Phẫu thuật nối gân Achilles là phương pháp giúp điều trị chấn thương đứt gân nối gót chân với các cơ bắp chân. Tùy vào mức độ tổn thương, có thể áp dụng điều trị bảo tồn bằng cách bó bột nếu bệnh nhân đến khám sớm và hai đầu gân đứt không bị dịch chuyển xa. Dù vậy, để đạt được hiệu hiệu quả tốt nhất, người bệnh vẫn có thể phải thực hiện phẫu thuật nối gân Achilles.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân nào gây đứt gân achilles?
Gân Achilles là gân lớn nhất trong cơ thể người, nối các cơ bắp chân với gót chân, hỗ trợ các hoạt động như đi bộ, chạy, nhảy và các động tác khác trong cuộc sống hàng ngày.
Khi gân Achilles bị kéo căng quá mức có thể bị đứt hoàn toàn hoặc một phần. Đứt gân Achilles là một loại chấn thương phổ biến trong các vụ tai nạn giao thông, hoạt động sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt trong khi tham gia các môn thể thao đòi hỏi chạy nhảy, di chuyển nhiều cũng như có nguy cơ va chạm cao như cầu lông, bóng đá, tennis,...
Gân gót chân Achilles có thể bị đứt do:
Khi gân Achilles bị tác động bởi một lực mạnh và đột ngột tại vùng gót chân có thể bị đứt hoặc rách. Điều này thường xảy ra trong quá trình chơi thể thao, khi đột ngột tăng tốc hoặc xoay người ngược lại với hướng của bàn chân. Bên cạnh đó, nếu một lực mạnh tác động trực tiếp vào bắp chân trong khi gân đang căng cũng có thể gây ra tổn thương tương tự.
Các vận động viên tham gia các môn như tennis, bóng rổ và bóng đá thường xuyên gặp phải các chấn thương về gân Achilles cần điều trị nối gân Achilles kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Các trường hợp gân Achilles bị đứt mà không có vết thương hở trên da được gọi là đứt kín hoặc đứt ngầm gân gót. Ngoài ra, gân Achilles cũng có thể bị đứt do vật sắc nhọn cắt vào vùng gót, trường hợp này được gọi là vết thương đứt gân Achilles.
- Tình trạng thoái hóa gân Achilles có thể dẫn đến viêm gân hoặc tổn thương gân. Nguyên nhân chính là do gót chân hoạt động với tần suất cao và cường độ mạnh, được lặp đi lặp lại mỗi ngày.
- Việc sử dụng thuốc tiêm steroid cũng có thể góp phần gây tổn thương gân Achilles. Trong một số tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể tiêm steroid vào vùng cổ chân để giảm đau và viêm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của loại thuốc này bao gồm việc làm suy yếu các gân xung quanh khu vực tiêm, bao gồm cả gân Achilles.
- Một số loại thuốc kháng sinh như ciprofloxacin (Ciprobay) hoặc levofloxacin (Tavanic, Nirdicin,...) có thể làm tăng nguy cơ chấn thương ở vùng gân gót chân.
- Béo phì cũng gây áp lực lên gân Achilles. Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ khiến gót chân phải chịu tải trọng nặng nề hơn, dẫn đến tình trạng quá tải kéo dài và có thể gây ra tổn thương đứt gân.
2. Triệu chứng đứt gân Achilles
Khi gân Achilles bị đứt có thể nghe thấy một tiếng "tách" hoặc tiếng nổ từ gót chân, đi kèm là cảm giác đau buốt ở mặt sau cổ chân và cẳng chân. Sau đó, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại bình thường.
Các triệu chứng dưới đây có thể nhận biết chấn thương:
- Đau nhức dữ dội ở bắp chân.
- Sưng vùng bắp chân.
- Không đứng được bằng đầu các ngón chân của chân bị đứt gân gót.
- Đau khi cố di chuyển, đặc biệt rất đau nếu đi bằng ngón chân.
3. Trường hợp nào cần phẫu thuật nối gân Achilles?
Phẫu thuật nối gân Achilles là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các trường hợp đứt gân nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đứt gân đều cần phẫu thuật. Chỉ khi gân bị đứt ở mức độ nghiêm trọng, tức là hơn 50% bề dày của gân bị tổn thương và phần gân lành còn lại không đủ để chịu đựng sức nặng khi đi lại cũng như vận động, khi đó bác sĩ mới xem xét chỉ định phẫu thuật nối gân Achilles để tránh nguy cơ đứt gân tái phát.
Phẫu thuật nối gân Achilles chưa thực sự cần thiết trong các trường hợp sau:
- Trong trường hợp gân bị đứt ở mức độ nhẹ, khi phần gân bị đứt ít hơn 50% bề dày, các đoạn cuối của gân có khả năng tự lành lại. Ở mức độ này có thể được điều trị bảo tồn bằng cách sử dụng thuốc giảm đau và bó bột trong một khoảng thời gian nhất định để hạn chế cử động chân.
- Nếu gân Achilles bị đứt và hai đầu gân không tách xa nhau trong vòng 24 giờ đầu, việc điều trị có thể được thực hiện bằng cách bó bột.
- Trong trường hợp viêm gân ở mức độ nhẹ hoặc trung bình sẽ được khuyến cáo nghỉ ngơi, thường xuyên chườm đá lên vùng gót bị tổn thương, sử dụng thuốc giảm đau và đeo nẹp hoặc thiết bị cố định khác để giữ chân. Nếu tình trạng viêm gân không thuyên giảm sau vài tháng, bác sĩ có thể sẽ xem xét đến phương án phẫu thuật nối gân Achilles.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ cẩn trọng xem xét trước khi quyết định tiến hành phẫu thuật nối gân Achilles trong các trường hợp sau:
- Bệnh tiểu đường lâu năm.
- Nhiễm trùng vùng da xung quanh gân gót.
- Sức khỏe yếu không đủ điều kiện để chịu đựng cuộc phẫu thuật.
- Khả năng không tuân thủ các chỉ dẫn sau phẫu thuật, như hạn chế đi lại, khó cai thuốc lá…
Khi điều trị nối gân Achilles, bệnh nhân sẽ được chỉ định hình thức phẫu thuật phù hợp. Dưới đây là hai hình thức thường được áp dụng:
- Phẫu thuật mổ hở: Phương pháp này giúp hạn chế tổn thương dây thần kinh. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ bị đau nhiều hơn.
- Phẫu thuật nối gân Achilles qua da: Ưu điểm là hạn chế để lại sẹo sau phẫu thuật. Dù vây, phương pháp này lại có tỷ lệ tổn thương dây thần kinh cao và có thể dẫn đến tê bàn chân hậu phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật nối gân Achilles qua da hiện nay mang lại kết quả rất tốt nhưng không phải trường hợp nào cũng phù hợp để áp dụng. Vì vậy, bệnh nhân cần đến khám trực tiếp để bác sĩ chuyên khoa có thể thăm khám và đánh giá cụ thể, từ đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật nối gân Achilles thích hợp. Những trường hợp thường được áp dụng phương pháp này bao gồm:
- Đứt kín hay đứt ngầm gân Achilles
- Đứt gân xảy ra mới trong vòng 3 tuần đầu, đặc biệt là trong tuần đầu tiên sau khi chấn thương xảy ra.
Các trường hợp không thể áp dụng phương pháp nối gân Achilles qua da bao gồm:
- Bệnh lý toàn thân có chống chỉ định phẫu thuật.
- Đứt hở hoặc vết thương đứt gân.
- Đứt gân cũ xảy ra sau chấn thương hơn 3 tuần.
- Có sẹo mổ lớn hoặc dính ở vùng mặt sau của cẳng chân hoặc cổ chân.
- Nhiễm trùng xung quanh vùng gót chân hoặc cẳng chân.
- Bong điểm bám của gân gót.
4. Phẫu thuật nối gân gót chân Achilles được thực hiện như thế nào?
Trong quá trình phẫu thuật nối gân Achilles, bác sĩ sẽ thực hiện rạch một đường nhỏ ở gót chân để nối lại phần gân bị đứt. Nếu gân bị thoái hóa nặng, bác sĩ sẽ loại bỏ phần gân hư hỏng và tiến hành sửa chữa phần còn lại bằng cách khâu lại. Trong tình huống gân bị tổn thương nghiêm trọng, có thể cần thực hiện thay thế một phần hoặc toàn bộ gân Achilles bằng một phần gân lấy từ nơi khác trên chân.
Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn đã bắt đầu áp dụng phương pháp phẫu thuật nối gân Achilles qua da làm thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Phương pháp này giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, sẹo mổ nhỏ, giảm đau và hạn chế các rủi ro biến chứng.
Với phương pháp này, bác sĩ chỉ thực hiện một vết rạch nhỏ bằng kích thước một đốt ngón tay tại vùng gót bị tổn thương. Sau đó sử dụng bộ dụng cụ chuyên biệt để nối gân Achilles qua da mà không cần phải mở rộng vết mổ, giảm thiểu tổn thương cho các mô mềm và mạch máu nuôi dưỡng gân. Phương pháp này giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng hơn.
5. Phẫu thuật nối gân Achilles bao lâu thì lành?
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và kỹ thuật được áp dụng điều trị thời gian phục hồi sẽ khác nhau.
Trong trường hợp phẫu thuật nối gẫn Achilles bằng phương pháp thông thường, bệnh nhân sẽ cần phải bó bột từ 6 đến 12 tuần và cần hỗ trợ của nạng khi đi lại. Bệnh nhân sẽ cần thêm vài tháng tập phục hồi chức năng để có thể đi lại bình thường.
Khi thực hiện phẫu thuật nối gân qua da, người bệnh sẽ phải bất động vị trí chấn thương bằng bốt tập đi khoảng 6 đến 8 tuần và tăng dần tính chịu lực của chân bị thương sau 2 tuần hậu mổ. Sau giai đoạn này, bệnh nhân có thể phục hồi nhanh chóng mà không cần tập phục hồi chức năng.
6. Những biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật nối gân Achilles
Các rủi ro có thể xảy ra với phương pháp nối gân Achilles bao gồm:
- Chảy máu nhiều trong hoặc sau phẫu thuật.
- Đau kéo dài ở bàn chân và mắt cá chân.
- Tổn thương dây thần kinh.
- Nhiễm trùng tại vị trí vết rạch.
- Hình thành cục máu đông ngay tại vị trí phẫu thuật.
- Vết mổ lâu lành.
- Gân được nối không đạt độ khỏe như trước.
- Nguy cơ tái phát đứt gân Achilles.
- Giảm khả năng vận động.
Tuy nhiên, khi sử dụng kỹ thuật nối gân Achilles qua da, nguy cơ gặp phải các rủi ro này rất thấp. Đây là phương pháp ít xâm lấn, giúp giảm thiểu hầu hết các rủi ro có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật như không để lại sẹo xấu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tái phát chấn thương, giảm đau sau mổ, vết mổ lành nhanh và phục hồi khả năng vận động như trước khi chấn thương một cách nhanh chóng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.