Thuốc Desirudin được dùng theo đường tiêm dưới da để dự phòng tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu cho những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thay khớp háng. Để đảm bảo an toàn và hạn chế các tác dụng phụ có hại phát sinh trong quá trình dùng Desirudin, bệnh nhân nên tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian tiêm thuốc.
1. Thuốc Desirudin là thuốc gì?
Desirudin là thuốc kê đơn giúp ngăn ngừa tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu - sự hình thành của các cục máu đông gây hại trong những mạch máu ở chân. Các cục máu đông này có thể di chuyển đến phổi và mắc kẹt trong các mạch máu của phổi, dẫn đến hiện tượng thuyên tắc phổi.
Thuốc Desirudin thường được sử dụng trong vòng vài ngày sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thay khớp háng không thể đi lại như bình thường. Trong khoảng thời gian này, cục máu đông có nguy cơ hình thành ở mạch máu chân nhiều hơn, do đó việc dùng thuốc Desirudin là điều cần thiết.
2. Thuốc Desirudin có tác dụng gì?
Hoạt chất Desirudin có khả năng ức chế trực tiếp thrombin với tính chọn lọc cao. Thuốc cũng ngăn chặn hiệu quả sự hình thành Fibrin kích hoạt các yếu tố đông máu VII, V và XIII cũng như tình trạng kết tập tiểu cầu.
Hiện nay, thuốc Desirudin được chỉ định dùng cho các trường hợp có nguy cơ cao hình thành cục máu đông gây thuyên tắc mạch máu ở chân và phổi. Tuy nhiên, cần chống chỉ định Desirudin cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây:
- Người bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Desirudin, Bivalirudin, Lepirudin hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
- Người đang bị chảy máu không kiểm soát được hoặc bị rối loạn đông máu không hồi phục.
- Người đang dùng những loại thuốc có ảnh hưởng đến quá trình đông máu, bao gồm cả thuốc làm loãng máu hoặc nhóm NSAID (Advil, Ibuprofen, Alve,...).
- Chống chỉ định tương đối thuốc Desirudin cho những người có mức huyết áp cao, chảy máu não, rối loạn chảy máu di truyền / do bệnh lý, đột quỵ xuất huyết não, chảy máu trong dạ dày / phổi / ruột, mới cấy ghép hoặc sinh thiết nội tạng,...
- Chống chỉ định tương đối thuốc Desirudin cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú.
3. Nên sử dụng thuốc Desirudin như thế nào cho hiệu quả?
3.1 Lưu ý trước khi dùng thuốc Desirudin
Trước khi bắt đầu sử dụng Desirudin, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử dị ứng với Lepirudin, Bivalirudin, Desirudin hoặc đang mắc các vấn đề khác như rối loạn đông máu không hồi phục hay chảy máu nhiều. Mặt khác, Desirudin có thể gây ra các cục máu đông ở xung quanh tuỷ sống nếu bệnh nhân thực hiện chọc dò tuỷ sống hoặc gây tê ngoài màng cứng. Loại cục máu đông này có thể làm tê liệt lâu dài, thậm chí vĩnh viễn nếu bệnh nhân có các tình trạng sau:
- Đang bị chấn thương cột sống.
- Có một ông thông cột sống tại chỗ.
- Đã có tiền sử phẫu thuật cột sống / vòi cột sống nhiều lần.
- Đang dùng các thuốc chống viêm không steroid như Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Motrin, Advil), Meloxicam, Indomethacin, Diclofenac,...
- Đang dùng các chất làm loãng máu như Coumadin hay Warfarin.
Không chỉ vậy, bệnh nhân cũng cần thông báo cho bác sĩ biết trước khi dùng Desirudin nếu bản thân từng có các tình trạng sau:
- Bệnh thận.
- Bệnh gan.
- Xơ gan.
- Rối loạn chảy máu do bệnh hoặc di truyền.
- Huyết áp cao không thể kiểm soát.
- Các vấn đề về mắt do bệnh tiểu đường.
- Chảy máu não.
- Đột quỵ xuất huyết não.
- Dùng các thuốc Steroid, Salicylate và một số loại thuốc khác.
3.2 Cách dùng và liều lượng sử dụng thuốc Desirudin
Thuốc Desirudin được sử dụng theo đường tiêm dưới da theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cần đọc kỹ mọi hướng dẫn được ghi trên bao bì thuốc hoặc tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Theo khuyến cáo, thuốc Desirudin được dùng 12 giờ một lần trong vòng tối đa 12 ngày sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật thay khớp háng. Thuốc sẽ được trộn cùng với chất pha loãng trước khi dùng. Bệnh nhân có thể tự mình tiêm dựa trên sự hướng dẫn đầy đủ của bác sĩ.
Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn chỉ nên dùng ống tiêm và kim tiêm riêng kèm theo với thuốc Desirudin. Ngoài ra, chỉ nên pha thuốc khi đã sẵn sàng tiêm, tránh để thuốc quá lâu bên ngoài. Bệnh nhân cũng cần tránh dùng thuốc nếu phát hiện có sự thay đổi về màu sắc hoặc tồn tại một số hạt bên trong đó. Trong quá trình điều trị với Desirudin, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm y tế thường xuyên để đảm bảo không có bất kỳ trở ngại nào xảy ra khi dùng thuốc.
Bảo quản bột Desirudin và chất pha loãng thuốc ở nhiệt độ phòng mát, tránh khu vực quá nóng, ẩm hoặc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng. Bột Desirudin sau khi pha chỉ được phép sử dụng trong vòng 24 giờ, tránh kéo dài thời gian để thuốc bên ngoài. Đối với kim và ống tiêm thuốc Desirudin chỉ nên dùng một lần, sau đó loại bỏ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Liều lượng sử dụng Desirudin thông thường dành cho người lớn cụ thể như sau:
- Liều ban đầu: Tiêm 15mg Desirudin dưới da trong vòng 5 – 15 phút trước khi phẫu thuật.
- Liều duy trì: Tiêm 15mg Desirudin dưới da cứ sau 12 giờ. Riêng bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận nên dùng liều tiêm từ 1,7 – 5mg cứ sau 12 giờ.
Thời gian điều trị bằng Desirudin kéo dài tối đa 12 ngày, trung bình từ 9 – 12 ngày để dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu cho bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng. Bệnh nhân cần sử dụng đúng liều lượng và tần suất dùng thuốc Desirudin, tránh tự ý tăng hay giảm liều, hoặc kéo dài thời gian điều trị. Việc lạm dụng Desirudin có thể dẫn đến các triệu chứng quá liều gây nguy hiểm tới tính mạng.
4. Thuốc Desirudin gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?
Ngoài mang lại tác dụng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu, thuốc Desirudin có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn cho bệnh nhân. Mặc dù không phải tất cả những phản ứng dưới đây đều xảy ra, tuy nhiên bạn nên báo ngay cho bác sĩ hoặc tìm sự trợ giúp của y tế nếu chúng xuất hiện:
- Tác dụng phụ thường gặp: Chảy máu nướu răng, ho ra máu, khó thở, khó nuốt, bầm tím đậm màu, đau đầu, chóng mặt, ngứa / sưng đỏ da, chảy máu cam, tăng lượng kinh nguyệt, chảy máu âm đạo bất thường, vết cắt trên da bị chảy máu kéo dài, bại liệt, đi ngoài phân hắc ín, hụt hơi hoặc nước tiểu sẫm màu.
- Tác dụng phụ ít gặp: Mềm, đau / sưng bàn chân hay cẳng chân, thay đổi màu da, tim đập nhanh, ho, phát ban, da nhợt nhạt, tức ngực, sưng mí mắt / xung quanh mắt / môi / lưỡi / mặt, khó thở khi gắng sức, chảy máu / bầm tím bất thường, thở khò khè, mệt mỏi, suy nhược, chảy dịch ở vết thương.
- Tác dụng phụ hiếm gặp: Có máu trong nước tiểu, chóng mặt, ngất xỉu, mờ mắt, lú lẫn, choáng váng khi đứng dậy đột ngột, sốt, đau nhức đầu dữ dội, đổ mồ hôi, mất phối hợp cơ thể, sưng đau trên da, nói lắp đột ngột, nôn ra máu / chất như bã cà phê, nổi tĩnh mạch, buồn nôn hoặc ói mửa.
Một số tác dụng phụ được đề cập ở trên có thể tự biến mất khi bệnh nhân giảm liều hoặc ngừng thuốc mà không cần sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cũng có những phản ứng nghiêm trọng, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ nguy hiểm khác. Tốt nhất, để hạn chế tối đa nguy cơ gặp các tác dụng phụ bất lợi trong quá trình dùng Desirudin, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa.
5. Những loại thuốc có thể tương tác với Desirudin
Sự tương tác giữa các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến công dụng trị bệnh hoặc làm tăng thêm tỷ lệ gặp phải những tác dụng phụ có hại. Để ngăn ngừa điều này, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ biết danh sách các dược phẩm khác hiện đang sử dụng, cụ thể:
- Thuốc Clopidogrel, Abciximab, Eptifibatide, Ticlopidine, Dipyridamole hoặc Tirofiban.
- Thuốc Reteplase, Alteplase, Urokinase hay Tenecteplase.
- Thuốc Bivalirudin, Dabigatran, Argatroban, Rivaroxaban, Fondaparinux hay Lepirudin.
- Thuốc Enoxaparin, Heparin, Dalteparin hay Tinzaparin.
- Các loại vitamin, thảo dược tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Desirudin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Desirudin điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org