sụt cân, viêm kết mạc vôi hóa, vôi hóa nhiều nơi, sợ ánh sáng, viêm tụy, vôi hóa mạch nói chung, xuất hiện cơn co giật;
- Hiếm gặp:
- Tim mạch: Loạn nhịp tim, tăng huyết áp;
- Chuyển hóa: Có thể bị tăng calci niệu, albumin niệu, photphat niệu, nito ure huyết, cholesterol huyết thanh, nồng độ ALT (SGPT) và AST (SGOT). Giảm nồng độ men photphat kiềm trong huyết thanh;
- Khác: Rối loạn điện giải trong huyết thanh cùng với nhiễm toan nhẹ, loạn tâm thần rõ.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Nutrios, người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc và báo ngay cho các bác sĩ điều trị để được hướng dẫn kịp thời. Trường hợp có biểu hiện nặng, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị nhanh chóng.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Nutrios 750
Một số điều người bệnh cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Nutrios 750 là:
- Trong trường hợp bệnh nhân bị calci niệu tăng nhẹ, suy thận mức độ trung bình hoặc nhẹ hoặc tiền sử có sỏi calci, nên tăng cường theo dõi sự đào thải calci qua đường tiểu và nếu cần thiết có thể giảm liều hoặc tạm thời dừng thuốc;
- Những người bệnh có khả năng bị calci niệu nên uống thêm nhiều nước trong thời gian dùng thuốc;
- Tránh sử dụng thuốc Nutrios 750 nếu có tăng calci huyết hay trong trường hợp dễ bị sỏi thận;
- Cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong các trường hợp giảm protein huyết, rối loạn chức năng hệ tuần hoàn tim, đang được điều trị bởi glycosid tim;
- Người dùng cần phải chú ý tuân theo liều lượng chỉ định;
- Ở đối tượng trẻ em, phải sử dụng thuốc Nutrios 750 dưới sự giám sát của người lớn;
- Nếu các triệu chứng bệnh không được cải thiện sau khi sử dụng thuốc 1 tháng, bệnh nhân hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị;
- Thuốc Nutrios 750 gây chóng mặt, đau đầu, ngủ gà,... Thuốc có ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc nên người bệnh cần cẩn thận khi thực hiện những công việc này;
- Thời kỳ mang thai: Nếu dùng vitamin D với liều lớn hơn liều bổ sung hàng ngày đã được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai bình thường (400 đvqt) thì có thể xảy ra nguy cơ khó lường. Do vậy, không nên sử dụng vitamin D với liều lớn hơn khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Đã ghi nhận một số trường hợp bị hẹp van động mạch chủ, bệnh thận và chậm phát triển về tâm thần, chậm phát triển cơ thể khi có hiện tượng tăng calci máu kéo dài ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà người mẹ đã bị tăng calci máu trong thời kỳ mang thai. Tăng calci máu trong thời gian mang thai có thể làm giảm nồng độ hormon cận giáp ở trẻ sơ sinh, dẫn tới nguy cơ hạ calci máu, động kinh và co giật;
- Nếu trong khẩu phần ăn của thai phụ không cung cấp đủ lượng vitamin D hoặc người bệnh ít tiếp xúc với bức xạ tử ngoại thì nên bổ sung vitamin D tới liều khuyến cáo trong thời kỳ mang thai;
- Vitamin D có khả năng bài tiết vào sữa mẹ. Vì thế, bà mẹ đang cho con bú không nên dùng vitamin D với nhiều lớn hơn liều khuyến cáo. Trong trường hợp này, người mẹ nên dùng vitamin D phụ thêm nếu khẩu phần ăn không đủ hàm lượng vitamin D hoặc ít tiếp xúc với bức xạ tử ngoại.
5. Tương tác thuốc Nutrios 750
Một số tương tác thuốc với Nutrios 750 gồm:
- Các thuốc ức chế thải trừ calci qua thận như: Các clopamid, ciprofloxacin, thiazid, chlorthalidon, thuốc chống co giật;
- Calci làm giảm sự hấp thụ doxycyclin, tetracyclin, ofloxacin, kẽm, sắt và những chất khoáng thiết yếu khác;
- Calci gây tăng độc tính của thuốc digoxin đối với tim;
- Nếu sử dụng kéo dài phenytoin với các loại thuốc chống co giật khác như phenobarbital có thể gây ra cảm ứng enzym cytochrom, dẫn đến hủy vitamin D3, rối loạn chuyển hóa calci và vitamin D. Hệ quả là gây loãng xương.
Trong quá trình sử dụng thuốc Nutrios 750, người bệnh hãy làm đúng các chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, đọc kỹ hướng dẫn của thuốc để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.